12:24 13/06/2022

Đón đọc Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 24-2022

Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy

Mời quý độc giả đón đọc Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 24 phát hành ngày 13-06-2022 với nhiều chuyên mục hấp dẫn...

Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 24-2022
Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 24-2022

Tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng ngày càng diễn biến phức tạp và vẫn chưa có hồi kết. Hậu quả mang lại vô cùng nghiêm trọng, không những gây thất thu thuế cho Nhà nước, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển sản xuất lưu thông hàng hóa, môi trường đầu tư kinh doanh, quyền lợi hợp pháp và khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất chân chính, mà còn gây thiệt hại cho người tiêu dùng, đặc biệt là những người nông dân. 

Trong 2 năm qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nguồn phân bón nhập khẩu bị đứt gãy khiến giá phân bón liên tục tăng mạnh. Đặc biệt, từ cuối tháng 2/2022 đến nay, xung đột giữa Nga và Ukraine đã khiến lượng cung và thương mại phân bón trên thế giới giảm đột ngột, càng làm giá phân bón tăng phi mã, đạt mức cao nhất trong 50 năm trở lại đây. Điều này đã "thúc đẩy" các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón tung ra nhiều chiêu thức gian lận nhằm thu lợi bất chính.

Theo đánh giá của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, chỉ riêng ngành nông nghiệp, mỗi năm thiệt hại trên 2,5 tỷ USD do sử dụng phải phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Điều đáng nói, có hàng nghìn đại lý phân phối phân bón tiếp tay cho phân bón giả vì đứng trước lợi nhuận quá lớn mang lại.

Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, mỗi năm nông dân tiêu thụ khoảng 11 – 12 triệu tấn phân bón các loại. Đáng báo động, trong đó có từ 30-50% là phân bón giả, kém chất lượng.

Trong số báo ra sáng ngày 13/6/2022, chuyên mục Tiêu điểm của Tạp chí Kinh tế Việt Nam sẽ phản ánh câu chuyện: "Phân bón giả - Tác hại thật", và giải đáp các vấn đề đang được quan tâm như: Phân bón giả, kém chất lượng ảnh hưởng như thế nào đối với những doanh nghiệp chân chính và người tiêu dùng? Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và vai trò của các cơ quan quản lý trong việc đấu tranh với phân bón giả, kém chất lượng. Giải pháp đẩy lùi vấn nạn phân bón giả, kém chất lượng và những kiến nghị....

Các bài viết bao gồm:

- Thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng vì phân bón giả. Thống kê cho thấy mỗi năm nước ta phát hiện khoảng 4.000 vụ liên quan đến phân bón giả, phân bón kém chất lượng, nhưng đây cũng chỉ là một phần trong số phân bón giả đang được tiêu thụ. Hiệp hội Phân bón Việt Nam ước tính, mỗi năm nông dân nước ta chịu thiệt hại 2,5 tỷ USD, tương đương với 57.000 tỷ đồng do sử dụng phải phân bón giả, phân bón kém chất lượng. (Chu Khôi).

- Loạn thị trường phân bón: Thật – giả lẫn lộn, nông dân khó lường. Phân bón giả, kém chất lượng không chỉ ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, đất đai bị thoái hóa, ô nhiễm môi trường, mà còn gây thiệt hại nặng nề đến đời sống kinh tế của người nông dân. Trong bối cảnh hiện nay, có thể nói, người nông dân đang trong tình cảnh “một cổ hai tròng”, nghĩa là vừa phải chịu tác động từ việc giá phân bón tăng cao, vừa phải đối mặt với nạn phân bón giả. (Quảng Tuệ).

- Dẹp nạn phân bón giả, kém chất lượng: Cần giải pháp đồng bộ. Trong 2 năm qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nguồn phân bón nhập khẩu bị đứt gãy khiến giá phân bón liên tục tăng mạnh. Điều này dẫn đến tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng gia tăng và ngày càng diễn biến phức tạp. Đâu là giải pháp nhằm siết chặt công tác quản lý đối với mặt hàng phân bón trong thời gian tới và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng? (Nhóm phóng viên thực hiện).

