Hơn 15.000 tỷ đồng đầu tư đường sắt quốc gia giai đoạn 2021 – 2025
Nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là 15.467 tỷ đồng trong tổng số 272.709 tỷ đồng kế hoạch vốn trung hạn, chiếm khoảng 4,73%...
Chính phủ đã có báo cáo gửi Quốc hội về chính sách phát triển và sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư giao thông vận tải đường sắt.
Trong số 15.467 tỷ đồng nói trên, các dự án chuyển tiếp giai đoạn trước là 11.662 tỷ đồng, các dự án khởi công mới (thực hiện dự án) là 3.222 tỷ đồng, các dự án khởi công mới (chuẩn bị đầu tư) là 583 tỷ đồng.
Trong năm 2022, nguồn vốn bố trí cho đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt qua Bộ Giao thông vận tải là 1.837 tỷ đồng trong tổng vốn bố trí 50.328 tỷ đồng, chiếm khoảng 3,65%; nguồn vốn sự nghiệp kinh tế cho công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt là 3.000 tỷ đồng, đạt khoảng 40% so với nhu cầu.
Nguồn vốn doanh nghiệp (của Tổng công ty Đường sắt) chủ yếu dùng đầu tư phương tiện, thiết bị vận tải như đầu máy, toa xe,... Báo cáo của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, vốn tự huy động năm 2021 của đơn vị này là 61 tỷ đồng, năm 2022 dự kiến là 64,6 tỷ đồng.
Riêng với nguồn vốn xã hội hóa, theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, giai đoạn 2016 - 2020 đã thu hút được 43,2 tỷ đồng đầu tư vào bãi hàng tại các ga Yên Viên và Đông Anh, 1.302 tỷ đồng thực hiện dự án nâng tĩnh không cầu Bình Lợi (TP.HCM) nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải đường sắt, đường thủy nội địa khu vực tỉnh Bình Dương và TP.HCM.
Về nguồn lực đầu tư cho các dự án đường sắt đô thị (metro) tại Hà Nội và TP.HCM đến năm 2022, báo cáo của Bộ Giao thông vận tải cho biết vào khoảng 66.011 tỷ đồng.
Cụ thể, TP. Hà Nội là 36.602 tỷ đồng để thực hiện đầu tư bốn dự án metro gồm tuyến số 1 là 2.254 tỷ đồng, tuyến số 2 là 997 tỷ đồng, tuyến 2A là 16.310 tỷ đồng và tuyến số 3 là 17.041 tỷ đồng.
TP.HCM là 29.408 tỷ đồng để chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư đối với hai dự án gồm tuyến số 1 là 23.864 tỷ đồng và tuyến số 2 là 5.544 tỷ đồng.
Bốn tuyến metro ở Hà Nội bao gồm:
(1) Tuyến số 1 gồm hai nhánh Ngọc Hồi - ga trung tâm Hà Nội - Gia Lâm - Yên Viên và nhánh Gia Lâm - Dương Xá (Phú Thụy). Toàn tuyến dài khoảng 36 km, gồm hai depot và 23 ga.
(2) Tuyến số 2 Nội Bài - Nam Thăng Long - Hoàng Hoa Thám - Bờ Hồ - Hàng Bài - Đại Cồ Việt - Thượng Đình - Vành đai 2,5 - Hoàng Quốc Việt, dài 42 km, gồm hai depot và 32 ga.
(3) Tuyến 2A Cát Linh - Ngã Tư Sở - Hà Đông, dài 14 km, đi trên cao với một depot và 12 ga.
(4) Tuyến số 3 Trôi - Nhổn - ga Hà Nội - Hoàng Mai dài khoảng 26 km, một depot và 12 ga.
Hai dự án metro tại TP.HCM là tuyến số 1 Bến Thành – Suối Tiên, chiều dài 19,7 km gồm một depot và 14 ga; tuyến số 2 Thủ Thiêm – Củ Chi chiều dài 48 km, gồm hai depot, 42 nhà ga (toàn dự án gồm ba giai đoạn, giai đoạn 1 là tuyến Bến Thành – Tham Lương.
Về công tác chuẩn bị đầu tư, Chính phủ chỉ đạo triển khai các dự án lớn, quan trọng; trong đó, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đang được Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định.
Trong số các dự án metro ở Hà Nội và TP.HCM, hiện mới có tuyến Cát Linh – Hà Đông được đưa vào khai thác thương mại.
Được biết, Chính phủ cũng đã báo cáo về nguồn vốn bố trí trung hạn trong giai đoạn 2021 – 2015 khoảng 5.419 tỷ đồng để thực hiện đầu tư cải tạo, nâng cấp sáu dự án đường sắt. Đó là các dự án: Cải tạo, nâng cấp đoạn Hà Nội - Vinh, đoạn Vinh - Nha Trang, đoạn Nha Trang - Sài Gòn, tuyến đường sắt khu vực đèo Khe Nét, cải tạo nâng cấp các ga trên các tuyến đường sắt phía Bắc, và nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống (cầu đường sắt Đuống).