15:54 11/09/2024

Huy động tối đa nhân lực, phương tiện tìm kiếm các nạn nhân bị lũ quét ở Làng Nủ

Đỗ Như

Trận lũ quét kinh hoàng xảy ra tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, vào khoảng 6h ngày 10/9, vùi lấp toàn bộ thôn Làng Nủ với 35 hộ dân, 128 nhân khẩu...

Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Ảnh: Trang thông tin điện tử UBND tỉnh Lào Cai.
Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Ảnh: Trang thông tin điện tử UBND tỉnh Lào Cai.

Đến sáng 11/9, số người chết do lũ quét tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên (tỉnh Lào Cai) lên đến 22 người, 73 người đang mất tích...

Sau rà soát, theo số liệu đến nay có 22 người tử vong; 17 người bị thương (05 người chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai điều trị, 01 người chuyển đến Bệnh viện Việt - Đức điều trị); 73 người chưa tìm thấy; 46 người an toàn.

XUYÊN ĐÊM CỨU HỘ, CỨU NẠN

Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường và đại diện một số cơ quan chức năng của tỉnh Lào Cai trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Sư đoàn 316 của Quân khu 2 đã cử 200 người tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục thiên tai.

Hiện 80 chiến sỹ công an cơ động của tiểu đoàn cơ động số 4 tại Lào Cai; 200 học sinh trường Cao đẳng Lào Cai xuống huyện giúp Nhân dân khắc phục thiên tai tại thị trấn.

Công tác khắc phục hậu quả lũ quét tại thôn Làng Nủ đang gặp nhiều trở ngại, đặc biệt các tuyến đường vào hiện trường đều bị mưa lũ tàn phá nặng nề. Khu vực xảy ra trận lũ quét nằm cách xa trung tâm, giao thông bị chia cắt, đến sáng nay mới có sóng điện thoại liên lạc

Lực lượng chức năng đã phải xuyên đêm khẩn trương cố gắng cứu hộ, cứu nạn, đồng thời nỗ lực thông đường, mở các tuyến đường cứu hộ từ thành phố Lào Cai tới trung tâm huyện Bảo Yên, và từ trung tâm huyện này tới khu vực sạt lở để thuận lợi cho các phương tiện và lực lượng tiếp cận chi viện.

Trận lũ quét kinh hoàng xảy ra tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, vào khoảng 6h ngày 10/9, vùi lấp toàn bộ thôn Làng Nủ với 35 hộ dân, 128 nhân khẩu.

Nhận thông tin, lực lượng cứu nạn cứu hộ huyện Bảo Yên và lực lượng tại chỗ đã ứng cứu được 10 nạn nhân, tìm thấy thi thể 15 nạn nhân, còn hơn 100 nạn nhân mất tích.

Ngay trong đêm 10/9, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường đã trực tiếp đến Bệnh viện đa khoa huyện Bảo Yên thăm hỏi các nạn nhân đang điều trị tại đây. Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai tổ chức họp khẩn, chỉ đạo thành lập Trung tâm chỉ huy tiền phương và trực tiếp chỉ chỉ đạo lực lượng cứu hộ tìm kiếm các nạn nhân đang mất tích trong sáng 11/9.

ĐẢM BẢO AN TOÀN CHO LỰC LƯỢNG CỨU NẠN

Trong ngày 11/9/2024, Bộ Công an có Công điện số 14/CĐ-BCA-V01 gửi Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ và Giám đốc Công an 35 tỉnh, gồm: Phú Thọ, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão.

Công điện nêu rõ, lãnh đạo Bộ yêu cầu Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách.

Trong đó, yêu cầu Giám đốc Công an các địa phương bảo đảm công tác an ninh trật tự tại cơ sở với mục tiêu bảo đảm an toàn, sức khỏe, tính mạng cho Nhân dân là trên hết, trước hết;

- Tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện tập trung tìm kiếm, cứu nạn đối với những người còn mất tích (trong đó lưu ý bảo đảm an toàn tuyệt đối cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn), hỗ trợ xác nhận danh tính nạn nhân;

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các biện pháp, kỹ năng ứng phó với thiên tai, sự cố, sơ cứu ban đầu nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra;

- Phối hợp tổ chức công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo phương châm “bốn tại chỗ” với tinh thần chủ động trước để bảo đảm an toàn tính mạng, giảm thiểu thiệt hại về tài sản của người dân và Nhà nước;

- Triển khai cứu chữa miễn phí cho người bị thương, kịp thời thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình những người bị nạn, đặc biệt là những hộ gia đình có người bị thiệt mạng;

- Triển khai mọi phương án hỗ trợ vận chuyển lương thực, thực phẩm, lương khô, bánh mỳ, sữa, nước uống, hàng cứu trợ,… đến tận tay người dân vùng còn bị chia cắt, nhất là các hộ tại các khu vực còn bị cô lập, bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà ở, tuyệt đối không để ai bị đói, bị rét, không có nơi ở, xử lý vệ sinh, môi trường phòng, chống dịch bệnh;

- Trên cơ sở đánh giá tình hình thiên tai, sự cố gây ra thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản đã xảy ra trên địa bàn, tổ chức rà soát, rút kinh nghiệm để tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương có phương án bảo đảm an ninh, trật tự, di dời, sơ tán Nhân dân, phòng ngừa, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do bão, mưa lũ, tránh lặp lại những vụ việc đáng tiếc tương tự;

- Phối hợp các bộ, ban, ngành và chính quyền địa phương hỗ trợ trang thiết bị giảng dạy, sách vở, đồ dùng học tập tạo mọi điều kiện để các cháu học sinh sớm trở lại trường học, không để gián đoạn việc học tập của các cháu;

- Căn cứ tình hình thực tế để đăng ký nhu cầu số gạo cụ thể cần hỗ trợ thực hiện theo Điện mật số 195/ĐK:HT ngày 10/9/2024 của Văn phòng Bộ về việc thông báo ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ.

Ngoài ra, công điện yêu cầu chủ động rà soát, nắm chắc diễn biến tình hình, khẩn trương thống kê chi tiết các khu vực nguy hiểm, có nguy cơ xảy ra mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất để kịp thời tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo sơ tán, di dời người dân cùng phương tiện, tài sản đến nơi an toàn;

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động để người dân chấp hành các biện pháp phòng, chống bão lũ, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân.

Tiếp tục tăng cường lực lượng, phương tiện, chủ động, kịp thời chi viện cho Công an các địa phương bị ảnh hưởng của bão, mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất tổ chức tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và hướng dẫn, phối hợp với Công an các địa phương triển khai hiệu quả các giải pháp khắc phục hậu quả do bão, mưa lũ gây ra; bảo đảm an toàn giao thông tại tất cả các địa bàn, đặc biệt là những khu vực có nguy cơ cao xảy ra mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét.

Các đơn vị trực thuộc Bộ chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai theo chức năng, nhiệm vụ; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, thuốc men để chi viện khi có yêu cầu, bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ huy, điều hành trong ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất, tổ chức tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.