Cùng nhiều chuyên mục hấp dẫn khác:

- Chữ tín với sức lan tỏa toàn cầu. Từ chỗ phải đi xin viện trợ và bị động trông chờ các nước lớn giải quyết các vấn đề liên quan đến Việt Nam cách đây mấy chục năm, Việt Nam đã trở thành một đối tác tham gia chủ động, tích cực, bình đẳng và có trách nhiệm trong quan hệ quốc tế nói chung và quan hệ kinh tế, thương mại đa phương và song phương nói riêng. (Nguyễn Quốc Uy).

- Tháo gỡ các “nút thắt” cản trở tiến độ thi công cao tốc. Áp lực về nguồn vốn sẽ được “cởi bỏ” khi hàng loạt dự án đường bộ cao tốc trọng điểm giai đoạn 2021-2025 được bố trí 339.000 tỷ đồng để đầu tư dứt điểm, tăng gấp 4 lần giai đoạn trước đó. Tuy nhiên, những “nút thắt” như khó khăn trong giải phóng mặt bằng, nguồn đất đắp thiếu hụt hay biến động giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng… vẫn là những thách thức cản trở tiến độ thi công đòi hỏi có những giải pháp tháo gỡ. (Ánh Tuyết).

- Cần kế hoạch ứng phó với biến động của thế giới. Hạ dự báo tăng trưởng và nâng dự báo lạm phát là điểm chung của các báo cáo kinh tế được các tổ chức tài chính quốc tế phát hành mới đây. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải có những chính sách ứng phó với những biến động có thể xảy ra trong tương lai. (Anh Nhi).

Công khai minh bạch ngân sách: Cần sự nỗ lực của tất cả các bên. Việc công khai minh bạch ngân sách không chỉ là trách nhiệm riêng của Bộ Tài chính mà của rất nhiều cơ quan khác. Để tiếp tục cải thiện mức độ ngân sách ở Việt Nam, cần cải thiện hệ thống luật pháp cũng như thể chế. (Vũ Khuê).

- Hỗ trợ hiệu quả hơn cho tăng trưởng xuất nhập khẩu. Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn do chi phí vận chuyển tăng cao, ảnh hưởng bởi căng thẳng, xung đột chính trị giữa Nga và Ukraine, song hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2022 vẫn tăng trưởng tích cực. Đáng chú ý, cán cân thương mại tiếp tục nghiêng về xuất siêu. (Huyền Vy).

- Vì sao chưa từ bỏ cấp hạn mức tín dụng? Sự bùng nổ của tín dụng dễ dãi đã góp phần dẫn tới lạm phát và khủng hoảng hệ thống ngân hàng trong giai đoạn 2007 - 2012. Bởi vậy, từ 2013 đến nay, Ngân hàng Nhà nước tiến hành cấp hạn mức tín dụng cho từng ngân hàng theo các tiêu chí: quản trị hệ thống tốt, nợ xấu thấp, ưu tiên nhóm khách hàng thuộc các lĩnh vực căn cơ theo chỉ đạo của Chính phủ. (Đào Vũ).

- Tranh cãi về tín dụng bất động sản lúc thông, lúc nghẽn. Vốn ngân hàng - “huyết mạch” của nền kinh tế đang được cho là “ngưng chảy” vào bất động sản - lĩnh vực lan toả đến 40 ngành nghề khác. Câu chuyện kiểm soát tín dụng vào bất động sản bắt đầu từ việc “sốt đất” diễn ra khắp nơi tại Việt Nam, bất chấp dịch Covid-19 bùng phát, giãn cách xã hội nhưng giá bất động sản liên tục tăng… (Linh Lan).

- Giải “cơn khát” vốn cho doanh nghiệp bất động sản. Trong số bốn kênh bơm vốn hiện nay của thị trường bất động sản thì kênh qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang bị thu hẹp và điều này dẫn tới rủi ro tài chính rất lớn. Các chuyên gia cho rằng, một mặt phải thanh lọc thị trường nhưng đồng thời cũng phải nỗ lực xây dựng kênh trái phiếu doanh nghiệp phát triển bền vững, bởi đây là kênh vốn trung dài hạn thỏa mãn cả 2 tiêu chí quy mô và kỳ hạn cho thị trường bất động sản. (Phan Linh).

- Giá nhà ở: chưa hướng tới người mua cuối. Nhiều ý kiến cho rằng hiện có mười mấy đạo luật liên quan tới thị trường bất động sản, trong đó có các luật không trực tiếp nhưng tác động lớn như chính sách thuế, tín dụng… dẫn đến thị trường có hiện tượng đầu cơ nhiều hơn là cung cấp cho người tiêu dùng. (Phan Dương).

