06:52 24/03/2023

Hơn 34 nghìn nông dân đã tăng thu nhập từ chuỗi giá trị nghêu và tre

Chu Khôi

Nhờ dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu và tre tại Việt Nam”, đã có hơn 34 nghìn người có thu nhập nâng cao từ sản xuất tre và nghêu. Dự án cũng đã góp phần đưa xuất khẩu nghêu Việt Nam sang thị trường EU tăng 38% - 40%, xuất khẩu sản phẩm tre tăng 42%...

Nông dân trồng, khai thác tre đã tăng thu nhập nhờ tham gia chuỗi giá trị tre. Ảnh: Oxfam.
Nông dân trồng, khai thác tre đã tăng thu nhập nhờ tham gia chuỗi giá trị tre. Ảnh: Oxfam.

Ngày 23/3/2023 tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, Oxfam tổ chức hội thảo tổng kết Dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu và tre tại Việt Nam”, và tham gia chuyến thực địa cùng ngày tới vùng sản xuất và chế biến sản phẩm tre tại địa phương.

GIA TĂNG THU NHẬP CHO NÔNG DÂN VÀ DOANH NGHIỆP 

Bà Vũ Thị Quỳnh Hoa, Giám đốc Quốc gia Oxfam tại Việt Nam cho biết dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị Nghêu và Tre tại Việt Nam” (SCBV) trị giá 4,3 triệu EURO, do Liên minh Châu Âu trợ triển khai ở 5 tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Tiền Giang, Trà Vinh và Bến Tre từ năm 2018 – 2023.

Dự án do Oxfam tại Việt Nam quản lý và phối hợp thực hiện cùng Trung tâm Hợp tác Quốc tế về Nuôi trồng Thủy sản (ICAFIS), Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ (NTFPRC), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

“Dự án góp phần giảm nghèo và bất bình đẳng ở các vùng nông thôn của Việt Nam thông qua hỗ trợ người sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ nâng cao thu nhập và vị thế của họ; hỗ trợ các nhà sản xuất và chế biến nghêu và tre áp dụng các thực hành sản xuất bền vững, nâng cao hiệu quả kinh doanh và tiếp cận thị trường; thúc đẩy hợp tác công tư trong quản trị chuỗi công bằng và trách nhiệm”, bà Hoa nhấn mạnh.

Theo bà  Hoa, lấy các tiêu chuẩn bền vững làm định hướng phát triển sản xuất, Dự án đã phối hợp cùng các địa phương cải tiến kỹ thuật cho nông dân nhằm đạt các chứng chỉ quốc tế như MSC và ASC dành cho nghêu, FSC dành cho tre. Các chứng chỉ này không chỉ là giấy thông hành tới những thị trường xuất khẩu lớn như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật…mà còn giúp bảo tồn vùng nguyên liệu nghêu và tre bền vững, hạn chế tối đa các tác động về môi trường và xã hội.

Bà Vũ Thị Quỳnh Hoa phát biểu tại hội thảo
Bà Vũ Thị Quỳnh Hoa phát biểu tại hội thảo

Theo đánh giá của Dự án vào năm 2018, khoảng 1,5 triệu người sản xuất quy mô nhỏ tại Việt Nam có nguồn thu nhập từ sản xuất, chế biến nghêu và tre. Tuy nhiên, họ phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Vùng nguyên liệu tre bị nghèo kiệt do thoái hóa, khai thác quá mức và thiếu chăm sóc. Các bãi nghêu tại 3 tỉnh Trà Vinh, Tiền Giang và Bến Tre đang bị thu hẹp và có xu hướng phân bố xa bờ hơn.

Các doanh nghiệp chế biến vừa và nhỏ gặp nhiều khó khăn do hạn chế về quy mô, công nghệ, khả năng thu mua nguyên liệu và thiếu thị trường tiêu thụ sản phẩm. Cấu trúc của chuỗi giá trị ngành nghêu và ngành tre dài, phức tạp trong khi phải tuân thủ các tiêu chuẩn sản xuất nghiêm ngặt, chưa tiếp cận được nhiều thị trường, mặc dù thị trường châu Âu và châu Á có nhu cầu cao về tiêu dùng các sản phẩm này.  

 

"Trong 5 năm thực hiện dự án SCBV, đã có tổng cộng 6.336 ha rừng được chứng nhận FSC tại tỉnh Nghệ An và tỉnh Thanh Hóa. Trà Vinh là vùng nuôi ngao thứ 3 trên thế giới đạt chứng nhận ASC".

Bà Vũ Thị Quỳnh Hoa, Giám đốc Quốc gia Oxfam tại Việt Nam.

Báo cáo quá trình khai dự án cho biết Dự án đã tiếp cận cộng đồng nông dân và doanh nghiệp để tổ chức các hoạt động tuyên truyền và tập huấn nâng cao nhận thức về sản xuất bền vững và đầu tư có trách nhiệm. Dự án cũng tiến hành nghiên cứu thị trường trong nước và quốc tế, nghiên cứu chuỗi giá trị nghêu và tre, thúc đẩy kết nối hợp tác người sản xuất và doanh nghiệp, kết nối thị trường.

Ngày 7/6/2019, 545 hộ dân ở huyện Quan Hóa, Thanh Hóa được nhận Chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC đầu tiên cho luồng và ký thỏa thuận hợp tác cung ứng với Công ty BWG Mai Châu. Từ đây, thu nhập của người dân trồng tre luồng tại Quan Hóa tăng lên 15-20% do giá trị sản phẩm gia tăng và bỏ qua khâu trung gian. Đây là chứng chỉ FSC đầu tiên cho luồng được Dự án hỗ trợ thực hiện.

