Định giá đang "ngáng chân" tiền lớn đổ vào chứng khoán?
Nếu không tính Ngân hàng và Bất động sản, P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện ở mức 23,5x. Đây là mức rất cao so với lịch sử và đang là trở ngại với dòng tiền vào thị trường.
Cập nhật về lợi nhuận toàn thị trường quý 3 của FiinTrade cho thấy, xu hướng hồi phục lợi nhuận sau thuế đang tiếp diễn nhưng có sự phân hóa mạnh giữa các nhóm ngành.
Cụ thể, tổng lợi nhuận sau thuế Q3/2023 của toàn thị trường giảm 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 7,6% so với quý liền kề, nhưng tăng 26% so với quý 4/2022 – quý được coi là đáy về lợi nhuận trong gần 3 năm qua. Mặc dù chưa đạt mức tăng trưởng dương, nhưng đà giảm về lợi nhuận đã thu hẹp mạnh, thể hiện xu hướng hồi phục vẫn đang tiếp diễn.
Điểm đáng chú ý là với biên EBIT cải thiện mạnh, lợi nhuận lõi của khối Phi tài chính tăng trưởng trở lại sau 4 quý suy giảm.
Xét theo ngành, nhóm duy trì tăng trưởng về lợi nhuận sau thuế Q3/2023 so với cùng kỳ bao gồm Chứng khoán, Bảo hiểm, Công nghệ Thông tin, Du lịch và Giải trí và nhóm có lợi nhuận hồi phục là Dầu khí và Tài nguyên Cơ bản (chủ yếu Thép). Nhóm tạo đáy về lợi nhuận sau thuế bao gồm Bán lẻ, Hóa chất, Tiện ích.
Trong khi đó, Bất động sản và Y tế đảo chiều từ tăng trưởng sang suy giảm và đà giảm về lợi nhuận sau thuế ở ngành Ngân hàng chưa có tín hiệu dừng lại.
Trong 9T2023, lợi nhuận sau thuế toàn thị trường giảm -18%, trong đó khối Phi tài chính (giảm -34%) và khối Tài chính (giảm -0,6%). Ước tính của FiinTrade cho thấy tổng lợi nhuận sau thuế toàn thị trường năm 2023 có thể giảm -8,4%, thay vì -3% như tính toán dựa trên kế hoạch của doanh nghiệp hồi đầu năm.
Về định giá, P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm về mức 13,1x, thấp hơn mức trung bình giai đoạn từ 2015 đến nay (14,2x) và cao hơn so với P/E fwd 2023 (12,5x).
"Cần lưu ý rằng mặt bằng định giá hiện tại của thị trường chứng khoán Việt Nam đang chịu ảnh hưởng bởi nhóm cổ phiếu Ngân hàng (P/E 8,8x) và Bất động sản (P/E 12,2x). Nếu không tính hai ngành này, P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện ở mức 23,5x. Đây là mức rất cao so với lịch sử và đang là trở ngại với dòng tiền vào thị trường.
Trong ngắn hạn, đà tăng của thị trường đang bị hạn chế bởi bối cảnh vĩ mô trong và ngoài nước đã bớt tiêu cực nhưng vẫn còn nhiều ẩn số bất lợi bao gồm rủi ro địa chính trị, cầu tiêu dùng hồi phục chậm, đà hồi phục về lợi nhuận đang diễn ra khá chậm và áp lực thanh khoản ở những doanh nghiệp đầu ngành, đặc biệt là nhóm phát triển bất động sản.
Cơ hội đầu tư tiếp tục mang tính chọn lọc hơn và hướng đến các ngành/doanh nghiệp có thể duy trì đà tăng trưởng như Công nghệ thông tin, Khai thác đá hoặc thuộc nhóm tạo đáy về lợi nhuận trong quý 3 với tín hiệu hồi phục rõ nét hơn.
Vậy khi nào dòng tiền lớn mới nhập cuộc? Trả lời câu hỏi này của VnEconomy, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta cho rằng, thông thường để dòng tiền lớn quay lại dựa vào tình hình vĩ mô ổn định. Nếu không có bất kỳ căng thẳng địa chính trị nào trong thời gian ngắn hạn này thì có thể kỳ vọng đến hết tháng 12 dòng tiền lớn sẽ nhập cuộc.
Thứ nhất, trong cuộc họp vừa rồi của Fed vẫn ngụ ý khả năng có thêm một đợt tăng lãi suất nữa xác suất sẽ diễn ra trong tháng 12. Nếu Fed tăng lãi suất sẽ gây ra áp lực tỷ giá, lợi suất trái phiếu tăng trở lại, thị trường sẽ biến động mạnh và đây là rào cản khiến dòng tiền lớn e ngại ở thời điểm hiện tại.
Thứ hai, mặc dù định giá thị trường đang hấp dẫn nhưng căng thẳng địa chính trị ở khu vực Trung Đông vẫn là mối lo lắng của nhà đầu tư. Nhìn lại thời điểm năm 2022 khi xảy ra chiến sự Ukraine - Nga, thanh khoản cũng xuống mức thấp, thị trường giảm liên tục, đến tháng 11 dòng tiền lớn mới nhập cuộc trở lại. Chiến sự khi đó chưa kết thúc nhưng sự quan tâm của mọi người đã giảm dần, không ai để ý.
"Giờ chiến sự ở Gaza xảy ra, bức tranh chưa rõ sáng tối thế nào nên dòng tiền lớn vẫn đứng ngoài nhìn và chờ đợi tạm lắng. Và liệu có gia tăng hay không vẫn phải chờ ít nhất đến hết tháng 12 sau cuộc họp của Fed", ông Nguyễn Thế Minh nhấn mạnh.