Doanh nghiệp bàn giải pháp hướng tới nền kinh tế tuần hoàn
Phát triển kinh tế tuần hoàn cũng là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với Việt Nam. Việc tiếp cận các giải pháp tiết giảm, tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa, đồng thời xây dựng một cộng đồng chung có trách nhiệm bảo vệ môi trường và tài nguyên biển cho thế hệ tương lai là đặc biệt cần thiết trong giai đoạn hiện nay...
Sự kiện hội thảo kết hợp trưng bày thiết bị và giải pháp xử lý chất thải công nghệ tái chế bảo vệ môi trường (Waste and Recycling Vietnam Expo 2023) với chủ đề “Hướng tới nền kinh tế tuần hoàn” vừa được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 22 tới 24/11, nhằm nâng cao nhận thức xã hội về hoạt động bảo vệ môi trường nói chung và hoạt động bảo vệ môi trường gắn với phát triển bền vững ngành công nghiệp sản xuất nói riêng.
Tại Việt Nam, công nghiệp môi trường có tốc độ tăng trưởng liên tục nhằm xử lý ô nhiễm và nhu cầu về thiết bị công nghiệp cho thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải, xử lý khí thải, cấp nước từ các doanh nghiệp sản xuất.
Vì vậy, sự kiện là tiền đề mở ra những phát triển mới về lĩnh vực môi trường của Việt Nam bao gồm các hội thảo xoay quanh vấn đề nóng với sự góp mặt của đại diện cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức hợp tác quốc tế, các chuyên gia, đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực xử lý chất thải, tái chế bảo vệ môi trường.
Đại diện ban tổ chức, ông Vũ Trọng Tài, Tổng Giám đốc RX Tradex Việt Nam, khẳng định trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Việt Nam đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn trên mọi lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật; trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng liên tục. Đồng thời, Việt Nam luôn quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trên quan điểm phát triển kinh tế xanh theo định hướng phát triển tương lai.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 hiệu lực vào ngày 1/1/2022 đã luật hóa những quan điểm trên bằng quy định tại Điều 142 về kinh tế tuần hoàn. Trong đó, đặt ra yêu cầu đối với các doanh nghiệp phải triển khai các biện pháp giảm khai thác tài nguyên, giảm chất thải, nâng cao mức độ tái sử dụng và tái chế chất thải trong suốt vòng đời dự án từ thiết kế sản phẩm, sản xuất, phân phối và tiêu dùng…
Tại hội thảo, bà Nguyễn Mỹ Hằng, Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế (Cục Biển và Hải đảo), cho biết Việt Nam tích cực mở rộng hợp tác quốc tế với nhiều đối tác đa phương và song phương. Được sự đồng ý của Thủ tướng về việc Việt Nam tham gia Dự án khu vực hợp tác Đức-ASEAN (3RproMar), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao cho Cục Biển và Hải đảo xây dựng nội dung hợp phần triển khai tại Việt Nam trong thời gian tới.
“Phát triển kinh tế tuần hoàn cũng là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với Việt Nam. Dự án 3RproMar là cơ hội để chúng ta có thể tiếp cận các giải pháp tiết giảm, tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa, đồng thời xây dựng một cộng đồng chung có trách nhiệm bảo vệ môi trường và tài nguyên biển cho thế hệ tương lai”, bà Hằng cho hay.
Tại hội thảo, các diễn giả, chuyên gia tập trung phân tích những cơ hội, thách thức của doanh nghiệp trong hoạt động bảo vệ môi trường; những kiến nghị về hoàn thiện chính sách pháp luật về phát triển kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững như: Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) và thực hành quản lý chất thải bền vững ở Việt Nam; Lộ trình thực tiễn để đạt được quy định đầu tư theo mô hình đối tác công tư (PPP) trong thu gom, xử lý và tái chế chất thải ở Việt Nam; Các giải pháp xử lý hướng đến kinh tế tuần hoàn; Khoa học công nghệ và ứng dụng đào tạo doanh nghiệp…
Song song với sự kiện chính, ban tổ chức cũng dành diện tích lớn để trưng bày giới thiệu sản phẩm, thiết bị công nghệ và giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Chẳng hạn, SICK mang đến nhiều công nghệ tân tiến như thiết bị đo lường phát thải bụi áp dụng nguyên lý tán xạ ánh sáng; Việt An Group hoạt động trong lĩnh vực quan trắc môi trường, ứng dụng công nghệ IoT, data center, AI hỗ trợ cho quy trình sản xuất thông minh; Đại Đồng Tiến Phát chuyên sản xuất và phân phối thiết bị môi trường…