Doanh nghiệp khó khăn, thành phố Dĩ An hụt thu ngân sách
8 tháng đầu năm, hàng loạt doanh nghiệp tại Dĩ An, Bình Dương thiếu đơn hàng, thậm chí không có đơn hàng dẫn nên tình hình sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn. Doanh nghiệp gặp khó, việc thu ngân sách của thành phố cũng bị ảnh hưởng lớn...
Ngày 5/9 lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương đã làm việc với thành phố Dĩ An về thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong 8 tháng đầu năm 2023.
Theo báo cáo của Thành ủy Dĩ An, trong 8 tháng đầu năm, kinh tế thành phố tiếp tục được duy trì và phát triển ổn định theo đúng định hướng. Tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 38,44% dự toán UBND tỉnh giao. Tổng thu mới ngân sách địa phương được hưởng đưa vào cân đối thực hiện đạt 46,54% dự toán tỉnh giao và Nghị quyết HĐND thành phố thông qua.
Tổng chi ngân sách địa phương đạt 62,18% dự toán UBND tỉnh giao bằng 53,29% Nghị quyết HĐND thành phố thông qua. Về giải ngân vốn đầu tư công, đạt 48,13% so kế hoạch vốn điều chỉnh đã được HĐND thành phố thông qua.
Hiện địa phương đang tập trung rà soát danh mục đầu tư công, xử lý các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình nhất là công trình trọng điểm, công trình cần vốn bồi thường, trong đó ưu tiên phê duyệt và chi trả đền bù công trình đường Vành đai 3, Tô Vĩnh Diện.
Thành phố đã thống nhất với các địa phương lân cận, dự kiến đầu tư kết nối 21 điểm hiện hữu, 09 tuyến điểm giao thông mở mới và hiện nay đã được cập nhật vào quy hoạch.
Đối với Dự án nâng cấp, mở rộng đường An Bình, qua làm việc với TP. Hồ Chí Minh, hai địa phương đã thống nhất quy mô lộ giới của dự án là 34m. Bên cạnh đó, Dĩ An đã hoàn chỉnh hồ sơ, trình Sở Xây dựng lấy ý kiến để thẩm định nhiệm vụ quy hoạch chung của thành phố, dự kiến trong tháng 9/2023 sẽ phê duyệt nhiệm vụ và dự kiến đầu năm 2024 sẽ được phê duyệt đồ án.
Tuy nhiên, tình hình thu ngân sách của Dĩ An khó đạt dự toán được giao do doanh nghiệp đang gặp khó khăn, Chính phủ thực hiện các chính sách hoãn, giãn thuế; ngân sách bố trí cho đầu tư công, cải tạo chỉnh trang đô thị và vệ sinh môi trường chưa tương xứng với nhu cầu của một đô thị phát triển; không có nguồn để bổ sung dự toán cho các đơn vị thực hiện các chế độ chính sách được HĐND tỉnh thông qua và các đối tượng được tăng mức lương cơ sở theo quy định tại Nghị định số 24/2023/NĐ-CP của Chính phủ nhưng không được lấy nguồn cải cách tiền lương để chi.
Theo thống kê, ước nhu cầu tăng thêm đối với các nội dung trên khoảng 45 tỷ đồng. Về giải tỏa đền bù, đại diện thành phố Dĩ An cho biết, vướng quy định về điều kiện áp giá bồi thường tài sản gắn liền với đất, không có quy định về đối tượng, điều kiện, mức bồi thường, hỗ trợ để xem xét bồi thường, hỗ trợ tại Quyết định số 09/2023/QĐ-UBND, ngày 13/4/2023 của UBND tỉnh Bình Dương nên việc giải phóng mặt bằng các công trình, dự án gặp nhiều khó khăn...
Trước tình hình trên, Dĩ An kiến nghị tỉnh chỉ đạo Cục Thuế có giải pháp tăng thu, phối hợp chia sẻ thông tin nhất là các khoản thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khoản thu thuế ngoài quốc doanh. Trường hợp địa phương bị mất cân đối, kiến nghị tỉnh xem xét chấp thuận chủ trương cho bổ sung cân đối ngân sách để địa phương hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong năm 2023.
Bố trí vốn để địa phương thực hiện đấu tư công, cải tạo chỉnh trang đô thị, vệ sinh môi trường, Đề án 06... từ các nguồn thu khác của tỉnh. Sớm sửa đổi Quyết định số 09/2023/QĐ-UBND ngày 13/4/2023 của UBND tỉnh Bình Dương; bố trí vốn để đầu tư xây dựng Khu di tích cách mạng và du lịch sinh thái Hố Lang, giai đoạn 2...