HoSE lưu ý cổ phiếu SII của công ty Hạ tầng nước Sài Gòn về khả năng bị hủy niêm yết
HoSE lưu ý công ty về khả năng cổ phiếu bị hủy niêm yết nếu Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 tiếp tục có lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ là số âm...
Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) thông báo về việc lưu ý Công ty Cổ phần Hạ tầng nước Sài Gòn (mã SII) về khả năng hủy niêm yết.
Cụ thể: ngày 14/4/2022, HoSE đã ban hành quyết định chuyển cổ phiếu từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát đối với cổ phiếu SII do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2020 là -104,59 tỷ đồng và năm 2021 là -73,49 tỷ đồng, căn cứ Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2020 và năm 2021, thuộc diện chứng khoán bị kiểm soát theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 38 Quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành kèm theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31/3/2022 của Hội đồng Thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.
Còn theo Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên năm 2022, Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ 6 tháng đầu năm 2022 là -46,91 tỷ đồng, Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 30/06/2022 là 91,86 tỷ đồng.
HOSE cho biết, căn cứ quy định tại điểm e khoản 1 Điều 120 tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán ngày 26 tháng 11 năm 2019 như sau: “l. cổ phiếu của công ty đại chủng bị hủy bỏ niêm yết khi xảy ra một trong các trưòng hợp sau đây:... e) Kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lo trong 03 năm liên tục hoặc tong số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiêm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét. ”.
Do đó, HoSE lưu ý công ty về khả năng cổ phiếu bị hủy niêm yết nếu Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 tiếp tục có lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ là số âm.
Mới đây, công ty đã có văn bản giải trình với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và HoSE về nguyên nhân, biện pháp và lộ trình khắc phục chứng khoán bị kiểm soát.
Cụ thể: lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên Báo cáo tài chính hợp nhất trong 06 tháng đầu năm 2022 là khoảng -26,83 tỷ đồng chủ yếu do tổng các chi phí lãi vay và khấu hao tài sản cố định trong những năm đầu dự án vẫn còn cao dù đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2021 (từ mức 99,68 tỷ đồng trong 06 tháng đầu năm 2021 giảm còn 87,66 tý đồng trong 06 tháng đầu năm 2022). Tốc độ tăng trưởng doanh thu tuy đáng kể nhưng vẫn chưa đủ để bù đắp những chi phí này.
Bên cạnh đó, tác động của dịch COVID-19 vẫn còn, cùng với tình hình thế giới xung đột căng thẳng khiến giá cả nguyên, nhiên vật liệu đầu vào tăng cao, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của chính công ty cũng như các khách hàng của Công ty.
Ngoài ra, công ty vẫn phải tiếp tục giảm giá cho một số khách hàng thuộc đối tượng giảm giá do Covid theo chỉ đạo của các Cơ quan nhà nước quy định.
Về phương án và kế hoạch khắc phục: SII cho biết, 6 tháng đầu năm 2022 tuy vẫn còn ghi nhận khoản lỗ gần 25 tỷ đồng nhưng công ty cũng có những điểm sáng như: sản lượng nước bán ra tại các công ty thành viên và dự án của Công ty đã ghi nhận mức tăng 4%, giúp doanh thu cấp nước tăng hơn 3% so với cùng kỳ năm 2021.
Mặt khác, nguồn cổ tức từ các công ty thành viên tăng, đồng thời xem xét các phương án thoái vốn tại các công ty, dự án hoạt động kém hiệu quả, giúp tăng doanh thu từ hoạt động tài chính cho công ty đồng thời giảm khoản lỗ hợp nhất từ các công ty này. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu tài chính đã tăng gần 15 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021 (mức tăng gần 50%).
Công ty sẽ tiếp tục quản lý chặt chẽ chi phí hoạt động, không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động trong điều kiện khó khăn về tài chính, qua đó giúp tổng chi phí giảm hơn 6 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021. Nhờ đó, Công ty đã giảm lỗ hơn 10 tỷ đồng, mức giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2021.
Đáng chú ý, SSI cho biết tiếp tục nỗ lực để nâng cao hiệu quả hoạt động của các dự án và công ty thành viên như: Công ty tiếp tục làm việc với các cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo quyền cấp nước của SII tại các địa phương, qua đó tăng số lượng khách hàng, đặc biệt là khách hàng khối sản xuất, qua đó gia tăng sản lượng nước bán ra và giá bán bình quân. Cụ thể:
- Đối với dự án Củ Chi, sản lượng ghi thu của cả năm 2022 dự kiến sẽ phục hồi và tăng trưởng 11% so với năm 2021. Ngoài ra, giá bán nước tại khu vực này cũng sẽ tăng theo giá bán nước trên địa bàn Tp.HCM trong năm 2022. Nhờ đó, doanh thu cấp nước dự kiến tăng hơn 19 tỷ đồng, tương đương 21% so với năm 2021; dự kiến mức lỗ sẽ giảm khoảng 19 tỷ đồng, tương đương mức giảm hơn 17%.
- Đối với Công ty cổ phần cấp thoát nước Gia Lai, sản lượng nước bán ra dự kiến tăng 9% so với năm 2021 nhờ phục hồi sau đại dịch, cũng như các dự án cải tạo, mở rộng hệ thống cấp nước được hoàn thành, giúp doanh thu tăng khoảng 7,2 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 13%; lợi nhuận sau thuế dự kiến tăng khoảng 3,86 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng 70% so với năm 2021.
- Đối với Công ty cổ phần Đầu tư nước Tân Hiệp, sản lượng dự kiến tăng không đáng kể, nhưng cũng góp phần tăng lợi nhuận hợp nhất về SII khoảng 6 tỷ đồng, tương đương mức tăng 8% so với năm 2021.
Bên cạnh đó, công ty sẽ tái cơ cấu danh mục đầu tư, xem xét thoái vốn tại các công ty và dự án kém hiệu quả. Cụ thể: đến hết quý 2/2022, công ty đã thực hiện một phần kế hoạch tái cơ cấu danh mục đầu tư và đã thoái vốn tại một số công ty/dự án kém hiệu quả, giúp giảm các khoản lỗ hợp nhất từ các công ty/dự án này vào SII. Mức lỗ hợp nhất được loại bỏ ước tính khoảng 7 tỷ đồng.
Dự kiến trong quý 3, quý 4/2022, công ty sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội tái cơ cấu danh mục đầu tư, qua đó mang về nguồn tài chính nhằm đảm bảo khả năng hoạt động cho công ty cũng như khoản lợi nhuận từ thoái vốn ước tính khoảng 95 tỷ đồng.
SII cho biết, với các biện pháp trên, dự kiến lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ của công ty dự kiến trong năm 2022 đạt khoảng hơn 31 tỷ đồng, qua đó khắc phục được tình trạng cảnh bảo, đồng thời nguồn tiền từ việc tái cơ cấu danh mục đầu tư cũng giúp công ty có thêm nguồn tài chính để duy trì hoạt động kinh doanh trong năm tới.