14:35 19/09/2024

Hàn Quốc thành nhà đầu tư lớn nhất vào Mỹ, thay Trung Quốc

Ngọc Trang

Năm 2023 đánh dấu lần đầu tiên trong ít nhất một thập kỷ Hàn Quốc đứng đầu về vốn cam kết đầu tư vào Mỹ, trong bối cảnh đầu tư của Trung Quốc giảm mạnh...

Nhà máy sản xuất xe điện và pin xe điện của Hyundai đang được xây dựng tại Ellabell, Georgia - Ảnh: Bloomberg
Nhà máy sản xuất xe điện và pin xe điện của Hyundai đang được xây dựng tại Ellabell, Georgia - Ảnh: Bloomberg

Doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư mạnh vào Mỹ trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Joe Biden đưa ra một loạt chính sách hỗ trợ cho các nhà sản xuất công nghệ cao.

Theo dữ liệu từ Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), tổng vốn cam kết đầu tư vào Mỹ của các doanh nghiệp Hàn Quốc trong 2023 đạt 21,5 tỷ USD, cao nhất trong số các quốc và vùng lãnh thổ đầu tư vào nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo đó, Hàn Quốc vượt qua Đài Loan, nhà đầu tư lớn nhất năm 2022.

UNCTAD the dõi các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài – cam kết xây dựng cơ sở hạ tầng và tạo việc làm – và không bao gồm các thương vụ mua lại.

"CÚ HUÝCH" TỪ CHÍNH SÁCH

Năm 2023 đánh dấu lần đầu tiên trong ít nhất một thập kỷ Hàn Quốc đứng đầu về vốn cam kết đầu tư vào Mỹ, trong bối cảnh đầu tư của Trung Quốc giảm mạnh. Năm 2014, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất, nhưng chỉ xếp thứ 8 trong năm 2023 với vốn cam kết đầu tư giảm hơn 30%.

Dù là nhà đầu tư lớn nhất, vốn cam kết đầu tư của Hàn Quốc năm ngoái giảm 11% so với năm trước đó. Tuy nhiên, số lượng dự án tăng 50% lên mức kỷ lục 90 dự án.

“Mỹ không muốn nguồn vốn từ Trung Quốc nữa. Điều này mang lại cơ hội trở thành các nhà cung cấp của Mỹ cho các công ty Hàn Quốc”, ông Chihwan Kim, giám đốc công ty cung cấp phụ tùng ô tô Samkee của Hàn Quốc, nói với Financial Times. Năm ngoái, Samkee đã đầu tư 128 triệu USD mở nhà máy đầu tiên ở Mỹ, đặt tại Tuskegee, bang Alabama.

Sự tăng trưởng về vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Mỹ những năm gần đây một phần đến từ chính sách ưu đãi thông qua Đạo luật CHIPS và Khoa học được ông Trump ký ban hành vào tháng 9/2022. Đạo luật này hỗ trợ hàng trăm tỷ USD tín dụng thuế, khoản vay và trợ cấp cho các công ty sản xuất chất bán dẫn và năng lượng sạch – bao gồm tấm năng lượng mặt trời và xe điện – mở cơ sở sản xuất tại Mỹ và giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Ngoài ra, Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) được ký ban hành vào tháng 8/2022 cấp tín dụng thuế 7.500 USD cho người mua xe điện lắp ráp tại Bắc Mỹ.

Theo dữ liệu từ fDi Markets, hơn 30% các dự án Hàn Quốc được công bố tại Mỹ trong năm ngoái là trong lĩnh vực ô tô hoặc điện tử.

CƠ HỘI CÓ CHỦ ĐÍCH

Căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh cũng gây áp lực khiến các công ty Hàn Quốc phải hạn chế hoạt động ở Trung Quốc và mở rộng sang Mỹ. Đạo luật CHIPS và Khoa học có một số quy định về vốn đầu tư ra nước ngoài, như hạn chế các dự án mở rộng sản xuất và hoạt động cấp phép công nghệ tại Trung Quốc và các “thực thể nước ngoài gây lo ngại” khác.

Hơn 50% vốn đầu tư ra nước ngoài của Hàn Quốc trong năm ngoái là vào Mỹ, tăng 18 điểm phần trăm so với năm 2019. Trong khi đó, vốn đầu tư vào Trung Quốc chỉ chiếm chưa tới 1%, giảm 11 điểm phần trăm so với năm 2019 – theo dữ liệu từ Unctad.

Trong các dự án Hàn Quốc được công bố tại Mỹ năm ngoái, dự án lớn nhất là nhà máy sản xuất tấm pin trị giá 4,3 tỷ USD của Hyundai hợp tác với LG Energy Solution ở bang Georgia. Đây là dự án nước ngoài lớn nhất trong lịch sử bang này. Ngoài ra, Samsung SDI và GM cũng bắt tay trong một dự án tương tự trị giá 3,5 tỷ USD tại bang Indiana.

“Đây là một cơ hội có chủ đích”, ông Bill Schalliol, giám đốc phát triển kinh tế tại thành phố St Joseph County, bang Indiana.

Trong 5 năm qua, các quan chức bang này đã có 4 chuyến công tác tới Hàn Quốc để thu hút đầu tư. Hiện Indiana là bang nhận vốn đầu tư Hàn Quốc nhiều thứ hai tại Mỹ.

Bang Indiana thậm chí còn chuẩn bị cho sự dịch chuyển về nhân khẩu học do tác động từ các dự án đầu tư của Hàn Quốc. Cách một nhà máy khác của Samsung SDI 90 phút lái xe, St Joseph County dự báo sẽ đón khoảng hơn 1.000 người Hàn Quốc tới sinh sống và 6 nhà hàng Hàn Quốc mới.

Tuy nhiên, điều kiện kinh tế vĩ mô khó khăn, giá nhập khẩu giảm và nhu cầu xe điện chững lại đang khiến một số nhà sản xuất Hàn Quốc trì hoãn đầu tư vào Mỹ. Hồi tháng 7, LG Energy Solution đã dừng triển khai dự án pin 2,3 tỷ USD tại Arizona do “điều kiện thị trường". Còn Samkee cũng dự kiến tạm hoãn việc rộng thêm dây chuyền sản xuất 1-2 năm.

“Các nhà sản xuất tấm năng lượng mặt trời như Qcells của Hàn Quốc đang lỗ hàng tỷ USD mỗi tháng. Đầu tư trong lĩnh vực này tiềm ẩn rủi ro thất bại cực cao”, ông Hal Connolly, giám đốc chính sách công và quan hệ chính phủ tại Qcells, cho biết, tại một cuộc điều trần của Bộ Thương mại và Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (USITC) hồi tháng 5.

Qcells hiện có một nhà máy tại bang Georgia, Mỹ. Cùng một số nhà sản xuất của Mỹ, công ty này đã đệ đơn lên cơ quan chức năng yêu cầu áp thêm thuế nhập khẩu với tấm pin năng lượng mặt trời Trung Quốc.