Xây dựng hạ tầng số để phát triển kinh tế số. Tần số vô tuyến điện là tài sản quốc gia, vì vậy Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật làm cơ sở cho việc quản lý, sử dụng, khai thác hiệu quả, bảo vệ tài nguyên tần số, quỹ đạo vệ tinh trong phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế của đất nước. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện sẽ góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng hạ tầng số, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số. (Nhĩ Anh).

- Tương lai cầu Long Biên: Tình trạng “chắp vá” không thể kéo dài. Dù còn nhiều tranh cãi cho “số phận” tương lai của cây cầu Long Biên lịch sử hơn 120 tuổi, tuy nhiên, các ý kiến đều cho rằng, không thể kéo dài tình trạng “chắp vá”, duy tu chỉ đáp ứng 40% yêu cầu như hiện nay... (Anh Tú).

- Doanh nghiệp chống chọi với “bão giá” nguyên liệu đầu vào. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2022 tương đối thuận lợi, song thực tế biến động tăng của giá nhiên liệu, nguồn cung nguyên phụ liệu nhập khẩu khan hiếm đang khiến nhiều ngành hàng sản xuất, chế tạo, chế biến gặp nhiều khó khăn… (Lưu Hà).

Vướng mắc ở thủ phủ mắc ca Điện Biên: Do “chồng lấn” lợi ích ba bên. Tỉnh Điện Biên và Hiệp hội Mắc ca Việt Nam quyết định trồng cây mắc ca trên mảnh đất này làm cây chủ lực tương tự cây cà phê, tiêu, điều ở Tây Nguyên. Đến nay, có 9 doanh nghiệp được cấp phép với 10 dự án, quy mô tới 62,7 nghìn ha. Tuy nhiên, mô hình sản xuất hiện đang tồn tại một số vướng mắc do chồng lấn lợi ích giữa các chủ thể... (Nguyễn An Thơ).

- Lấy con người làm trung tâm: Xây dựng chuỗi lao động ổn định. Trước tác động tiêu cực của đại dịch Covid - 19, với mục tiêu duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm, an sinh xã hội, nhiều giải pháp để phục hồi thị trường lao động đã được đưa ra… (Dũng Hiếu).

- Đã qua thời hoàng kim  cổ phiếu công nghệ Phố Wall? Các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn ở Phố Wall đang trong đợt sụt giảm nghiêm trọng nhất hơn 1 thập kỷ trở lại đây. Một số nhà đầu tư - trong lúc còn bị ám ảnh bởi vụ vỡ bong bóng dotcom hồi những năm 2000 - đang đối mặt với nguy cơ thua lỗ thậm chí còn lớn hơn. (An Huy).

- Khai thác cơ hội từ thị trường Blockchain, Metaverse. Sự thành công của các dự án trong thời gian qua mà điển hình nhất là Axie Infinity do đội ngũ người Việt phát triển, cho thấy Việt Nam không còn khoảng cách so với những người tiên phong trên thế giới về Blockchain và Metaverse. Đây là những lĩnh vực tạo sự đột phá lớn nhất trong kinh tế số mà Việt Nam có thế mạnh, có thể cạnh tranh, nắm bắt và khai thác các cơ hội. (Đỗ Phong).

- Cửa hàng flagship đang trở lại sau đại dịch. Trong khi thương mại điện tử đang tăng tốc để cung cấp trải nghiệm đa tầng cho khách hàng, thì các cửa hàng mang dấu ấn thương hiệu (flagship) phải trở thành không gian cho những khoảnh khắc phi thường và giàu cảm xúc. (Minh Nguyệt).

- Từ sự “bốc hơi” của Luna và TerraUSD: Nhìn lại chính sách liên quan tới tài sản kỹ thuật số. Vài tuần trở lại đây, thị trường chứng kiến sự bốc hơi “dữ dội” của loạt tài sản kỹ thuật số khi các tài sản này thi nhau lao dốc. Đặc biệt, với hiện tượng đồng Luna và TerraUSD rớt thảm càng đặt ra các yêu cầu đối với xây dựng chính sách điều chỉnh hoạt động đầu tư này trên thị trường tài chính. (Kiều Mai).