10:12 11/09/2023

Vì sao người lao động khó tìm việc làm mới sau thất nghiệp?

Nhật Dương

Phần lớn người lao động mất việc nhiều thời gian qua là lao động phổ thông, tay nghề thấp, thậm chí không có tay nghề. Đây cũng có thể là những rào cản khiến họ gặp khó khăn trong tìm kiếm một công việc mới…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong nửa đầu năm 2023, thị trường lao động tiếp tục gặp nhiều khó khăn khiến hơn nửa triệu lao động bị ảnh hưởng, bao gồm mất việc, giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động. Đáng chú ý, số mất, giảm việc làm này chủ yếu rơi vào những ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày, sản xuất linh kiện điện tử và chế biến gỗ, lao động giản đơn, lớn tuổi.

CHÚ TRỌNG ĐÀO TẠO NGHỀ

Vì vậy, các chuyên gia cho rằng để giúp nhóm lao động này có cơ hội tái gia nhập thị trường lao động, đảm bảo cuộc sống, bên cạnh các chính sách hỗ trợ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cần quan tâm đến vấn đề đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng cho người lao động.

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), thừa nhận thực tế hiện nay chất lượng nguồn lao động còn gặp nhiều vấn đề, nhiều người còn chưa qua đào tạo, đây là trở ngại thách thức khi họ đi tìm công việc mới. “Hầu hết người lao động mất việc nhiều thời gian vừa qua là lao động tay nghề thấp, không có tay nghề. Với những trường hợp người lao động ngoại tỉnh, nuôi con nhỏ, mang thai… khi mất việc càng gặp nhiều khó khăn hơn”, ông nói.

Để giải quyết thách thức này, Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng bản thân người lao động phải nhận thức được rõ hơn về cơ chế thị trường, về rủi ro mất việc làm, từ đó trở nên linh hoạt, thích ứng trong môi trường làm việc mới. Muốn vậy, người lao động phải trang bị kỹ năng nghề nghiệp. “Khi mất việc làm thì phải quan tâm đến đào tạo nghề mới phù hợp với điều kiện để tìm được công việc mới, bền vững chứ không chỉ chú trọng đến trợ cấp thất nghiệp”, ông Quảng lưu ý.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần tham gia vào quá trình này, hơn hết “bàn tay” của Nhà nước cũng rất quan trọng trong việc hoạch định chính sách để có thị trường việc làm linh hoạt, hiện đại cũng như phát triển thị trường lao động bền vững.

Về vấn đề đào tạo nghề cho người lao động, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, đồng tình khi cho rằng cần nâng cao trình độ, mở rộng việc đào tạo hơn nữa, và không chỉ dừng ở trình độ sơ cấp.

“Việc đào tạo nên có ngay từ khi người lao động còn làm việc tại các doanh nghiệp. Trong đó, tái cơ cấu, đào tạo… cần phải có sự hỗ trợ với doanh nghiệp”, ông Thành nhấn mạnh.

HOÀN THIỆN HỆ THỐNG CƠ SỞ DỮ LIỆU THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG 

Theo các chuyên gia, những đòi hỏi ngày càng cao hơn đối với người lao động trước bất kỳ công việc nào sẽ là xu hướng trong tương lai.

Kết nối các doanh nghiệp và người lao động có nhu cầu tìm việc. Ảnh - N.Dương.
Kết nối các doanh nghiệp và người lao động có nhu cầu tìm việc. Ảnh - N.Dương.

Thậm chí, ông Lê Đình Quảng khẳng định, đây là cơ chế của thị trường lao động đòi hỏi người lao động có những kỹ năng, chuyên môn tối thiểu, nhất định. Khi thị trường đòi hỏi người sử dụng lao động, người lao động phải thay đổi, hoàn thiện các khiếm khuyết.

Các cơ sở đào tạo nghề cần phổ biến, đưa các chính sách về pháp luật để người lao động nắm rõ, từ đó, họ có thể hiểu các quyền lợi của mình. Bên cạnh đó, người sử dụng lao động cũng cần có tiêu chí chung dành cho người lao động khi vào làm việc. Những kỹ năng cụ thể, doanh nghiệp cần vào cuộc cùng để người lao động nắm rõ. Hiện nay, luật pháp Việt Nam cũng đã quy định rõ trách nhiệm đào tạo của người sử dụng lao động.

Từ phản hồi của nhiều doanh nghiệp thông qua hoạt động kết nối cung cầu, ông Vũ Quang Thành nêu thực tế nhiều người lao động chưa chú trọng việc bồi dưỡng cho mình những kỹ năng mềm, trình độ, thái độ làm việc. Trong khi đó, với bối cảnh hội nhập, cách mạng công nghiệp 4.0 thì những điều này càng trở nên quan trọng.

“Nhiều người lao động yếu kỹ năng ngoại ngữ, nên dù có tay nghề tốt nhưng vẫn không kết nối được với việc làm mới. Trong quá trình kết nối tại các phiên giao dịch việc làm, do thời gian ngắn nên chúng tôi có thể chưa đánh giá hết được kiến thức, kỹ năng của người lao động, nhưng trong quá trình thử việc, người lao động sẽ bộc lộ rõ”, ông Thành nói.

Vì vậy, theo ông, người lao động cần rèn luyện cho mình kỹ năng mềm, tác phong công nghiệp, ý thức, thái độ khi tiếp cận với vị trí việc làm… để sẵn sàng tiếp cận các vị trí việc làm mới.

Tuy nhiên, để giải quyết cốt lõi vấn đề, các chuyên gia cho rằng, cần xây dựng được bức tranh tổng thể về thị trường lao động, từ đó, chính sách mới đi đúng, trúng đối tượng.

Về vấn đề này, ông Vũ Quang Thành nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng nhất là phải xây dựng cơ sở dữ liệu của thị trường lao động, bởi khi có đủ cơ sở dữ liệu tốt, đảm bảo về chất lượng và cả số lượng, chúng ta sẽ có ngay đánh giá, nhìn nhận bức tranh tổng thể thị trường lao động. Từ đó để đưa ra các mô hình, dự báo, phù hợp với từng vùng, từng địa phương.

Nhấn mạnh thêm, ông Lê Đình Quảng khẳng định tăng cường phát triển hoàn thiện hệ thống thông tin lao động, cơ sở dữ liệu là hết sức cần thiết. Vì vậy, cần tiến hành khẩn trương các giải pháp để số hóa về lao động việc làm và kết nối các dữ liệu thông tin thị trường lao động.

“Số liệu, bức tranh về thị trường lao động càng cụ thể chính xác bao nhiêu thì quá trình hoạch định, triển khai các chính sách sẽ càng tốt hơn. Đây là vấn đề cần quan tâm hơn nữa trong thời gian tới”, vị chuyên gia nêu quan điểm.