06:00 07/06/2024

Dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa thi công 12 năm vẫn dang dở

Thiên Ân

Dự án chống sạt lở bán đảo Thành Đa (Quận Bình Thạnh, TP.HCM) thi công đã 12 năm (từ năm 2012), đến nay chỉ mới hoàn thành đoạn 1 và đoạn 3, đoạn 4 đã giải quyết xong công tác bồi thường; riêng đoạn 2 vẫn vướng pháp lý...

Một đoạn bờ kè Thanh Đa bị sụt lún đến nay vẫn chưa khác phục được. Ảnh: Thắm-Ngọc.
Một đoạn bờ kè Thanh Đa bị sụt lún đến nay vẫn chưa khác phục được. Ảnh: Thắm-Ngọc.

Thanh tra Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa công bố kết luận thanh tra số 1541/KL-TTS về quản lý chất lượng và biện pháp thi công tại dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa - đoạn 4 (Quận Bình Thạnh, TP.HCM). Trong báo cáo kết luận này, cơ quan thanh tra đã phát hiện một số vi phạm trong quá trình thi công và đề nghị xử lý.

Dự án chống sạt lở này có chiều dài 2,7 km, tổng mức đầu tư hơn 380,5 tỷ đồng, được đầu tư từ vốn ngân sách thành phố, do Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP) chủ đầu tư, gồm hai gói thầu xây lắp. Gói thầu xây dựng công trình phần dưới nước (thảm đá) được khởi công năm 2014, do Công ty cổ phần xây dựng Đê kè và Phát triển nông thôn Hải Dương thực hiện, khối lượng đạt 93% giá trị hợp đồng, đã tạm ngưng thi công từ tháng 8/2015 do vướng mặt bằng. Và gói thầu công trình phần trên cạn (thân kè và đỉnh kè) do liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Anh Vinh - Công ty TNHH Thành Hưng - Công ty TNHH thương mại và xây dựng Vũ Bách thực hiện, có trị giá 176,9 tỷ đồng, được khởi công năm 2018.

Theo Thanh tra Sở Giao thông vận tải Thành phố, hai nhà thầu trong liên danh gói thầu trên cạn đã hoàn thành 98% khối lượng công việc, riêng phần việc của Công ty cổ phần Tập đoàn Anh Vinh chỉ mới đạt 18% khối lượng. Việc chậm tiến độ thi công tính đến thời điểm thanh tra là hơn 2 năm so với phụ lục hợp đồng số 6 ký ngày 31/12/2021.

Về phía chủ đầu tư, Thanh tra giao thông thành phố cho biết theo báo cáo của TCIP thì công trình gặp khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng; đồng thời sau đại dịch Covid-19, nhà thầu thi công khó khăn về tài chính, nhân lực, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công. TCIP đã đôn đốc nhắc nhở Công ty Anh Vinh nhiều lần (từ tháng 10/2021) do chậm tiến độ, nhưng không có tiến triển; vì vậy cũng đang hoàn tất các thủ tục chấm dứt hợp đồng với doanh nghiệp này. Tuy nhiên, Thanh tra giao thông thành phố cũng cho rằng TCIP thiếu kiểm tra, hướng dẫn nhà thầu tư vấn giám sát và nhà thầu thi công dẫn đến còn có các tồn tại trong công tác bảo đảm an toàn giao thông khi thi công.

Cũng theo cơ quan thanh tra, các đoạn thi công chưa hoàn chỉnh bị tác động của các yếu tố bên ngoài làm giảm chất lượng, cường độ vật liệu. Công trình chống sạt lở này nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở bờ sông nhưng thi công dở dang, không đạt được mục tiêu đề ra, đe dọa an toàn đến tính mạng người dân cùng các công trình lân cận. Trách nhiệm này là thuộc về chủ đầu tư, cá nhân, bộ phận được giao nhiệm vụ quản lý dự án.

Từ các phân tích trên, Thanh tra Sở Giao thông vận tải TP.HCM yêu cầu TCIP khẩn trương xử lý theo quy định hợp đồng đã ký kết đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Anh Vinh. Cùng với đó, chủ đầu tư chịu trách nhiệm thu hồi toàn bộ số tiền đã cho nhà thầu này tạm ứng khi thi công dự án và khẩn trương tổ chức thi công lại để hoàn thành đúng theo phương án được phê duyệt.

Về hình thức xử phạt, cơ quan thanh tra tiến hành lập hồ sơ chuyển cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ đầu tư về hành vi không kiểm tra dẫn đến nhà thầu này không gia hạn bảo lãnh thực hiện hợp đồng khi đến thời hạn theo quy định, mức phạt từ 40 - 60 triệu đồng. TCIP còn bị đề xuất xử phạt từ 20 - 30 triệu đồng về việc lập báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư không đúng thời hạn hoặc không đầy đủ nội dung theo quy định. Đối với nhà thầu Công ty cổ phần Tập đoàn Anh Vinh, thanh tra đề xuất xử phạt về hành vi vi phạm do thi công sai hợp đồng xây dựng, với mức phạt từ 50 - 70 triệu đồng.

Trước đó, vào cuối tháng 4/2024 vừa qua, Sở Giao thông vận tải TP.HCM và Uỷ ban nhân dân quận Bình Thạnh đã có báo cáo Uỷ ban nhân dân Thành phố về việc di dời dân khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm và dự án xây dựng kiên cố hóa tuyến kè Thanh Đa (phường 25, quận Bình Thạnh).Theo hai cơ quan này, từ đầu tháng 4/2024, tuyến bờ kè kênh Thanh Đa (đoạn 1.1) xuất hiện các vết nứt 10 – 20 cm, cách đỉnh kè 10 m, dọc theo tuyến kè. Các vết nứt cũng hình thành cung trượt, gây mất ổn định tuyến kè, những ngôi nhà mà người dân rời đi tiếp tục có dấu hiệu chuyển vị và nghiêng về phía kênh, gây sụt lún nặng hơn và có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào.

Từ các phân tích về tình hình nguy hiểm trên, Sở Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân quận Bình Thạnh đã kiến nghị Uỷ ban nhân dân TP.HCM phân kỳ dự án kiên cố hóa tuyến kè Thanh Đa thành 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 xây dựng kiên cố tuyến kè Thanh Đa nhằm ổn định nền đất tại khu vực. Quận Bình Thạnh có trách nhiệm khẩn trương tổ chức sơ tán, di dời người, tài sản các nhà dân gồm 32 căn nhà dọc theo tuyến kè 1.1 trong phạm vi 10 m tính từ đỉnh kè ra khỏi khu vực sạt lở và khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm.