Doanh nghiệp nộp phạt chậm đóng bảo hiểm xong lại tiếp tục vi phạm
Theo các chuyên gia, chế tài xử phạt vi phạm chậm đóng bảo hiểm hiện chưa đủ sức răn đe, dẫn đến tình trạng có doanh nghiệp sẵn sàng nộp phạt sau đó lại tiếp tục vi phạm...
Trong những năm qua, mặc dù tỷ lệ số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp so với số tiền phải thu giảm dần qua từng năm, tuy nhiên vẫn còn ở mức cao.
KHÓ CHẤM DỨT HOÀN TOÀN VIỆC CHẬM ĐÓNG BẢO HIỂM
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tổng số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội của các đơn vị, doanh nghiệp bình quân giai đoạn 2016-2022 là khoảng trên 10.000 tỷ đồng/năm.
Vì thế, các chuyên gia cho rằng cần nhiều giải pháp mạnh tay hơn nữa để xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
Ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) thừa nhận, tình trạng doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội luôn là vấn đề nhức nhối. Tuy nhiên, thời gian qua, tại các tỉnh, thành phố đều đã thành lập được Ban chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế trên địa bàn, do phó chủ tịch, hoặc chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đứng ra làm trưởng ban chỉ đạo.
Thông qua ban chỉ đạo này đã có những giải pháp quyết liệt hơn. Nhờ đó, trong năm 2023, tỷ lệ chậm đóng bảo hiểm xã hội đã giảm xuống mức 2,69%, là mức thấp nhất từ trước đến nay.
Theo ông Thọ, hiện cơ quan Bảo hiểm xã hội cũng đã tập trung một số giải pháp quan trọng như: Công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng danh sách các doanh nghiệp chậm đóng, với thời gian kéo dài và số tiền lớn; tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất các doanh nghiệp.
Đồng thời, chuyển sang cơ quan điều tra xem xét, khởi tố đối với các trường hợp có thời gian nợ kéo dài với số tiền lớn, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều người lao động.
“Tuy nhiên, cơ quan Bảo hiểm xã hội cũng đang gặp vướng mắc trong quy trình tố tụng, nên số hồ sơ bị trả lại từ cơ quan điều tra rất lớn”, ông Thọ thông tin.
Vì vậy, tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội, đã bổ sung thêm quy định tăng chế tài mức phạt, lãi chậm đóng, trốn đóng là 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng (như lĩnh vực thuế).
Ngoài ra, còn quy định công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng; làm rõ các hành vi chậm đóng trốn đóng, để sau này tạo thuận tiện cho xử lý hành chính cũng như xử lí hình sự.
Các giải pháp nữa cũng được tính đến là hoãn xuất cảnh ra nước ngoài đối với các chủ doanh nghiệp chậm đóng; không cho đấu thầu các dự án, công trình có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước đầu tư...Thậm chí, chế tài cao nhất là xử lí hình sự.
“Đây sẽ là những giải pháp rất mạnh để hạn chế tình trạng chậm đóng bảo hiểm. Còn rất khó để không còn doanh nghiệp chậm đóng. Bởi tuân theo quy luật của kinh tế thị trường, có doanh nghiệp hoạt động thành công, nhưng cũng có đơn vị thất bại, phá sản, phải giải thể. Đây là thực tế cần chấp nhận”, ông Đỗ Ngọc Thọ nêu quan điểm.
CẦN CHẾ TÀI XỬ PHẠT ĐỦ MẠNH ĐỂ KHÔNG GÂY "NHỜN" LUẬT
Nhìn nhận các giải pháp đưa ra khá quyết liệt, song dưới góc độ công đoàn, TS. Phạm Thị Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) nhấn mạnh nhiều hơn đến vấn đề thực thi.
Bà Lan cho rằng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát có vai trò quan trọng, nhưng mới chỉ giúp phát hiện vấn đề, hơn hết vẫn là chế tài xử lí thế nào.
“Thực tế, chúng tôi biết nhiều khi doanh nghiệp sẵn sàng nộp phạt sau đó vẫn tiếp tục nợ. Bởi số tiền nợ bảo hiểm xã hội khá lớn, khi nộp phạt và nợ được thì đơn vị vẫn có thể sử dụng khoản vốn này để đầu tư cho các hoạt động khác”, bà Lan lo ngại.
Theo Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, điều này cho thấy việc xây dựng chế tài thực thi đủ sức răn đe là vấn đề lớn, trong đó rất cần một hệ thống xử phạt về kinh tế đủ mạnh. Từ đó, bản thân doanh nghiệp sẽ phải tính toán lại lợi ích, và nhận thấy cần tuân thủ hơn là vi phạm.
“Hệ thống phạt hiện nay còn khá nhẹ nhàng nếu so với lợi ích, dẫn đến có doanh nghiệp vẫn vi phạm. Xử phạt chủ yếu để nhắc nhở hơn là có tính chất răn đe. Đây là tư duy cần thay đổi, nếu không có thể khiến doanh nghiệp dù không vi phạm nhưng lại tìm cách lách luật”, TS. Phạm Thị Thu Lan nhìn nhận.
PGS.TS. Bùi Thị An, Nguyên đại biểu Quốc hội Khóa XIII cũng cho rằng nếu chính sách trong luật thực thi kém sẽ có thể gây “nhờn” luật. Do đó, theo chuyên gia trong sửa Luật Bảo hiểm xã hội lần này, việc xây dựng chế tài đủ mạnh để doanh nghiệp không dám vi phạm nữa là rất quan trọng.
“Chúng ta có thể xây dựng chính sách phạt như trong lĩnh vực thuế, đánh vào kinh tế. Ngoài chế tài cần đủ sức răn đe, Công đoàn cần tăng cường giám sát, công khai, minh bạch trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hình thức cao nhất là có thể đình chỉ hoạt động kinh doanh. Với doanh nghiệp đây là bài toán lợi nhuận, có như vậy hoạt động thực thi mới hiệu quả”, PGS. TS. Bùi Thị An cho hay.