11:40 03/02/2021

Đột phá để đưa Nghị quyết Đại hội XIII thành hiện thực

Bảo Ngọc

"Nếu thực hiện tốt những gì Đại hội XIII đề ra, nhất là trong chiến lược 2021 - 2030, doanh nghiệp, người dân sẽ càng đầu tư nhiều hơn, lớn hơn, dài hạn hơn..."

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, thành công của Đại hội không chỉ là thông qua được Nghị quyết hay bầu ra Ban Chấp hành mới mà quan trọng hơn là phải đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống, biến nó thành hiện thực.
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, thành công của Đại hội không chỉ là thông qua được Nghị quyết hay bầu ra Ban Chấp hành mới mà quan trọng hơn là phải đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống, biến nó thành hiện thực.

Nghị quyết Đại hội XIII nhấn mạnh, mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. VnEconomy trích ghi lại các ý kiến của các đại biểu, chuyên gia về các vấn đề này.

ẤN TƯỢNG VỚI 5 QUAN ĐIỂM, 5 BÀI HỌC VÀ 6 NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

Cần đột phá để đưa Nghị quyết thành hiện thực - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên

Thông qua các Văn kiện của Đảng, nhất là Báo cáo Chính trị trình trước Đại hội XIII của Đảng, tôi nhận thấy các nội dung Báo cáo nêu rất xác đáng. Đoàn đại biểu Điện Biên rất tâm đắc, nhất là những nội dung đề cập về phát triển kinh tế - xã hội, về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị cũng như là những nội dung phân tích, đánh giá, nhìn nhận những hạn chế, tồn tại. Qua đó, cho thấy Đảng đã thẳng thắn nhìn thẳng sự thật và cầu thị, tiếp thu những đóng góp có tính xây dựng của nhân dân.

Tôi cũng rất ấn tượng với 5 quan điểm, 5 bài học và 6 nhiệm vụ trọng tâm đặt ra trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng.  Khi thảo luận, đoàn đại biểu tỉnh Điện Biên đều thống nhất cao với các nội dung đề ra.

Sau Đại hội XIII, Điện Biên sẽ triển khai toàn diện, nhằm góp phần đưa đất nước tiếp tục phát triển để đạt được nhiều thành tựu, những kết quả to lớn hơn. Cùng với sự vào cuộc hết sức quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp; dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, sự ủng hộ của nhân dân cũng như cả hệ thống chính trị; với những biện pháp, giải pháp có tính đột phá, tin tưởng rằng trong nhiệm kỳ tới, nền kinh tế nước nhà sẽ tiếp tục có những bước bứt phá. 

Thông qua đó, góp phần xây dựng một Việt Nam hùng cường, có thể sánh vai với các cường quốc năm châu, đời sống của nhân dân chắc chắn sẽ tiếp tục được nâng cao.

NHANH CHÓNG ĐƯA NGHỊ QUYẾT VÀO CUỘC SỐNG

 - Ảnh 2.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng

Việc xây dựng dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng được chuẩn bị từ sớm, công phu, bài bản, kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đồng bào Việt Nam định cư ở nước ngoài. Dự thảo các văn kiện đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn; kế thừa, bổ sung phát triển đường lối đổi mới của Đảng trong 35 năm qua với nhiều nội dung mới, thể hiện tầm nhìn, tư duy chiến lược, thể hiện khát vọng phát triển của dân tộc và quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Để thực hiện nhất quán quan điểm: Xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng - phát triển văn hóa là mục tiêu, động lực, nền tảng tinh thần xã hội; đảm bảo quốc phòng - an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên; tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng thì bài học sâu sắc mà Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh rút ra sau mỗi kỳ Đại hội là kịp thời xây dựng và ban hành chương trình, kế hoạch cụ thể để sớm đưa Nghị quyết Đại hội đi vào thực tiễn cuộc sống.

Sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng, với trách nhiệm là người đứng đầu, tôi sẽ đề xuất và cùng tập thể Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung triển khai một số nội dung trọng tâm để nhanh chóng đưa nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống.

PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI BIỂN ĐẢO GẮN VỚI BẢO VỆ CHỦ QUYỀN 

 - Ảnh 3.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Lê Văn Phong

Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đề cập đến nội dung tập trung vào lĩnh vực đầu tư, hoàn thiện các cơ sở hạ tầng cũng như kết nối hệ thống điện quốc gia đến các huyện đảo để tập trung phát triển kinh tế-xã hội biển đảo gắn liền với bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Với trách nhiệm là đại biểu của tỉnh, đại diện cho Đảng bộ huyện Côn Đảo dự Đại hội XIII của Đảng, tôi rất vui mừng khi dự thảo Văn kiện có đề cập đến phát triển kinh tế-xã hội vùng biển đảo theo hướng phát triển bền vững, đồng thời hỗ trợ cho công tác bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển đảo và lĩnh vực an ninh quốc phòng.

Nhằm định hướng phát triển huyện đảo Côn Đảo, mới đây, huyện đảo Côn Đảo vừa được Bộ Công Thương trình Thủ tướng đưa vào đầu tư công trung hạn 2021-2026 và dự án cấp điện cho huyện đảo từ điện lưới quốc gia. Mong muốn dự án này sớm được triển khai để hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương, góp phần phát triển Côn Đảo thực sự trở thành Khu Du lịch quốc gia theo đúng định hướng của Thủ tướng Chính phủ.

MÔI TRƯỜNG THUẬN LỢI, DOANH NGHIỆP VÀ NGƯỜI DÂN SẼ ĐẦU TƯ NHIỀU 

 - Ảnh 4.

Nguyễn Đình Cung, Tổ trưởng Tổ tư vấn về nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững

Tôi nghĩ nhiệm kỳ tới sẽ có nhiều khó khăn bởi thế giới vẫn đang đối phó với dịch bệnh COVID-19 và nhiều biến động khác. Còn trong nước, như văn kiện trình Đại hội XIII nhận định, động lực tăng trưởng không còn như trước. Vì vậy, việc bảo đảm quyền tự do kinh doanh và kiến tạo một môi trường kinh doanh an toàn trên cơ sở thay đổi vai trò, công cụ quản lý, chức năng và năng lực của Nhà nước là động lực rất quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Chúng ta có hy vọng để tin rằng: Nếu thực hiện tốt những gì Đại hội XIII đề ra, nhất là trong chiến lược 2021 - 2030, doanh nghiệp, người dân sẽ càng đầu tư nhiều hơn, lớn hơn, dài hạn hơn. Để thực hiện được mục tiêu này, chúng ta cần tiếp tục xoá bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân; hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hoá công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động; khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế.

Để nền kinh tế có động lực tăng trưởng, Việt Nam cần có cơ chế, tài chính khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ. Việt Nam cần hệ thống đổi mới sáng tạo Quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Để trở thành miền đất hứa, Việt Nam cần tăng cường công tác bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đây là yếu tố đặc biệt quan trọng để bảo vệ sự sáng tạo. Phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60 - 65%.

PHÁT TRIỂN KINH TẾ LÀ NHIỆM VỤ TRUNG TÂM ĐÃ ĐƯỢC THỂ CHẾ RÕ HƠN 

 - Ảnh 5.

Đại biểu Lê Đức Thọ, Đoàn Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương

Trong dự thảo văn kiện đã định hướng rất nhiều mục tiêu quan trọng cũng như tầm nhìn từ nay đến 2045, đặt ra rất nhiều nội dung mới, khát vọng xây dựng phát triển đất nước từ nay đến 2030 cũng như đến giữa thế kỷ này.

Có thể nói các cán bộ đảng viên và nhân dân hết sức kỳ vọng, mong muốn Đảng sẽ cụ thể hóa, thể chế những nội dung trong đường lối, chủ trương của Đảng vào các chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tiếp tục hoàn thiện bộ máy của hệ thống chính trị để tổ chức triển khai thực hiện thành công các nội dung Nghị quyết, đưa các nội dung Nghị quyết vào cuộc sống.

Theo tôi, những nội dung trong dự thảo Nghị quyết lần này đã thể chế rõ ràng hơn việc xây dựng phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, đây là quan điểm hết sức đúng đắn và bảo đảm sự phát triển nhanh và bền vững.

Về hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính và kinh tế tổng hợp của đất nước, chúng tôi thấy rằng những nội dung đó đã được thể chế vào trong những nội dung cụ thể của Nghị quyết, để từ đó tạo ra cơ sở cho chúng ta thể chế hóa thành các chính sách pháp luật cũng như là quá trình tổ chức triển khai thực hiện có kết quả.