Giá bán mủ cao su giảm sâu, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam gặp khó
Với sự suy giảm giá bán mủ cao su, sản phẩm cốt lõi của VRG chỉ đạt mức giá bình quân khoảng 33 triệu đồng/tấn (giảm 6 – 6,5 triệu/tấn so với cùng kỳ) nên kết quả thực hiện 3 tháng đầu năm của đơn vị này có sự suy giảm rất lớn so với thực hiện cùng kỳ năm trước...
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) vừa tổ chức Hội nghị giao kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023. Sự kiện được tổ chức trực tiếp kết hợp với trực tuyến tới 41 điểm cầu, trong nước và 2 điểm cầu tại Lào và Campuchia.
Được biết, năm 2022, doanh thu hợp nhất toàn Tập đoàn này ước đạt 28.600 tỷ đồng, bằng 101,1% kế hoạch năm, tương đương 100,9% thực hiện năm 2021. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 5.200 tỷ đồng, bằng 106,1% kế hoạch năm. Nộp ngân sách nhà nước 4.000 tỷ đồng, vượt 27,0% kế hoạch năm và tăng 32,7% so với năm 2021.
Năm 2023, VRG đã xây dựng kế hoạch sản xuất - kinh doanh và trình Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt, cụ thể như sau: Sản lượng khai thác cao su là 425.000 tấn, thu mua là 80.115 tấn, tiêu thụ 507.985 tấn. Sản lượng gỗ phôi là 285.100 m3, gỗ ghép tấm 11.500 m³, gỗ tinh chế 10.850 m3, MDF 1.056.100 m³. Găng tay cao su 900 triệu cái, băng tải cao su 182.000 m2, hơn 1,1 triệu quả bóng các loại, nệm – gối cao su 59.200 cái, đất khu công nghiệp cho thuê 100 ha. Với các chỉ tiêu cơ bản nêu trên, doanh thu dự kiến sẽ là 3.792 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt 1.395 tỷ đồng.
Với sự suy giảm giá bán mủ cao su, sản phẩm cốt lõi của VRG tới nay chỉ đạt mức giá bình quân khoảng 33 triệu đồng/tấn (giảm 6 – 6,5 triệu/tấn so với cùng kỳ) nên kết quả thực hiện 3 tháng đầu năm của Tập đoàn có sự suy giảm rất lớn so với thực hiện cùng kỳ năm trước. VRG chủ trương tiếp tục tiết giảm suất đầu tư, tăng sản lượng khai thác, tùy theo đặc điểm tình hình và năng lực của từng đơn vị để đưa ra mức tiết giảm hợp lý.
Trước thực trạng khó khăn của các lĩnh vực ngành nghề chính của Tập đoàn chưa có dấu hiệu thay đổi tích cực trong ngắn hạn, để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, VRG đã có những định hướng, giải pháp tổng quát như: Bám sát kế hoạch khối lượng năm 2023 được giao; đặc biệt trên 5 lĩnh vực lớn gồm là khu vực nông nghiệp, khu công nghiệp, công nghiệp cao su, chế biến gỗ và thủy điện để chỉ đạo thực hiện hoàn thành vượt mức về khối lượng sản xuất, khai thác, chế biến, tiêu thụ… nhằm đảm bảo nguồn thu ngay cả khi giá bán có sự suy giảm. Kiểm soát chặt chi phí, giá thành theo hướng phải cân đối được giá bán đầu ra để đảm bảo thực hiện được lợi nhuận kế hoạch.
Bên cạnh đó, VRG cũng chọn lọc, thực hiện đầu tư các hạng mục, dự án có hiệu quả kinh tế cao và cấp thiết nhằm gia tăng năng lực sản xuất, hạn chế tối đa các khoản đầu tư làm phát sinh thêm chi phí. Tập trung đầu tư phát triển các dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp; các dự án chế biến gỗ quy mô lớn… như định hướng phát triển trong đề án tái cơ cấu Tập đoàn giai đoạn 2021 – 2025...
Theo đại diện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, năm 2023 sẽ tiếp tục có nhiều khó khăn, thuận lợi đan xen đối với toàn bộ các ngành hàng, lĩnh vực kinh doanh của Tập đoàn. Hơn nữa, chi phí đầu vào của doanh nghiệp như tiền thuê đất, chi phí nhiên liệu, năng lượng, tiền lương… có chiều hướng tăng. Đây là khó khăn chung của các doanh nghiệp, Ủy ban ghi nhận, chia sẻ với VRG và thống nhất thỏa thuận các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2023.
Theo đại diện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trên cơ sở kế hoạch Ủy ban thống nhất, Tập đoàn cần phối hợp với Vụ Nông nghiệp triển khai tốt việc giao kế hoạch năm 2023 cho các đơn vị thành viên, đảm bảo quán triệt đầy đủ, nghiêm túc nội dung chỉ đạo của Ủy ban tại Văn bản số 470/UBQLV-NN.
Tập đoàn và các đơn vị thành viên xây dựng các giải pháp cụ thể, khả thi trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để tăng sản lượng khai thác, chế biến, tiêu thụ nhằm bù đắp nguồn thu do suy giảm về giá bán; kiểm soát chặt chi phí sản xuất - kinh doanh, giá thành, chi phí đầu tư để cân đối với giá bán, đảm bảo thực hiện được lợi nhuận kế hoạch 2023.
Bên cạnh đó, trên cơ sở Đề án cơ cấu lại VRG giai đoạn 2021-2025 sau khi được phê duyệt, để định hướng, chuyển hướng đầu tư phù hợp vào các lĩnh vực, sản phẩm; chỉ thực hiện đầu tư các hạng mục, dự án có hiệu quả và cấp thiết nhằm gia tăng năng lực, hiệu quả sản xuất kinh doanh.
VRG cần tập trung tối đa nguồn lực, phấn đấu triển khai đầu tư 1 hoặc 2 khu công nghiệp mới hoặc mở rộng trong năm 2023 để góp phần hoàn thành kế hoạch sản xuất - kinh doanh; tạo động lực thực hiện công tác cơ cấu lại doanh nghiệp, chuyển dịch cơ cấu ngành nghề kinh doanh như định hướng tại Đề án cơ cấu lại Tập đoàn giai đoạn 2021 - 2025.
Ông Trần Công Kha – Chủ tịch Hội đồng quản trị VRG khẳng định Tập đoàn sẽ tiếp tục tinh gọn bộ máy quản lý gián tiếp, cắt giảm các chi phí không cần thiết để đảm bảo hiệu quả sản xuất - kinh doanh. Đề ra các giải pháp phù hợp, chủ động nâng cao hiệu quả sử dụng đất phù hợp với từng địa phương, tập trung mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của từng đơn vị, chú trọng những thị trường mới, các nhà sản xuất trực tiếp. Linh động đề ra các giải pháp vì mục tiêu cuối cùng là gia tăng hiệu quả sản xuất của từng đơn vị.