11:36 02/02/2008

Giá vàng, dầu bất ngờ sụt mạnh

Kiều Oanh

Sáng nay (2/2), giá vàng trong nước mất đi tới 20.000 đồng/chỉ so với chiều qua. Giá vàng thế giới sụt mạnh trước sự hồi phục đột ngột của USD

Nguyên nhân khiến giá vàng trong nước đột ngột giảm mạnh như vậy là giá vàng thế giới hôm qua quay đầu và “lao dốc” mạnh mẽ.
Nguyên nhân khiến giá vàng trong nước đột ngột giảm mạnh như vậy là giá vàng thế giới hôm qua quay đầu và “lao dốc” mạnh mẽ.
Sáng nay (2/1), giá vàng trong nước mất đi tới 20.000 đồng/chỉ so với chiều qua. Giá vàng thế giới sụt mạnh trước sự hồi phục đột ngột của USD.

Đầu giờ sáng nay, vàng SJC tại Hà Nội và Tp.HCM được niêm yết ở mức 1.762.000 đồng/chỉ (mua vào) và 1.770.000 đồng/chỉ (bán ra), bằng với mức giá niêm yết chiều qua.

Tuy nhiên, sau đó, giá vàng SJC được điều chỉnh giảm mạnh xuống còn 1.740.000 đồng/chỉ (mua vào) và 1.750.000 đồng/chỉ (bán ra), giảm tới 22.000 đồng/chỉ và 20.000 đồng/chỉ so với mức giá lúc đầu giờ.

Nguyên nhân khiến giá vàng trong nước đột ngột giảm mạnh như vậy là giá vàng thế giới hôm qua quay đầu và “lao dốc” mạnh mẽ. Tại Sở Giao dịch hàng hóa New York cuối ngày hôm qua, tức rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, giá vàng giao kỳ hạn tháng 4/2008 giảm tới 14,50 USD/oz, tương đương 1,6%, xuống còn 913,50 USD/oz. Đây là phiên sụt giảm mạnh nhất của giá vàng kỳ hạn kể từ ngày 16/1. Giá vàng giao ngay tại Mỹ cũng giảm tới 15,30 USD/oz, tức 1,7%, còn 908.70 USD/oz, mặc dù trước đó có lúc vọt lên mức gần 936 USD/oz.

Còn giá vàng thế giới bất ngờ “xuống nhiệt” mạnh là kết quả của một số thông tin khả quan, bên cạnh một số thông tin khác không mấy tốt lành, về kinh tế Mỹ, khiến USD phục hồi trở lại so với Euro.

Một báo cáo mới công bố hôm qua của Chính phủ Mỹ cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp theo nghiên cứu của Viện Quản lý nguồn cung Hoa Kỳ đã tăng từ mức 48,4% trong tháng 12 năm ngoái lên mức 50,7% trong tháng 1 năm nay. Mặt khác, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Mỹ do hãng tin Reuters điều tra trong tháng 1 năm nay cũng lần đầu tiên tăng trong 6 tháng, từ mức 75,5 điểm trong tháng 12 năm ngoái – thấp nhất kể từ năm 2005 - lên mức 78,4 điểm trong tháng 1 vừa qua.

Kết quả là đồng Euro mất giá 0,4% so với USD, rơi xuống mức 1 Euro ăn 1,4798 USD vào lúc đóng cửa ngày giao dịch, so với mức 1 Euro đổi được 1,4861 USD vào lúc kết thúc phiên giao dịch hôm trước.

Tuy nhiên, trước đó, giá USD tưởng như đã có lúc phá vỡ mức thấp kỷ lục hồi tháng 11 năm ngoái đến nơi, vì chạm mốc 1 Euro bằng 1,4949 USD trước thông tin cho thấy, trong tháng 1 vừa qua, số lượng việc làm tại Mỹ đã lần đầu tiên giảm sút trong vòng 4 năm. Bộ Lao động Mỹ cho biết, lượng việc làm tại Mỹ trong tháng 1 đã giảm tới 17.000, trong khi trong tháng 12 năm ngoái, nước này có thêm 84.000 việc làm mới.

Mặc dù được công bố ngay sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) trong cuộc họp của khối này tại Vienna (Áo) ra quyết định duy trì sản lượng ở mức hiện tại, thông tin ảm đạm về tình hình thị trường việc làm ở Mỹ cũng có tác động đủ mạnh để khiến giá dầu thô giảm tới hơn 2 USD/thùng.

Giới đầu tư hiện tỏ ra rất lo ngại trước khả năng “co hẹp” của kinh tế Mỹ khiến nhu cầu dầu thô sẽ giảm sút. Các nhà quan sát dự báo, trong tuần tới, giá dầu thế giới sẽ còn tiếp tục “xuống nhiệt” do người tiêu dùng Mỹ phản ứng lại trước khả năng suy thoái của nền kinh tế và giá cả ở mức cao.

Tại New York, giá dầu thô ngọt nhẹ chốt phiên giao dịch hôm qua giảm tới 2,79 USD/thùng, tương đương 3%, xuống còn 88,96 USD/thùng. Như vậy, trong tuần này, giá dầu đã giảm tới 1,9%. Tại London, giá dầu thô Brent cũng giảm 2,77 USD/thùng, tương đương 3%, chốt lại ở 89,44 USD/thùng.