19:15 28/12/2022

Tập đoàn Cao su Việt Nam bất ngờ điều chỉnh mục tiêu doanh thu, lợi nhuận 2022

Khánh Linh

Sau điều chỉnh, chỉ tiêu doanh thu hợp nhất năm 2022 giảm từ 29.707 tỷ đồng xuống 28.280 tỷ đồng. Mục tiêu lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt ở mức 4.900 tỷ đồng và 3.880 tỷ đồng, tương ứng giảm 24% và 27% so với kế hoạch ban đầu.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - GVR vừa thông qua nghị quyết HĐQT thống nhất điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022.

Sau điều chỉnh, chỉ tiêu doanh thu hợp nhất năm 2022 giảm từ 29.707 tỷ đồng xuống 28.280 tỷ đồng. Mục tiêu lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt ở mức 4.900 tỷ đồng và 3.880 tỷ đồng, tương ứng giảm 24% và 27% so với kế hoạch ban đầu.

Động thái của GVR diễn ra trong bối cảnh chỉ còn ít ngày nữa là kết thúc năm tài chính 2022 trong khi đó giá cao su đã tăng mạnh trong thời gian vừa qua. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết trong 10 ngày giữa tháng 12, giá cao su tại các sàn châu Á biến động mạnh do lo ngại nhu cầu tại Trung Quốc suy yếu trong bối cảnh các trường hợp nhiễm COVID-19 gia tăng sau khi nước này nới lỏng những hạn chế về COVID-19 và các dấu hiệu suy thoái kinh tế trên toàn cầu.

Tại thị trường trong nước, 10 ngày giữa tháng 12, giá mủ cao su nguyên liệu tại một số tỉnh, thành phố biến động nhẹ. Cụ thể, tại Bình Phước, giá mủ cao su nguyên liệu được Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng thu mua ở mức từ 270-280 đồng/TSC, tăng 8 đồng/TSC so với 10 ngày trước đó.

Đáng lưu ý, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 của Đảng ủy Cơ quan VRG, vào ngày 27/12, ông Trần Công Kha – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT VRG cho biết, năm 2022, Đảng bộ Cơ quan VRG thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn.

Tuy nhiên, Đảng ủy Cơ quan Tập đoàn đã bám sát chỉ đạo của Đảng ủy, lãnh đạo Tập đoàn, tập trung triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ để hoàn thành nhiệm vụ.

Kết quả ước thực hiện sản xuất kinh doanh năm 2022 của VRG, cụ thể: sản lượng cao su khai thác đạt 429.852 tấn (đạt 106%), cao hơn 7% so với cùng kỳ năm trước; tiêu thụ đạt 501.322 tấn (đạt 100%); thu mua đạt 80.150 tấn (đạt 100%).

Tổng doanh thu hợp nhất 28.600 tỷ đồng (đạt 101,1%); tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất 5.200 tỷ đồng (đạt 106,1% kế hoạch). Như vậy, so với con số mà ông Kha nêu trên thì GVR đã phải điều chỉnh giảm sâu hơn.

Nộp ngân sách Nhà nước 4.000 tỷ đồng (đạt 127%). Thu nhập bình quân ước đạt trên 7,7 triệu đồng/người/tháng (đạt 115,4%). Các chế độ, chính sách của người lao động được thực hiện đảm bảo và kịp thời.

Tập đoàn Cao su Việt Nam bất ngờ điều chỉnh mục tiêu doanh thu, lợi nhuận 2022 - Ảnh 1

Năm 2023, tình hình thế giới và trong nước dự báo có những thuận lợi, khó khăn đan xen. Do đó yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra là nắm vững thời cơ, lợi thế, vượt qua khó khăn thách thức để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh của Tập đoàn”, ông Trần Công Kha, nhấn mạnh.

Thực tế, kết quả kinh doanh quý 3 và 9 tháng đầu năm của GVR cũng không mấy khả quan. Trong quý 3, tập đoàn ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.847 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ. Sau khi trừ giá vốn và chi phí, GVR lãi trước thuế gần 1.181 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ và là mức thấp nhất kể từ quý 2/2020.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, GVR ghi nhận doanh thu thuần đạt 16.302 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 4.078 tỷ đồng, lần lượt giảm 2% và 4% so với cùng kỳ. Với kết quả đạt được, tập đoàn đã hoàn thành 83% kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm sau điều chỉnh.

Theo giải trình từ phía GVR, lợi nhuận quý 3 sụt giảm chủ yếu do giá bán giảm so với cùng kỳ trong khi nhiều mặt hàng đầu vào tăng mạnh. Ngoài ra, các đơn vị phải trích lập dự phòng do suy giảm giá trị đầu tư sang Lào bởi sự mất giá của đồng Kip trong kỳ báo cáo.

Lãnh đạo tập đoàn cho biết giá dầu, lạm phát tăng cao đã tạo ra những thách thức, cho kinh tế thế giới và ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời, các tố như thời tiết, khí hậu diễn biến cực đoan, bệnh hại trên cây cao su, cơ chế chính sách chưa đồng bộ, lao động thiếu ổn định, chi phí sản xuất tăng, yếu tố đầu vào nghẽn... cũng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của GVR.