21:47 17/03/2023

Một địa phương kiên quyết từ chối dự án "khủng" đóng góp 50% ngân sách để giữ định hướng phát triển

Ánh Tuyết

Nhắc lại nhiều lần về cam kết đưa Thừa Thiên Huế trở thành một thành phố xanh, thành phố di sản, lãnh đạo tỉnh gợi nhắc lại câu chuyện kiên quyết từ chối một dự án lớn do lo ngại ảnh hưởng đến môi trường và đi sai định hướng phát triển. Dự án này có thể đóng góp 50% số thu ngân sách và đưa tỉnh sớm lọt top các tỉnh tự chủ về ngân sách...

Huế đang nỗ lực xây dựng, phát triển thành thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2025 trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa.
Huế đang nỗ lực xây dựng, phát triển thành thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2025 trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa.

Tại Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam (Vietnam Connect Forum) năm 2023 do Bộ Ngoại giao, Tạp chí Kinh tế Việt Nam và UBND TP. Đà Nẵng phối hợp tổ chức vào ngày 17/3 tại TP. Đà Nẵng, nhiều địa phương tại khu vực miền Trung như Đà Nẵng, Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế... thể hiện những nỗ lực tìm kiếm nhiều giải pháp, nhiều mô hình kinh tế mới và nhanh chóng nắm bắt những đột phá về công nghệ số làm đòn bẩy để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh và hướng tới phá triển bền vững, dựa trên những thế mạnh của từng địa phương.

NÓI "KHÔNG" VỚI CÁC DỰ ÁN GÂY TỔN HẠI MÔI TRƯỜNG

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết với sự vào cuộc và tâm huyết rất lớn của lãnh đạo tỉnh, Thừa Thiên Huế đang triển khai rất nhiều hoạt động liên quan đến đô thị thông minh, công nghệ thông tin. "Định hướng xây dựng đô thị di sản sinh thái, cảnh quan thân thiện với môi trường và phát triển xanh là một định hướng xuyên suốt của tỉnh và được đặt vấn đề từ hai nhiệm kỳ trước", ông Phương khẳng định.

Định hướng này càng rõ nét hơn đặc biệt từ khi có Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với hàng loạt cơ chế chính sách đặc thù. Trong đó đặt ra mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành đô thị trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa di sản sinh thái, cảnh quan thân thiện môi trường và thông minh.

Một câu chuyện thú vị được lãnh đạo Thừa Thiên Huế chia sẻ tại diễn đàn đó là mặc dù tỉnh còn nghèo và có lần chỉ cần "gật đầu" một dự án thì tỉnh dư dả đủ nộp 50% ngân sách hiện nay. Như vậy, chỉ cần 2 dự án, tỉnh đã tự tự chủ về ngân sách, không còn phụ thuộc trung ương.

Thông tin cụ thể hơn, ông Phan Quý Phương cho biết Thừa Thiên Huế có thể nhận được nhiều dự án lớn và rất nhiều nhà đầu tư quan tâm, bởi hạ tầng giao thông rất thuận tiện khi có trục quốc lộ, cao tốc, sân bay quốc tế,  đường sắt, đặc biệt có cảng nước sâu. Vì vậy, rất nhiều dự án lớn, rất nhiều nhà đầu tư lớn ở trong nước cũng như nước ngoài muốn đầu tư.

Tuy nhiên, khi thẩm tra dự án lại không ổn về vấn đề môi trường, do đó, lãnh đạo tỉnh kiên quyết từ chối vì lo ngại đi sai định hướng phát triển, đặc biệt từ khi có Nghị quyết 54. 

Phiên thảo luận sôi nổi với đại diện lãnh đạo các địa phương, các doanh nghiệp.
Phiên thảo luận sôi nổi với đại diện lãnh đạo các địa phương, các doanh nghiệp.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Trung ương yêu cầu trước khi lên thành phố trực thuộc trung ương, tỉnh phải tự chi tiêu được, thu phải đủ chi nhưng nếu như vậy, rất dễ phá bỏ định hướng phát triển. Chính vì vậy, tỉnh xin với trung ương đến năm 2025 sẽ tự cân đối được, còn trước đây vẫn cần ngân sách hỗ trợ.

 

"Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục thể hiện sự cam kết với cộng đồng quốc tế cũng như với Chính phủ rằng sẽ làm bằng được và thành công mục tiêu này. Huế rất mong nhận được sự quan tâm của Chính phủ, của các bộ, ngành hỗ trợ cả nguồn lực và công nghệ từ cộng đồng quốc tế. Huế cam kết và không từ bỏ mục tiêu này”, ông Phương nhấn mạnh. 

Đánh giá cao quyết tâm của Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng Huế là một tỉnh hội tụ sự cổ điển và hiện đại và khát khao áp dụng chuyển đổi số và công nghệ thông tin ở mức cao nhất. 

Huế cũng là một trong số ít những địa phương có thể nói “không” khi cần thiết khi các dự án chưa hẳn đảm bảo về môi trường, như Thủ tướng đã từng nói "không phát triển kinh tế bằng mọi giá".

Ông Cương cho rằng điều này thể hiện việc chúng ta làm ngày hôm nay chính là kiến tạo một tương lai tốt đẹp hơn, bền vững hơn, không chỉ là câu chuyện kinh doanh của ngày hôm nay, không phải chỉ là chính sách của nhiệm kỳ này mà là một câu chuyện của cả đất nước, của các địa phương trong thời gian tới.

