Hai thương hiệu nào giúp LVMH ghi nhận doanh thu “khủng” trong 9 tháng đầu năm?
Bất chấp đại dịch Covid-19 vẫn còn hoành hành, tập đoàn LVMH vẫn tiếp tục gây ấn tượng với màn tăng trưởng kinh tế vượt trội, giữ vững ngôi vị thương hiệu xa xỉ bậc nhất thế giới…
Trong 9 tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu của tập đoàn sản xuất hàng xa xỉ lớn nhất thế giới LVMH (Pháp) đạt đến 44,3 tỷ euro (sau khi trừ tác động của biến động ngoại hối), tăng 46% so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, trong khi khu vực Hoa Kỳ và châu Á (đặc biệt là Trung Quốc) tiếp tục sở hữu tốc độ tăng trưởng hai con số thì tại châu Âu, sự phục hồi được cho là có nét chuyển biến tích cực hậu suy thoái.
Trong thời kỳ nền kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều khủng hoảng, nhiều ý kiến cho rằng con người sẽ có xu hướng tiêu dùng các mặt hàng rẻ hơn và hạn chế nhu cầu mua sắm, song “bức tranh tăng trưởng” của tập đoàn LVMH lại chứng minh điều ngược lại. Lĩnh vực thời trang và chế tác đồ da lại chính là 2 nhóm ngành kinh doanh mũi nhọn mang lại lợi nhuận dồi dào nhất cho “gã khổng lồ” LVMH với mức tăng trưởng đạt 24%. Và dẫn đầu chính là hai thương hiệu đình đám: Louis Vuitton và Christian Dior.
Thương hiệu Louis Vuitton sau sự kiện kỷ niệm 200 năm ngày sinh của cố sáng lập đã duy trì được hiệu suất hoạt động tuyệt vời nhờ liên tục đổi mới chất lượng sản phẩm. Với Christian Dior, các buổi trình diễn thời trang tại Athens và Paris vừa qua với sự ra đời của những BST đầy cảm hứng đến từ NTK Maria Grazia Chiuri đã có được “dấu son” rực rỡ, nhất là sự thành công ngoài mong đợi của dòng túi xách mới Dior Caro.
Tại Fendi, Kim Jones – người giữ vai trò Giám đốc Sáng tạo mảng thời trang nữ của thương hiệu cũng đã cho ra mắt thành công BST Haute Couture đầu tiên của mình và được giới thiệu tại các cửa hàng. Ngoài ra, Celine cũng đạt được sự phát triển vượt trội trong các dòng may sẵn và hàng da do NTK Hedi Slimane tạo ra.
Bernard Arnault, Chủ tịch Điều hành của LVMH khẳng định: “Với việc từng bước thoát khỏi mối đe dọa về đại dịch, chúng tôi tin tưởng vào đà tăng trưởng hiện tại. Và hơn thế nữa là để tiếp tục nắm vững vị trí dẫn đầu trong thị trường xa xỉ toàn cầu vào năm 2021”.
Doanh số bán hàng của nhóm nước hoa và mỹ phẩm cũng tăng trưởng lên 30% trong 9 tháng đầu 2021 và giảm 2% so với 9 tháng đầu năm 2019. Trong bối cảnh đại dịch, các “ông lớn” trong ngành thời trang tiếp tục chọn cách phân phối có chọn lọc, giảm hoạt động khuyến mãi cũng như tập trung đẩy mạnh việc bán hàng trực tuyến tại website riêng. Thương hiệu Christian Dior có được cú chuyển mình ngoạn mục nhờ vào thành công vang dội của 2 dòng nước hoa mới là Miss Dior Eau de Parfum (cho nữ) và Sauvage Elixir (cho nam).
Các ngành kinh doanh như đồng hồ và trang sức của tập đoàn cũng ghi nhận sự khởi sắc rõ rệt khi mức doanh thu tăng 49% trong 9 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt là thương vụ sát nhập thành công giữa Tiffany & Co. vào “đại gia đình” LVMH vào tháng 1 vừa qua và màn “chào sân” đầy ấn tượng đặc biệt là ở thị trường Hoa Kỳ. Ở lĩnh vực sản xuất đồng hồ, TAG Heuer đã công bố phiên bản giới hạn của chiếc đồng hồ thông minh Super Mario thu hút số lượng lớn người tiêu dùng trẻ.
Trước đó, hồi tháng 7, tập đoàn này thông báo doanh số và lợi nhuận của tập đoàn đã tăng mạnh trở lại trong 6 tháng đầu năm nay nhờ nhu cầu của khách hàng tăng vọt trở lại sau đợt suy giảm do đại dịch Covid-19 hồi năm ngoái. Doanh thu trong nửa đầu năm nay cũng tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt dự báo của các nhà phân tích.
Chuyên gia Arnaud Cadart thuộc công ty quản lý tài sản Flornoy cho biết "tầng lớp trung lưu, thượng lưu, những người giàu và cực giàu dường như chưa bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng." Họ không thể đi du lịch hoặc ra ngoài ăn uống, thay vào đó họ dồn tiền để mua hàng xa xỉ. Chuyên gia này nói thêm rằng người Trung Quốc, chiếm khoảng 35 - 40% số khách hàng xa xỉ, vẫn là đối tượng rất quan trọng.
Tuy nhiên Erwan Rambourg, chuyên gia phân ngành hàng xa xỉ phẩm lại cho rằng: "Sự phục hồi đáng ngạc nhiên không được ghi nhận ở Trung Quốc mà là ở Mỹ". Ông nhận định: “Có một thế hệ trẻ ở Mỹ đang cảm thấy rất thoải mái với việc mua sắm xa xỉ phẩm,” đặc biệt là những người Mỹ gốc Phi, những người nói tiếng Tây Ban Nha và châu Á. Thị trường chứng khoán Mỹ bùng nổ đã khiến nhiều người Mỹ giàu có hơn, ít nhất là trên giấy tờ. Điều này đã tạo ra một động lực tâm lý quan trọng cho hoạt động tiêu dùng”.
Trong khi đó tại châu Âu, mặc dù thị trường du lịch quốc tế đã im ắng trong vòng hơn một năm trở lại đây, hoạt động của ngành xa xỉ phẩm vẫn khởi sắc nhờ vào các động lực tiêu dùng địa phương. Chuyên gia Arnaud Cadart thuộc công ty quản lý tài sản Flornoy nhận định người châu Âu từng "bỏ rơi" thị trường này nhưng năm nay xu hướng đó đã đảo ngược. "Các thương hiệu dường như đã phát hiện ra rằng việc thu hút các khách hàng địa phương thông qua nền tảng mạng xã hội đã mang lại nhiều hy vọng,” ông Arnaud nói.