Cùng với đó, kết nối tiêu thụ với thị trường quốc tế tại Hội chợ quốc tế ngành tre Ambiente 2020 với 8 hợp đồng thương mại được ký kết. Cũng trong năm 2019, Dự án SCBV triển khai Kế hoạch cải thiện nghề cá theo quy trình tiêu chuẩn MSC (Chương trình Quản lý chuỗi hành trình thủy sản quốc tế) tại tỉnh Trà Vinh.

Năm 2021, trong hoàn cảnh tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế gặp thách thức lớn do Covid-19, Dự án đã tổ chức Triển lãm nông nghiệp thực tế ảo đầu tiên trong thời kỳ Covid-19 cho cả 2 chuỗi nghêu và tre. Cũng trong năm này, Chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC thứ 2 của ngành tre Việt Nam đã được cấp, tại huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Dự án đã số hóa 300 sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ tre. Công ty Đức Phong – ngành tre ký được 52 đơn hàng xuất khẩu với nhà mua hàng châu Âu.

Kết quả dự án đến hết năm 2022, đã có 34.278 người có thu nhập nâng cao từ sản xuất tre và nghêu. Đã có 3 chứng chỉ rừng bền vững được cấp cho nông dân trồng tre tại các huyện Quan Hóa, Quan Sơn (Thanh Hóa), Quế Phong (Nghệ An).

Nhờ dự án, 63 doanh nghiệp đã nâng cao giá trị gia tăng, cải thiện chính sách đầu tư và cung ứng. Dự án đã góp phần giúp xuất khẩu sản phẩm nghêu Việt Nam tăng 38-40%; xuất khẩu sản phẩm tre tăng 42%. Dự án cũng đã góp phần nhân rộng mô hình nuôi nghêu sâu ở Đồng bằng sông Cửu Long với tiềm năng lên tới 30.000 ha.

CHUYỂN ĐỔI TỪ SẢN XUÁT HỘ ĐƠN LẺ, SANG CHUỖI GIÁ TRỊ

Tại hội thảo, đại diện các doanh nghiệp, nông dân, chuyên gia và các cơ quan quản lý đã chia sẻ những thành quả, bài học kinh nghiệm về phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững cho người dân tại vùng dự án.

Đại diện cho 71 tổ nhóm trong chuỗi tre, chị Lương Thị Tiến là lãnh đạo một nhóm hộ sản xuất quy mô nhỏ gồm 40 hộ trồng và khai thác lùng ở bản Mường Hinh, xã Đồng Văn, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An cho biết chị đã góp phần thuyết phục thay đổi tập quán khai thác lùng cuả người dân từ chỗ “gặp đâu chặt đấy” sang khai thác bền vững và có kỹ thuật.

"Từ sự nỗ lực thay đổi của nhóm hộ, đã được đền đáp xứng đáng khi 938,6 ha rừng lùng do 212 hộ quản lý được cấp chứng chỉ FSC vào ngày 25/2/2021. Qua chuyển đổi từ sản xuất hộ gia đình đơn lẻ sang sản xuất quy mô tổ nhóm là một trong những bước đi giúp nâng cao năng lực sản xuất và đàm phán cho người sản xuất quy mô nhỏ", chị Tiến chia sẻ.

Các đại biểu chia sẻ tại hội thảo.
Các đại biểu chia sẻ tại hội thảo.

Ông Thái Đại Phong, Giám đốc Công ty Đức Phong cho biết sau khi tham gia dự án, doanh nghiệp đã chuyển hướng sang kinh doanh bao trùm, đồng hành cùng bà con nông dân trồng tre. Thông qua Dự án, Công ty đã ký kết hợp đồng thu mua tre nguyên liệu dài hạn với giá cao hơn, giúp công ty đảm bảo vùng nguyên liệu ổn định, với chất lượng cao và đồng nhất, đồng thời tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Với sản phẩm làm từ tre đạt chứng nhận FSC, công ty đã thâm nhập và mở rộng được thị trường tại nước ngoài.

 

"Dự án SCBV đã thúc đẩy các doanh nghiệp kinh doanh bao trùm, kinh doanh tạo tác động. Mô hình này đi đôi với các tiêu chuẩn sản xuất bền vững sẽ giúp mở rộng cánh cửa vào các thị trường xuất khẩu khó tính”.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Theo TS Phan Văn Thắng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ, trước đây, rừng tre khi chưa được giao cho cộng đồng, hộ gia đình quản lý, chưa áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng, phục tráng và khai thác bền vững theo yêu cầu về quản lý rừng bền vững, rừng tre thường sinh trưởng kém, thân cây nhỏ và bị suy thoái với năng suất không cao, chất lượng thấp, không đồng đều. Đến nay, người dân đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật theo đúng quy trình bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng, phục tráng, khai thác bền vững và được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC nên rừng tre sinh trưởng tốt hơn, cho năng suất cao hơn, chất lượng đồng đều hơn.

TS Lê Thanh Lựu, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) khẳng định, chuyển từ sản xuất đơn lẻ, sang sản xuất theo hợp tác xã giúp người sản xuất nhỏ có điều kiện áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, như bảo tồn nghêu giống, nuôi và khai thác nghêu nước sâu, làm sạch cát và phân loại theo nhiều kích cỡ trước khi đóng gói… nhờ đó đem lại giá trị cao hơn.