Ngoài câu chuyện về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, Phó Viện trưởng CIEM cũng lưu ý thị trường hay công nghệ cũng sẽ thay đổi, dẫn đến các mô hình kinh tế mới sẽ đem lại lợi ích lớn hơn rất nhiều.

Ông Cương lấy dẫn chứng doanh nghiệp FDI lớn như Samsung sử dụng 60.000 - 70.000 lao động, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) sử dụng 103.000 lao động hay Vingroup - tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam sử dụng 60.000 - 70.000 lao động nhưng Grab không phải trong số 3 doanh nghiệp trên, sử dụng mô hình kinh tế chia sẻ, lại đem lại hơn 200.000 việc làm.

"Việc sử dụng các công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 và các mô hình kinh tế mới, chắc chắn sẽ đem lại kết quả, tiềm năng vượt xa những điều chúng ta tưởng tượng, miễn là chúng ta vẫn cố gắng, nỗ lực hơn những điều đã làm tốt", ông Cương nhấn mạnh.

NHIỀU THAM VỌNG TRONG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG, THÔNG MINH ĐƯA THỪA THIÊN HUẾ ĐỔI THAY

Thông tin cụ thể hơn về những kế hoạch, công việc Thừa Thiên Huế đã và đang triển khai, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nêu rõ liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp sạch, phát triển đô thị thông minh và bền vững, tỉnh đã ban hành Kế hoạch 110/KH-UBND hành động thành phố xanh Huế đến năm 2020 định hướng đến năm 2030 từ năm 2015, trước khi ký Nghị quyết 54 ra đời.

 

"Du khách có dịp đến Thừa Thiên Huế sẽ thấy khác hẳn so với cách đây vài năm, với đô thị xanh sạch đẹp, khang trang gần như không có nhà tầng chọc trời", lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế dẫn chứng.

Trong kế hoạch này cũng nêu rõ mục đích, nhiệm vụ, nội dung, giải pháp để thực hiện kế hoạch thông qua 16 hành động cụ thể, nhằm hiện thực hóa tầm nhìn đưa Huế trở thành thành phố xanh trong khuôn khổ hợp tác giữa Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, đặc biệt là trùng tu di tích kinh thành Huế.

Để thực hiện kế hoạch trên, UBND tỉnh cũng ban hành Quyết định số 894/QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư xây dựng chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) - tiểu dự án Thừa Thiên Huế, với tổng mức đầu tư hiện khoảng 1.200 tỷ đồng. Đồng thời, tỉnh cũng cải thiện và mở rộng mạng lưới giao thông, từng bước hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng đô thị xanh, tạo động lực cho phát triển đô thị, thúc đẩy phát triển kinh doanh thương mại và khai thác tiềm năng du lịch, cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, nâng cao cảnh quan, môi trường đô thị, qua đó, nâng cao sức khỏe, chất lượng sống cho nhân dân.

Về công tác chuyển đổi số, Thừa Thiên Huế tập trung xây dựng chính quyền điện tử với các sáng kiến trong phát triển đô thị thông minh, các hoạt động quản lý và điều hành địa phương phù hợp và thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Minh chứng là trong năm 2021, Thừa Thiên Huế đứng thứ 8/63 tỉnh thành về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và đứng đầu cả nước về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và đứng thứ 4 cả nước về chỉ số cải cách hành chính và giữ ngôi vị thứ 2 về chuyển đổi số.

Đặc biệt, trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh (IOC) Huế đã đạt giải thưởng Sao khuê, đây là giải thưởng uy tín nhất của ngành phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam. Tỉnh cũng giành giải thưởng chuyển đổi số Việt Nam năm 2022, đặc biệt được vinh danh ở hạng mục Chính phủ số của tổ chức công nghiệp điện toán khu vực châu Á - Thái Bình dương.

Về nông nghiệp công nghệ cao, trong thời gian vừa qua, UBND tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo định hướng chung của tỉnh cũng như định hướng trung ương gợi ý. Từ đó, từng bước khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu ổn định và dễ bị tổn thương do thiên tai.

"Tại khu vực miền trung, Thừa Thiên Huế giống như một số địa phương khác bị tác động bởi thiên tai, biến đổi khí hậu rất rõ rệt, mưa nắng, bão lụt, bờ biển bị xâm thực... Vì vậy, nếu không chuyển đổi chắc chắn sẽ khó khăn, người dân sẽ bị ảnh hưởng", ông Phương nhấn mạnh.

Ngoài ra, Huế cũng được công nhận là thành phố festival đặc trưng của Việt Nam, thành phố văn hóa ASEAN, thành phố bền vững về môi trường ASEAN và đặc biệt là thành phố xanh quốc gia. Đây cũng là thành phố tiêu biểu của các đô thị trong cả nước hiện đang phát triển bền vững môi trường theo hướng tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu. 

"Tỉnh cam kết với cộng đồng quốc tế cam kết với quốc gia với Chính phủ sẽ thực hiện thành công mục tiêu này trong thời gian sắp tới", lãnh đạo Thừa Thiên Huế đặt quyết tâm.