10:52 27/02/2008

“Dùng biện pháp mạnh để bình ổn thị trường”

Nguyên Trang

Bộ Tài chính sẽ sớm đưa ra một loạt giải pháp mang tính đột phá để có thể đẩy lùi được những dấu hiệu bất ổn của nền kinh tế

"Thị trường bất động sản hiện nay đang phát triển có thể nói là nóng. Do đó, trong thời gian tới, bộ sẽ có rất nhiều biện pháp để kiểm soát thị trường này."
"Thị trường bất động sản hiện nay đang phát triển có thể nói là nóng. Do đó, trong thời gian tới, bộ sẽ có rất nhiều biện pháp để kiểm soát thị trường này."
Bộ Tài chính sẽ sớm đưa ra một loạt giải pháp mang tính đột phá để có thể đẩy lùi được những dấu hiệu bất ổn của nền kinh tế.

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh với báo giới trước những biến động lớn trên thị trường tài chính, tiền tệ thời gian qua.

Kiểm soát tăng giá, kiềm chế lạm phát

Thưa Bộ trưởng, hiện nay, nền kinh tế của chúng ta đang có những biểu hiện bất ổn, từ vấn đề giá cả, lạm phát cho đến thị trường tiền tệ, thị trường khoán, thị trường bất động sản ... Vậy sắp tới, Bộ sẽ có những động thái và chính sách tài khóa cụ thể nào để có thể khiến tình hình trở nên tốt hơn ?

Đúng là nền kinh tế của chúng ta đang có những biểu hiện theo hướng bất lợi. Và một trong những nhiệm vụ, mục tiêu được Chính phủ ưu tiên hàng đầu vào lúc này là phải làm sao kiểm soát được tốc độ tăng giá và kiềm chế lạm phát.

Còn đối với Bộ Tài chính thì để kiểm soát và bình ổn thị trường, chúng tôi đã và sẽ có các chính sách tổng thể mang tính đột phá, mạnh như chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá và quản lý hiệu quả đầu tư để kiểm soát lạm phát. Đồng thời, Bộ cũng sẽ nghiên cứu những biện pháp nhằm đảm bảo cho thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán... phát triển lành mạnh và bền vững

Trong thời gian tới, Bộ sẽ áp dụng tổng thể rất nhiều giải pháp trong đó có giải pháp tiền tệ, giải pháp tài khoá và các giải pháp về quản lý.

Đối với giải pháp tài khoá thì trước hết là phải đảm bảo các nguồn thu về ngân sách theo kế hoạch mà Quốc hội đã thông qua. Đồng thời phải đảm bảo điều hành việc chi ngân sách ra một cách đều đặn và theo đúng kế hoạch, đi theo đó là việc kiểm soát các chỉ tiêu, tránh lãng phí ở các đơn vị thông qua việc tăng cường kiểm soát lĩnh vực kho bạc.

Ngoài ra, Bộ cũng sẽ đẩy mạnh việc huy động trái phiếu Chính phủ theo đúng kế hoạch và đảm bảo giải ngân kịp thời, hỗ trợ cho việc phát triển tăng trưởng và đầu tư có hiệu quả.

Đặc biệt, trong thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để làm sao hạn chế được tất cả những khoản chi tiêu lãng phí.

“Chỉ thị 03” về cho vay đầu tư bất động sản?

Được biết, trong chính sách điều hành vĩ mô của Bộ Tài chính sẽ có tính đến những biện pháp nhằm kiểm soát đầu cơ bất động sản để đảm bảo cho thị trường này phát triển lành mạnh. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về chính sách này?

Thị trường bất động sản hiện nay đang phát triển có thể nói là nóng. Do đó, trong thời gian tới, bộ sẽ có rất nhiều biện pháp để kiểm soát thị trường này.

