14:00 12/07/2022

Gói hỗ trợ lãi suất 2%: Chiếc “phao vàng” chỉ dành cho “người khỏe”

Bài học về gói hỗ trợ lãi suất 17.000 tỷ đồng trong năm 2009 để lại nhiều hệ quả đã khiến Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài Chính kiểm soát chặt chẽ hơn. Đối tượng áp dụng trong nghị định mới có tính chọn lọc giúp giảm rủi ro...

Nghị định 31/2022/NĐ/CP về hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh là một trong những chính sách được mong đợi nhất năm nay và được ví như chiếc “phao vàng” giúp doanh nghiệp tăng thêm vốn lưu động, giúp duy trì, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh sau giai đoạn ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, muốn được tiếp cận “phao vàng” doanh nghiệp phải khỏe mạnh.

Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, Chính phủ đã xây dựng và trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

“Trong số các văn bản hướng dẫn triển khai các nội dung của Nghị quyết 43/2022/QH15 thì văn bản về gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh 2% lãi suất khi vay vốn tại các ngân hàng thương mại, thực hiện trong 2 năm là “khó làm nhất”. Sau nhiều cuộc họp, có lúc tranh luận “nảy lửa”, ngày 20/5/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nói.

CHỌN ĐỐI TƯỢNG KHOẺ ĐỂ THỤ HƯỞNG CHÍNH SÁCH

Giới chuyên gia cho rằng, việc tranh luận “nảy lửa” là điều chắc chắn xảy ra. Bởi lẽ, chính sách hỗ trợ lãi suất không phải chính sách mới và đã từng được thực hiện trong năm 2009, nhưng đã để lại nhiều hệ quả nặng nề cho nền kinh tế. Do đó, Nghị định mới phải khắc phục được những hạn chế trong lần triển khai trước, tránh dòng tiền chạy sang các tài sản mang tính đầu cơ, rủi ro.

Đáng chú ý, gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng, tức quy mô dư nợ được hỗ trợ lãi suất tương ứng khoảng 9%/năm so với tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống trong 2 năm 2022 và 2023, thấp hơn rất nhiều so với mức 24% của năm 2009, điều này càng khiến việc chọn lựa đối tượng thụ hưởng chính sách rất khó khăn.

Trong đó, nếu đặt điều kiện doanh nghiệp không có nợ đang được cơ cấu, nợ xấu mới được tiếp cận thì chính sách hỗ trợ này sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong khi đây lại là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh Covid-19 gây ra.

Trái lại, nếu hướng dòng vốn tín dụng ưu đãi đến doanh nghiệp vừa và nhỏ, không có tài sản bảo đảm… thì rủi ro bị đẩy sang phía ngân hàng. Kéo theo đó là việc xét duyệt thận trọng, nguồn vốn tín dụng không đến đúng thời điểm doanh nghiệp cần, cũng như không phát huy hết hiệu quả.

Do đó Chính phủ đã quyết định chọn đối tượng được hỗ trợ lãi suất là các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có mục đích vay vốn thuộc 2 nhóm:

Thứ nhất, các ngành hàng không, vận tải kho bãi; du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống; giáo dục - đào tạo; nông - lâm nghiệp - thủy sản; công nghiệp chế biến - chế tạo; xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan, hoạt động dịch vụ thông tin; bao gồm cả hoạt động xây dựng phục vụ trực tiếp cho các ngành kinh tế này, trừ hoạt động xây dựng cho mục đích kinh doanh bất động sản.

Thứ hai, nhóm thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ (danh mục dự án do Bộ Xây dựng tổng hợp từ UBND tỉnh, thành phố và công bố bằng văn bản, trên cổng thông tin điện tử của Bộ).

Đồng thời, các doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất, phải đáp ứng đầy đủ điều kiện vay vốn thông thường của các ngân hàng thương mại; được ký kết thỏa thuận cho vay và giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2022 đến ngày 31/12/2023, sử dụng vốn đúng mục đích và chưa được hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước theo các chính sách khác.

LIỆU SẼ XEM XÉT NỚI ĐIỀU KIỆN HỖ TRỢ?

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho hay, các đối tượng vay vốn từ gói hỗ trợ lãi suất 2% đã được xem xét kỹ và được Quốc hội, Chính phủ thông qua. Việc vay qua các ngân hàng thương mại, phải đảm bảo đáp ứng đầy đủ các điều kiện. Chỉ những doanh nghiệp nào có khả năng phục hồi mới được vay vốn.

