Giá USD liên ngân hàng tăng mạnh, vọt qua mốc 23.450 VND
Nhu cầu đầu cơ USD trên thị trường ngày càng cao khiến tỷ giá USD/VND liên ngân hàng dễ dàng xuyên thủng mốc chặn của Ngân hàng Nhà nước...
Ghi nhận trên thị trường tuần từ 11/7 -15/7, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng ở hầu hết các phiên. Theo đó, chốt ngày 15/7, tỷ giá trung tâm đạt 23.225 VND/USD, tăng 48 VND so với phiên cuối tuần liền trước.
Tương tự, giá USD trên liên ngân hàng cũng bứt tốc nhưng bước tăng lớn hơn, lên tới hơn 97 VND/USD so với phiên cuối tuần trước và dừng ở mức 23.453 VND/USD.
Theo ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, đà tăng đồng USD chủ yếu xuất phát từ sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư toàn cầu.
Ông Thành cho rằng, đáng lẽ, tương quan giữa tỷ lệ lạm phát bình quân 6 tháng của Việt Nam (2,44%) và con số lạm phát tháng 6 của Mỹ (9,1%) thì đồng VND phải mạnh lên và USD yếu đi. Bởi lẽ, quốc gia nào có lạm phát càng cao thì đồng tiền quốc gia đó càng mất giá.
Tuy nhiên, khi lạm phát của Mỹ lên cao, dự báo Fed sẽ liên tục tăng lãi suất với những bước lớn. Điều này kích thích dòng tiền đầu cơ toàn cầu quay lại Mỹ. Vì vậy, USD tiếp tục có động lực để tăng giá, kéo theo tỷ giá USD/VND tăng.
Ở góc nhìn kỹ thuật, một nhà phân tích trao đổi với phóng viên VnEconomy rằng, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng thông thường sẽ chạy từ giá mua USD đến giá bán của Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước.
Tức, nếu giá USD giao dịch giữa các ngân hàng giảm qua giá mua của Ngân hàng Nhà nước họ sẽ lựa chọn bán lại cho nhà điều hành tiền tệ, thay vì giao dịch với nhau để tối ưu hoá lợi nhuận. Trái lại, nếu giá USD liên ngân hàng tăng qua giá bán của Sở giao dịch, có thể họ lựa chọn mua từ Ngân hàng Nhà nước để giảm chi phí vốn.
Thế nhưng, giá USD liên ngân hàng đã đạt 23.453 VND, tức cao hơn tới 53 VND so với giá bán của Ngân hàng Nhà nước. Điều này cho thấy tính đầu cơ USD khá cao.
Tuy nhiên, để mua ngoại tệ từ Ngân hàng Nhà nước, các thành viên tham gia thị trường cần một số điều kiện nhất định như trạng thái ngoại tệ âm… Nhưng với dự đoán tỷ giá USD/VND tiếp tục tăng, hay như việc mua USD cho vay lãi suất cao hơn lãi suất VND… đã khiến nhu cầu USD tăng cao trong hệ thống.
“Một số thành viên muốn mua nhưng không đáp ứng được điều kiện của Ngân hàng Nhà nước nên cung – cầu đã phải tìm đến nhau trên liên ngân hàng. Thậm chí, mới đây Kho bạc Nhà nước đã chào mua ngoại tệ đợt thứ 8 kể từ đầu năm 2022 với khối lượng dự kiến khoảng 35 triệu USD. Khi cầu nhiều hơn, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng dễ dàng xuyên thủng mốc chặn (giá bán ra) của Ngân hàng Nhà nước”, nhà phân tích trên chia sẻ.
Hiện tại, để xoa dịu áp lực tăng của tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện đồng thời hai giải pháp gồm: hút ròng trên thị trường mở và tích cực bán ngoại tệ. Tuy nhiên, bài toán về rủi ro tỷ giá đã và đang tăng lên, dự báo mức tăng tỷ giá năm nay khoảng 3% ngày càng xuất hiện nhiều.
Ts. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, nêu quan điểm, nếu so với các đồng tiền khác trong khu vực, tỷ giá USD/VND được đánh giá là khá ổn định.
Có được điều này là nhờ chúng ta liên tục xuất siêu, nguồn cung ngoại tệ như kiều hối, giải ngân FDI tăng trưởng ổn định, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang đạt mức cao kỷ lục. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách linh hoạt, có can thiệp mua bán, vừa hỗ trợ thị trường, vừa kiểm soát lạm phát.
“Với những thuận lợi như trên, tôi cho rằng từ nay đến cuối năm, tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục được duy trì ổn định, chỉ tăng khoảng 2,5% - 3%”, ông Lực dự báo.
Thời gian tới, ông Lực lưu ý, Việt Nam phải phối hợp đồng bộ chính sách kinh tế vĩ mô, chủ động, bám sát diễn biến thị trường và can thiệp khi cần thiết. Bên cạnh đó, cần đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu; đồng thời, xây dựng lộ trình và phối hợp thực thi điều tiết giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, đặc biệt là giá xăng dầu, giá điện, giá dịch vụ y tế - giáo dục… một cách phù hợp, nhịp nhàng, hiệu quả tránh giật cục, không phù hợp về thời điểm.
Bên cạnh đó, cần tăng cường truyền thông cùng các biện pháp bình ổn giá, nhất là các giai đoạn cao điểm nhằm giảm thiểu tâm lý quá lo sợ lạm phát và hiện tượng tăng giá "té nước theo mưa".