Trước hết, về mặt tín dụng, bộ sẽ tăng cường kiểm soát làm sao cho tín dụng bất động sản lành mạnh. Nếu chúng ta phát triển được cung hàng hoá, đầu tư tiếp tục được các dự án về đô thị như nhà ở, văn phòng cho thuê... thì cái đó nên khuyến khích. Nhưng nếu cho vay để đầu tư, đầu cơ bất động sản thì không khuyến khích.

Ngoài các giải pháp tiền tệ, tín dụng thì có thể áp dụng các giải pháp khác như quản lý dự án đầu tư để tránh việc chuyển nhượng, mua bán dự án một cách bất hợp pháp, khi mà chưa ra sản phẩm đã bán. Về phía Bộ Tài chính, đối với những trường hợp này, chúng tôi đang nghiên cứu, cũng có thể Nhà nước sẽ thu về những phần chênh lệch không hợp pháp đó hoặc là chênh lệch không do bản thân mình làm ra.

Hiện nay, Bộ Tài chính cũng đang xúc tiến rất khẩn trương để sửa đổi Pháp lệnh Thuế nhà đất cho phù hợp để làm sao trong thuế nhà đất phải có hai loại là thuế nhà và thuế đất. Và đối với đất cũng phải có hai loại: đất nông nghiệp và đất đô thị. Có làm như vậy thì mới thuận lợi trong việc kiểm soát, điều tiết được việc đầu cơ bất động sản.

Có thông tin cho rằng, sắp tới sẽ có một “Chỉ thị 03” về cho vay đầu tư bất động sản. Ý kiến của Bộ trưởng về thông tin này như thế nào?

Đối với tín dụng bất động sản thì chúng ta cần phải xem việc cho vay nhưng cụ thể nhằm vào mục đích gì. Nếu cho vay để phát triển thị trường bất động sản một cách lành mạnh thì rõ ràng là không nên hạn chế.

Nhưng nếu cho vay đầu cơ bất động sản thì nhất định là phải hạn chế. Bởi vì, phát triển thị trường, phát triển kinh tế ở bất cứ nước nào cũng gắn liền với phát triển bất động sản.

Thí điểm mua cổ phần bằng ngoại t

Vừa rồi, Chính phủ có cho phép thực hiện thí điểm việc cho mua cổ phần bằng ngoại tệ. Đến bao giờ thì chính sách này được thực hiện phổ biến mà không chỉ dừng lại ở thí điểm, thưa ông?

Hiện nay, theo đề nghị của Bộ Tài chính thì Thủ tướng đã có văn bản thống nhất với Bộ là cho phép các nhà đầu tư chiến lược góp vốn mua cổ phần ở các công ty của Nhà nước bằng ngoại tệ. Trước mắt, việc này sẽ được triển khai thực hiện thí điểm và nếu mọi việc diễn ra thuận lợi thì sẽ tính đến những bước tiếp theo.

Tuy nhiên, theo tôi thì điều này cũng không phải là quá quan trọng bởi thực ra, ngoại tệ hay không ngoại tệ thì vào trong nước chúng ta, nó đều phải đòi hỏi được tính thanh khoản và được vận động phù hợp với quy luật.

Được biết, Hội đồng Tiền tệ chính sách quốc gia rất ủng hộ nghiệp vụ tài khoản ký quỹ cho các công ty chứng khoán mà Ủy ban Chứng khoán và Bộ Tài chính đưa ra. Vậy bao giờ thì nghiệp vụ này sẽ được áp dụng, thưa ông?

Chính phủ rất mong muốn thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư. Và để có được điều đó thì đương nhiên Chính phủ phải có những chính sách để kiểm soát những thị trường này.

Tuy nhiên, chính sách sẽ không can thiệp thô bạo vào thị trường bằng mệnh lệnh hành chính mà phải bằng cơ chế, chính sách phù hợp với kinh tế thị trường.

Còn về nghiệp vụ tài khoản ký quỹ thực hiện cho thị trường chứng khoán thì hiện nay bộ đang nghiên cứu, xem xét để thực hiện càng sớm càng tốt.