22:07 09/11/2023

Các ETF Việt Nam tiếp tục hút tiền do định giá thị trường Đài Loan, Hàn Quốc không còn rẻ

Thu Minh

Một số yếu tố tích cực có thể hỗ trợ dòng tiền ETF như định giá ở một số thị trường như Đài Loan và Hàn Quốc cao và triển vọng không còn nhiều do tăng trưởng lợi nhuận bị phụ thuộc nhiều vào nhóm ngành công nghệ.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nhịp giảm mạnh của thị trường trong tháng 10 đã kích hoạt dòng vốn giải ngân vào thị trường cổ phiếu Việt Nam. Lực cầu bắt đáy đã bù đắp được lượng vốn rút ra, giúp tổng dòng vốn đảo chiều tăng nhẹ 243 tỷ đồng trong tháng 10, sau khi bị rút mạnh trong hai tháng trước đó.

Tính từ đầu năm, tổng giá trị vào ròng của các quỹ ETF đạt 526 tỷ đồng.

ETF TIẾP TỤC HÚT RÒNG NHẸ

Ở chiều bán ra, nổi bật có các quỹ DCVFM VNDiamond (-683 tỷ đồng), DCVFMVN30 (-247 tỷ đồng), SSIAM VNFIN Lead (-192 tỷ đồng). Đây là nhóm quỹ chịu ảnh hưởng lớn từ các nhà đầu tư đến từ Thái Lan, khi các quy định thắt chặt hơn về thuế đối với thu nhập từ nước ngoài đã được công bố và có hiệu lực từ 1/1/2024.

Ở chiều mua vào, quỹ Fubon bắt đầu mua ròng trở lại từ cuối tháng 9 và đẩy mạnh lực mua trong tháng 10 khi thị trường có những phiên giảm mạnh. Quỹ đã vào ròng 1.264 tỷ đồng trong tháng 10 sau khi bị rút ròng liên tục trong 4 tháng. Bên cạnh đó, một số quỹ cũng ghi nhận giá trị vào ròng khiêm tốn như FTSE Vietnam (+134 tỷ đồng), iShares Frontiers EM (+224 tỷ đồng), DCVFM VNMidcap (+54 tỷ đồng), SSIAM VN30 (+20 tỷ đồng).

SSI Research duy trì quan điểm tích cực đối với dòng vốn ETF – tuy nhiên mức độ vào ròng sẽ không quá đột biến khi các biến số vĩ mô chưa có sự cải thiện rõ nét.

Các ETF Việt Nam tiếp tục hút tiền do định giá thị trường Đài Loan, Hàn Quốc không còn rẻ - Ảnh 1

Một số yếu tố tích cực có thể hỗ trợ dòng tiền ETF như sau: Định giá ở một số thị trường như Đài Loan và Hàn Quốc cao và triển vọng không còn nhiều do tăng trưởng lợi nhuận bị phụ thuộc nhiều vào nhóm ngành công nghệ. Dòng tiền từ các nhà đầu tư Thái Lan tiếp tục cơ cấu nhằm hạn chế tác động của đạo luật mới về thuế. Tuy nhiên, kì vọng một phần dòng tiền cá nhân rút ra có thể sẽ chuyển sang Chứng chỉ lưu kí (DR) hoặc các quỹ đầu tư từ Thái và do vậy vẫn có thể ghi nhận dòng tiền gián tiếp tới thị trường chứng khoán Việt Nam.

Yếu tố mùa vụ dòng tiền ETF thường có xu hướng giải ngân mạnh hơn trong
Quý 4 và Quý 1. Bất cứ nhịp điều chỉnh mạnh của thị trường trong giai đoạn này sẽ kích hoạt dòng tiền ETF bắt đáy. Rủi ro là dòng tiền giải ngân vào Quỹ ETF có thể bị chịu ảnh hưởng bởi quán tính rút vốn từ các Quỹ ETF thị trường đang phát triển.

Dòng vốn từ các quỹ chủ động đầu tư vào Việt Nam thu hẹp cường độ rút ròng, khi rút 256 tỷ đồng trong tháng 10, chiếm khoảng 0,2% tổng tài sản quỹ. Tính trong 10 tháng đầu năm, dòng tiền từ các quỹ chủ động vào ròng khoảng 3,1 nghìn tỷ đồng.

Trong xu hướng đà rút ròng chậm lại, một số ít nhóm quỹ từ Châu Á ghi nhận vào ròng nhẹ. Nhìn chung, kết quả kinh doanh Quý 3 mới công bố có kết quả không quá tích cực, khi các doanh nghiệp niêm yết chịu ảnh hưởng từ yếu tố vĩ mô không thuận lợi và khiến dòng vốn chủ động giải ngân khá thận trọng và phân hóa.

Điểm tích cực là tỷ trọng phân bổ vào Việt Nam từ các Quỹ chủ động đầu tư vào thị trường đang phát triển đang có xu hướng cải thiện, cho thấy Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn về dài hạn và có thể phần nào hưởng lợi từ xu hướng rút ròng ra khỏi Trung Quốc.

DÒNG TIỀN KHÓ GIẢI NGÂN MẠNH VÀO QUỸ CỔ PHIẾU 

Tính trên toàn cầu, dòng tiền vào các tài sản tài chính thận trọng tháng 10 và ghi nhận là tháng có thanh khoản thấp nhất kể từ tháng 8/2022.

Quỹ cổ phiếu toàn cầu đảo chiều, và rút ròng gần 17 tỷ USD trong tháng 10 – với lực rút đến từ cả thị trường phát triển (DM) và đang phát triển (EM). Tính chung 10 tháng, dòng tiền vào các quỹ cổ phiếu tăng ròng 79 tỷ USD.

Quỹ trái phiếu vào ròng tháng thứ 9 liên tiếp, với giá trị là 7,8 tỷ USD – tương đương tháng 9. Sức hút duy trì từ quỹ trái phiếu thị trường phát triển và tính chung 10 tháng, các quỹ trái phiếu thu hút 244 tỷ USD trong đó thị trường phát triển lên đến 277 tỷ USD.

Quỹ tiền tệ giảm nhiệt khi chỉ vào ròng 6,1 tỷ USD, thấp hơn 10 lần so với tháng trước, tuy nhiên có thế đến từ yếu tố mùa vụ (hạn cuối cho kỳ nộp thuế của doanh nghiệp ở Mỹ). Tổng mức giải ngân trong 10 tháng đầu năm duy trì ở mức cao quanh 1 nghìn tỷ USD.

Dòng tiền vào tài sản tài chính trong tháng 10 đã bị tác động mạnh bởi xung đột ở Trung Đông và việc lợi suất TPCP Mỹ tăng vọt lên mức cao nhất kể từ 2007. Điểm tích cực là không quan sát thấy xu hướng bán tháo cổ phiếu trong giai đoạn này, khi tâm lý thị trường đã ở trạng thái thận trọng xuyên suốt nhiều tháng qua.

Chính sách tiền tệ của Mỹ gần như đã tới giai đoạn cuối của chu kỳ thắt chặt nhưng câu hỏi về lãi suất có duy trì ở mức cao trong thời gian dài hay không hay mức định giá thị trường cổ phiếu không còn hấp dẫn là yếu tố khiến dòng tiền khó giải ngân mạnh vào các tài sản tài chính rủi ro như cổ phiếu.

Các ETF Việt Nam tiếp tục hút tiền do định giá thị trường Đài Loan, Hàn Quốc không còn rẻ - Ảnh 2

Dòng vốn vào quỹ cổ phiếu DM rút ròng 9,8 tỷ USD trong tháng 10. Sức hút từ thị trường Mỹ (+2,7 tỷ USD trong tháng 10) duy trì nhưng chưa đủ để cân bằng lực rút ròng ra khỏi thị trường Châu Âu. Tuy định giá thị trường Mỹ đang ở mức cao, rủi ro về địa chính trị và mức chênh lãi suất thực giúp dòng tiền vẫn tìm đến thị trường Mỹ nhằm tìm kiếm sự an toàn (flight to safety).

Dòng vốn vào cổ phiếu EM đảo chiều rút ròng lần đầu tiên kể từ tháng 7/2022. Thị trường Trung Quốc ghi nhận rút ròng -1,9 tỷ USD – tháng rút ròng đầu tiên kể từ tháng 2/2023 khi lo ngại rủi ro về tăng trưởng kinh tế và các biện pháp kích thích từ Chính phủ không đem lại hiệu quả. Dòng tiền vào Ấn độ (+1 tỷ USD) chậm lại sau khi bật tăng mạnh kể từ cuối Quý 1/2023.

Nhìn chung, dòng tiền vào các quốc gia mới nổi Châu Á đang bị ảnh hưởng bởi môi trường USD cao và chênh lệch lãi suất thực giữa Mỹ và các quốc gia này. SSI cho rằng dòng tiền vào thị trường cổ phiếu trong giai đoạn cuối của năm 2023 khó ghi nhận nhân tố khác biệt trong bối cảnh vĩ mô chưa rõ ràng.

Tuy nhiên, xu hướng dòng tiền trong thời gian tới có thể sẽ tích cực hơn với các yếu tố hỗ trợ như sau: Các thông điệp và kỳ vọng của thị trường về việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong năm 2024; Các chỉ số của thị trường cổ phiếu đều đang nằm trong vùng điều chỉnh trong khi lợi suất TPCP Mỹ đang gần như duy trì ở mức đỉnh và đang có xu hướng hạ nhiệt; Yếu tố mùa vụ và kỳ vọng về mùa kết quả kinh doanh trong Quý 4 tích cực hơn.