16:53 12/09/2023

Hà Nội: Lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp giảm dần

Nhật Dương

8 tháng qua, số lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn Hà Nội giảm hơn 12% so với cùng kỳ. Nhiều lĩnh vực, ngành nghề vẫn có nhu cầu tuyển dụng tốt, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động...

Người lao động tìm việc thông qua các phiên giao dịch việc làm. Ảnh - N.Dương.
Người lao động tìm việc thông qua các phiên giao dịch việc làm. Ảnh - N.Dương.

Nhờ thực hiện các giải pháp kết nối, tạo việc làm, nhiều lao động tại Hà Nội đã được tiếp cận các cơ hội việc làm mới, phần nào kéo giảm số lao động thất nghiệp trên địa bàn.

ĐƯỢC KẾT NỐI VIỆC LÀM, LAO ĐỘNG HƯỞNG BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP GIẢM DẦN

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội, từ đầu năm đến nay, Sở đã tiếp nhận và thẩm định hơn 57.300 hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp; ra quyết định hưởng cho hơn 56.000 người đủ điều kiện với số tiền hỗ trợ trên 1.500 tỷ đồng; hỗ trợ học nghề cho hơn 600 người với số tiền 2,7 tỷ đồng.

Số người không có việc làm hưởng bảo hiểm thất nghiệp 8 tháng qua trên địa bàn thành phố giảm hơn 12% so với cùng kỳ năm 2022 (8 tháng năm 2022, tiếp nhận, thẩm định và ra quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho 65.056 người).

Nhằm góp phần giảm tỉ lệ lao động thất nghiệp, thúc đẩy giải quyết việc làm trên địa bàn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã giao Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đẩy mạnh hoạt động kết nối cung cầu, tổ chức đa dạng các phiên giao dịch việc làm, từ đó tăng cơ hội tiếp cận các cơ hội việc làm cho người lao động.

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, 8 tháng qua, Trung tâm thực hiện được trên 170 phiên giao dịch việc làm, số lao động tiếp cận, đã nộp hồ sơ là gần 13.000 người.

Bên cạnh tổ chức các phiên giao dịch việc làm hằng ngày, Trung tâm cũng phối hợp với các địa phương trên địa bàn tổ chức 10 phiên việc làm lưu động tại các quận, huyện. Các phiên chuyên đề dành cho đối tượng cụ thể cũng được tổ chức như người lao động yếu thế, xuất ngũ, người chấp hành xong án phạt tù…

Trong tháng 9, dự kiến đơn vị cũng phối hợp với một số trường đại học trên địa bàn thành phố tổ chức một phiên việc làm bán thời gian dành cho sinh viên, hoặc lao động làm việc theo giờ. Ngoài ra, tổ chức thêm phiên việc làm lưu động tại huyện Ba Vì…

“Từ nay đến cuối năm, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức, thực hiện nhiều phiên giao dịch việc làm đa dạng hơn nữa, làm sao để giúp người lao động có việc, quay trở lại thị trường lao động”, ông Vũ Quang Thành thông tin.

Theo báo cáo của các địa phương, trung bình mỗi năm, đã tổ chức hơn 1.600 phiên giao dịch việc làm. Bình quân mỗi phiên giao dịch thu hút từ 25-30 doanh nghiệp; khoảng 350 - 450 người lao động tham gia. Số lao động tìm được việc làm qua các phiên giao dịch việc làm chiếm khoảng 35 đến 40% số lao động đăng ký tư vấn việc làm.

Với số lượng các phiên giao dịch việc làm được tổ chức mỗi năm, ông Vũ Quanh Thành đánh giá là phù hợp trên toàn quốc, bởi đây là cơ hội cung cấp thông tin về thị trường lao động cho người lao động và doanh nghiệp; tăng cường cơ hội gặp gỡ giữa hai bên, qua đó góp phần giúp thị trường lao động minh bạch hơn.

Theo ông, cũng không nên nặng nề việc tăng hay giảm số lượng phiên giao dịch việc làm, vì vai trò của các phiên không đơn giản chỉ là kết nối cung – cầu lao động.

“Chúng ta đang tận dụng tối đa các nguồn lực để hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn, làm sao đưa hai bên tham gia vào hệ thống một cách tính cực hơn”, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành khẳng định.

Kết nối phỏng vấn online giữa doanh nghiệp và người tìm việc. Ảnh - N.Dương.
Kết nối phỏng vấn online giữa doanh nghiệp và người tìm việc. Ảnh - N.Dương.

Mặt khác, các phiên giao dịch việc làm trước khi được tổ chức đều đã được khảo sát thực trạng, đánh giá nguồn cung – cầu. Từ đó, hiệu quả của các phiên sẽ được nâng cao. Số lượng phiên giao dịch việc làm tăng, số lượng người lao động tìm được việc làm tăng, doanh nghiệp tuyển được lao động.

NHU CẦU TUYỂN DỤNG VẪN CÒN BIẾN ĐỘNG DỊP CUỐI NĂM

Theo các chuyên gia, tình hình kinh tế - xã hội TP. Hà Nội tiếp tục có những điểm sáng, nhiều lĩnh vực đạt kết quả tốt, sản xuất công nghiệp khởi sắc, hoạt động thương mại và dịch vụ diễn ra sôi động, thu hút vốn đầu tư nước ngoài có những tín hiệu tích cực…

Điều này cũng kéo theo những tín hiệu tích cực đối với thị trường lao động, thúc đẩy nhiều doanh nghiệp gia nhập thị trường, dẫn đến nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp tiếp tục có sự tăng trưởng. 

Theo số liệu thu thập của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, nhu cầu tuyển dụng tập trung ở các nhóm lĩnh vực chính như thương mại – dịch vụ, thường chiếm trên 90% tổng nhu cầu; ngoài ra là nhóm công nghiệp – xây dựng; nông, lâm nghiệp và thuỷ sản...

Dự kiến nhu cầu tuyển dụng trong thời gian tới của các doanh nghiệp trên địa bàn tiếp tục có sự biến động, từ nay đến cuối năm cần tuyển mới khoảng từ 60.000 - 80.000 người lao động.

Dự báo những ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động là: Hoạt động tài chính ngân hàng, bảo hiểm, thương mại – dịch vụ, bán buôn và bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng…

Trong đó, ở lĩnh vực thương mại – dịch vụ, các doanh nghiệp tập trung tuyển dụng nhân viên kế toán, nhân viên nghiên cứu thị trường, nhân viên quản lý chất lượng. Nhóm ngành bán buôn và bán lẻ, tuyển nhiều nhân sự ở vị trí nhân viên bán hàng, nhân viên thu ngân, nhân viên kinh doanh, nhân viên mua hàng.

Với nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động ở vị trí công nhân sản xuất, công nhân lắp ráp linh kiện, kỹ sư cơ khí chế tạo máy. Còn về nhóm ngành xây dựng, các vị trí nhân viên giám sát kỹ thuật, kiến trúc sư, nhân viên kỹ thuật sự án…sẽ được tuyển dụng nhiều.