“Các doanh nghiệp không đảm bảo điều kiện, không phải đối tượng của gói hỗ trợ này. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện sẽ xem xét việc có “nới” điều kiện hay không và “nới” như thế nào. Điều này cần được tổng hợp để các bộ, ngành chức năng xem xét”, ông Tú nhấn mạnh.

 

Với các khách hàng đã được cơ cấu lại nợ trong thời gian qua thì không thuộc đối tượng cho vay của gói hỗ trợ này. Trong khi các doanh nghiệp này rất cần vốn để phục hồi, cần xem xét để cho các doanh nghiệp này cũng được vay từ gói hỗ trợ. Cùng với đó, cần thống nhất giữa các ngân hàng để tránh trường hợp mỗi nơi hiểu một cách khác nhau, cùng một doanh nghiệp nhưng ngân hàng này không cho vay, trong khi ngân hàng khác lại cho vay.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank

Cũng theo ông Tú, từ đầu năm tới nay dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng đã đạt 2,8 triệu tỷ đồng, trong đó có không ít các doanh nghiệp đủ điều kiện để vay từ gói hỗ trợ này. Vì vậy có nhiều khách hàng đã được hỗ trợ lãi suất 2%.

Hiện tại, ngay sau khi Nghị định 31 được Chính phủ ban hành, cơ quan này đã đôn đốc các ngân hàng thương mại khẩn trương đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất theo quy định. Đến nay, các ngân hàng thương mại đã hoàn thành đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã tổng hợp, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính báo cáo cấp có thẩm quyền để giao bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2022 (gần 16.035 tỷ đồng), bố trí kế hoạch đầu tư công năm 2023 (trên 23.965 tỷ đồng).

Với mức phân bổ ngân sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm, ước tính các ngân hàng sẽ dành khoảng 800.000 tỷ đồng dư nợ cho vay trong năm nay để giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp đủ điều kiện. Trong năm 2023, dư nợ dự kiến được hỗ trợ lãi suất vào khoảng 1,2 triệu tỷ đồng.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan để kịp thời giải đáp vướng mắc của các ngân hàng thương mại; thực hiện việc thông báo hạn mức hỗ trợ lãi suất, thanh, quyết toán hỗ trợ lãi suất nhanh chóng, tạo thuận lợi tối đa cho các ngân hàng thương mại. Ngoài ra, chú trọng công tác thanh tra, giám sát việc cho vay hỗ trợ lãi suất của các ngân hàng thương mại, đảm bảo chính sách được triển khai đến đúng đối tượng được hỗ trợ lãi suất.

Về triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái lưu ý Nghị quyết 43 của Quốc hội đã quy định tổng mức gói hỗ trợ là 40.000 tỷ đồng, tuy nhiên các ngân hàng đã đăng ký vượt mức.

Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tính toán điều phối theo thứ tự ưu tiên để việc triển khai chính sách đạt được hiệu quả cao nhất, theo mức Quốc hội cho phép.

Mặt khác, Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong chức năng, nhiệm vụ được giao phải triển khai thực hiện chính sách công khai, minh bạch, rõ ràng. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc thì trao đổi, đề xuất để kịp thời tháo gỡ.

“Việc xây dựng chính sách đã khó nhưng việc thực hiện còn khó hơn. Chúng ta mới đang ở những bước đầu tiên là phổ biến, tuyên truyền về chính sách; thời gian thực hiện là đến hết năm 2023 và việc triển khai cũng không hề dễ dàng. Vì vậy, để đưa chính sách vào cuộc sống, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo sát sao, thường xuyên theo dõi, đánh giá kết quả; cùng với các ngân hàng thương mại, hiệp hội ngành nghề nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ, đảm bảo thực hiện theo đúng các mục tiêu đề ra”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

 

Gói hỗ trợ lãi suất 2% là một chính sách phù hợp. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai không tránh khỏi phát sinh các vấn đề. Đặc biệt, đối tượng khách hàng là hộ gia đình của Agribank rất lớn, cũng không có đăng ký kinh doanh. Do đó, Agribank mong muốn Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản giải thích và trả lời về vấn đề này để ngân hàng có cơ sở tiếp tục làm việc với khách hàng.

 Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Agribank