Đổi mới chính sách, khai thác phát huy nguồn lực đất đai
Qua gần 10 năm tổ chức thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW và 8 năm thi hành Luật đất đai đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần khai thác và phát huy có hiệu quả nguồn lực đất đai phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội…
Ngày 24/6, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến với 8 Tỉnh ủy, Thành ủy các tỉnh: Đà Nẵng, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Bạc Liêu, Bà Rịa- Vũng Tàu, Phú Yên, Bình Thuận và Đồng Tháp. Hội nghị nhằm tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; và tổng kết thi hành Luật Đất đai.
NHỮNG TỒN TẠI HẠN CHẾ LÀ DƯ ĐỊA ĐỂ PHÁT TRIỂN
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, gần 10 năm tổ chức thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW và 8 năm thi hành Luật đất đai đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần khai thác và phát huy có hiệu quả nguồn lực đất đai phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường...
Theo đó, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai từng bước được tăng cường; nguồn thu từ đất đóng góp quan trọng vào ngân sách nhà nước; các quyền của người sử dụng đất được mở rộng và được Nhà nước bảo đảm; thị trường bất động sản, trong đó có quyền sử dụng đất đã từng bước phát triển để cùng với thị trường vốn, thị trường lao động, khoa học, công nghệ cấu thành một chỉnh thể của cơ chế thị trường.
Những tồn tại hạn chế là dư địa để phát triển nếu chúng ta xác đúng các quan điểm, chủ trương, giải pháp, các nút thắt từ thực tiễn để đổi mới chính sách pháp luật về đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường, yêu cầu của tiến trình phát triển của đất nước...
Tuy nhiên, quá trình thực thi cũng bộc lộ nhiều tồn tại; nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế- xã hội của đất nước; tài nguyên đất đai chưa được giao cho chủ thể có năng lực sử dụng hiệu quả còn để lãng phí, hoang hóa, chưa hiệu quả.
Bên cạnh đó, việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có nơi chưa đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người có đất thu hồi và nhà đầu tư. Thị trường bất động sản, trong đó có quyền sử dụng đất còn yếu kém, thiếu đồng bộ. Việc tổ chức thực hiện pháp luật đất đai còn chưa nghiêm; tình trạng vi phạm chính sách pháp luật đất đai, tình hình khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai còn diễn biến phức tạp…
Tuy nhiên, ông Hà cũng cho rằng, đây chính là dư địa để phát triển nếu chúng ta xác định đúng các quan điểm, chủ trương, giải pháp, các nút thắt từ thực tiễn để đổi mới chính sách pháp luật về đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường, yêu cầu của tiến trình phát triển của đất nước.
Nghị quyết đại hội lần thứ 13 của Đảng đã xác định hoàn thiện đồng bộ, tổ chức thực hiện tốt cơ chế, chính sách, luật pháp luật để quản lý, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực nhất là đất đai là một trong 3 khâu đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Đây cũng là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương Khóa 13 và Quốc hội khóa 14.
Có nhiều vấn đề lớn được đặt ra cần phải được sáng tỏ từ lý luận và soi rọi từ thực tiễn để giải quyết đúng đắn phù hợp với yêu cầu phát triển. Vì vậy, việc tổng kết đánh giá từ cơ sở có ý nghĩa hết sức quan trọng, làm rõ kết quả đạt được; những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân nhất là nguyên nhân chủ quan; đề xuất các quan điểm, chủ trương, chính sách tiếp tục đổi mới…
TỔNG KẾT, ĐÁNH GIÁ ĐỂ HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH ĐẤT ĐAI
Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước. Việc Ban Chấp hành Trung ương xem xét, đưa nhiệm vụ tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW và xây dựng Nghị quyết mới về chính sách đất đai cho thấy sự cần thiết, tầm quan trọng của việc tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai với sự phát triển đất nước trong thời gian tới.
Ban Chấp hành Trung ương đã xác định tập trung chỉ đạo khẩn trương tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW, trong đó bao gồm việc tổng kết Luật đất đai năm 2013, từ đó xây dựng một Nghị quyết mới của Ban Chấp hành Trung ương, đảm bảo thể hiện đầy đủ chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng cũng như phù hợp với xu thế phát triển trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Để hướng tới tổng kết thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW cũng như tổng kết Luật đất đai, vừa qua, Ban Kinh tế Trung ương đã liên tục tổ chức các hội nghị hội thảo, các buổi làm việc với Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…
Làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 23/6 về triển khai nhiệm vụ tổng kết thực hiện Nghị quyết số 19- NQ/TW, ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khằng định, Nghị quyết 19-NQ/TW và Luật Đất đai năm 2013 đã mang lại những kết quả tích cực, khai thác và phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế- xã hội đất nước.
Tại Văn kiện Đại hội lần thứ 13 của Đảng, trên cơ sở đánh giá từ thực tiễn đã đưa ra những chủ trương, quan điểm mục tiêu và định hướng quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội trong giai đoạn phát triển sắp tới của đất nước, trong đó bao gồm những nội dung về việc tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển đất nước trong giai đoạn 2020- 2030 nói chung, trong đó có thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực đất đai.
Trên cơ sở đó, Ban Chấp hành Trung ương đã xác định tập trung chỉ đạo khẩn trương tiến hành tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW, trong đó bao gồm việc tổng kết Luật đất đai năm 2013, từ đó xây dựng một Nghị quyết mới của Ban Chấp hành Trung ương, đảm bảo thể hiện đầy đủ chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng cũng như phù hợp với xu thế phát triển của đất nước trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong tổ chức thực hiện Tổng kết và chỉ đạo tiếp thu những ý kiến đóng góp, ông Trần Tuấn Anh đề nghị Ban Cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, vào cuộc quyết liệt, khẩn trương, nhằm hoàn thành các nội dung công việc với chất lượng cao.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh vai trò của Bộ Tài nguyên và Môi trường là đặc biệt quan trọng, với việc thực hiện hai nhiệm vụ song song, đó là: Tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW và Tổng kết Luật Đất đai năm 2013. Kết quả làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ sở quan trọng để xây dựng, hoàn thiện dự thảo Báo cáo Tổng kết.
Tại buổi làm việc, ông Trần Hồng Hà, cho rằng, việc triển khai tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai để trình Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 4, tháng 10/2021, cũng như thể chế hóa trong Luật đất đai sửa đổi, trình Quốc hội khóa 15 là vấn đề hệ trọng đối với phát triển kinh tế- xã hội đất nước; được khẳng định trong thực tiễn trong hơn 30 năm đổi mới; những thành tựu đạt được gắn với đổi mới chủ trương chính sách, pháp luật về đất đai.
Với ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đổi mới chủ trương, chính sách pháp luật đất đai đối với phát triển kinh tế- xã hội, đặc biệt để giải quyết đúng đắn những vấn đề đặt ra từ thực tiễn, Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai các nhiệm vụ theo phân công của Ban Chỉ đạo và gắn việc Tổng kết Nghị quyết với Tổng kết thi hành Luật đất đai.