17:39 09/03/2022

Hàng trăm tàu hàng mắc kẹt, trúng tên lửa vì giao tranh Nga - Ukraine

Ngọc Trang

Hiện có khoảng 200 tàu chở hàng cùng 3.500 thủy thủ đang bị mắc kẹt tại các cảng biển của Ukraine, một số tàu thậm chí bị trúng tên lửa...

Tàu Yasa Jupiter của Thổ Nhĩ Kỳ bị trúng tên lửa ngoài khơi thành phố cảng Odessa, Ukraine - Ảnh: WSJ
Tàu Yasa Jupiter của Thổ Nhĩ Kỳ bị trúng tên lửa ngoài khơi thành phố cảng Odessa, Ukraine - Ảnh: WSJ

Vào thứ Tư tuần trước (2/3), trên một tàu chở hàng do hãng Banglar Samriddhi của Bangladesh vận hành đang mắc kẹt gần cảng Olvia của Ukraine, các thủy thủ bất ngờ nghe thấy tiếng nổ.

Một tên lửa đã rơi trúng con tàu vào lúc gần 17h30, khiến một thủy thủ thiệt mạng và nhiều người khác bị bỏng nặng. Đây là tàu hàng thứ năm bị trúng tên lửa ngoài khơi Ukraine kể từ khi Nga tấn công vũ trang vào quốc gia này, theo Wall Street Journal.

Cuộc chiến tại Ukraine đang làm đình trệ giao thông nghiêm trọng trên Biển Đen, có nguy cơ gây ra hệ lụy lớn tới hoạt động vận tải cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo hãng theo dõi vận tải Windward, hiện có khoảng 200 tàu chở hàng cùng 3.500 thủy thủ đang bị mắc kẹt tại các cảng biển của Ukraine. Các nhà sử học về hàng hải cho biết, đây là lần đầu tiên trên toàn cầu có nhiều tàu bị mắc kẹt như vậy kể từ Thế chiến thứ 2.

Kết quả là khu vực xuất khẩu ngũ cốc lớn thứ hai thế giới đã phải đóng cửa. Ukraine chiếm khoảng 16% kim ngạch xuất khẩu ngũ cốc toàn cầu. Nước này cùng với Nga xuất khẩu khoảng 30% lượng lúa mỳ trên thế giới.

“Cú sốc với nguồn cung ngũ cốc toàn cầu này là cú sốc về nguồn cung lớn nhất kể từ khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) cắt giảm sản lượng vào những năm 1970”, Salvatore Mercogliano, giáo sư Đại học Campbell, bang North Carolina, nhận xét. “Điều này đồng nghĩa với việc sẽ xảy ra tình trạng thiếu lương thực tại Trung Đông, châu Phi và làm lạm phát tăng trên toàn cầu”.

Tàu chở ngũ cốc của hãng Namura Queen, Panama bị trúng tên lửa vào tuần trước tại vùng biển của Ukraine - Ảnh: Getty Images
Tàu chở ngũ cốc của hãng Namura Queen, Panama bị trúng tên lửa vào tuần trước tại vùng biển của Ukraine - Ảnh: Getty Images

Tình hình càng tồi tệ hơn với chủ hàng trên khắp thế giới khi hàng nghìn thủy thủ Ukraine và Nga bị mắc kẹt tại các cảng trên khắp thế giới, buộc họ phải tranh giành để tìm nhân sự thay thế nhằm duy trì chuỗi cung ứng vốn đã căng thẳng vì dịch bệnh.

Tại Biển Đen và Biển Azov gần đó – tuyến đường xuất khẩu dầu thô và lương thực quan trọng, đã có 5 tàu chở dầu và tàu hàng bị trúng tên lửa, theo cơ quan quản lý cảng Ukraine. Các tàu này bao gồm tàu chở dầu, tàu container và tàu chở hàng xuất phát từ Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Moldova và Estonia, vận chuyển dầu diesel, đất sét và ngũ cốc.

Nói về việc này, nhà chức trách Ukraine nhìn chung đổ lỗi cho Nga - quốc gia đã triển khai một đội tàu chiến dọc bờ biển của Ukraine. Trong khi đó, phía Nga phủ nhận trách nhiệm gây ra các cuộc tấn công. Trước đó, các lực lượng của Nga đã bắn tên lửa vào hệ thống cơ sở hạ tầng ở các cảng biển của Ukraine, động thái nằm trong kế hoạch chiếm giữ bờ biển phía Nam và bóp nghẹt nền kinh tế của nước này.

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tuần trước đã cảnh báo rằng bất kỳ con tàu nào trên Biển Đen cũng đối mặt nguy cơ cao bị thiệt hại ngoài dự kiến. Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) dự kiến tổ chức một phiên họp khẩn vào ngày 10-11/3 để đánh giá và giải quyết các tác động của chiến tới hoạt động vận chuyển theo yêu cầu của chính phủ nhiều nước.

Vào ngày đầu tiên bị Nga tấn công, Ukraine đã đóng cửa tất cả cảng biển và chuyển hướng tàu chở hàng tới các cảng ở Thổ Nhĩ Kỳ, Romania và cộng hòa Georgia, trong khi đó Hải quân Nga đã chặn các tuyến trung chuyển dọc bờ biển. Giao thông tại đây đóng băng.

Với một số ít tàu hàng bất chấp rủi ro di chuyển ở phía Bắc Biển Đen và Biển Azov, giá cước vận chuyển toàn cầu tăng gần như mỗi ngày, lên mức cao nhất trong một thập kỷ. Còn phí bảo hiểm cho vận tải quanh khu vực bị ảnh hưởng bởi cuộc giao tranh cũng tăng tới 5%, “đội” phí thêm hàng trăm nghìn USD cho mỗi chuyến tàu, theo dữ liệu từ Windward.

Việc này khiến chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là với ngũ cốc, tiếp tục “căng như dây đàn” khi vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau hai năm dịch bệnh. Các quốc gia phụ thuộc vào ngũ cốc ngập khẩu được dự báo sẽ chứng kiến cú sốc nguồn cung. Các nhà chức trách tại Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đang chuẩn bị sự tăng giá đột biến của các mặt hàng lương thực. Ai Cập hiện nhập khẩu khoảng 85% lượng lúa mỳ tiêu thụ trong nước từ Ukraine và Nga.