Kế hoạch lợi nhuận 2022 lạc quan, cổ phiếu ngân hàng còn dư địa tăng giá?
Nhóm cổ phiếu ngân hàng được giới phân tích nhìn nhận sẽ tiếp tục là nhóm ngành dẫn dắt thị trường chứng khoán trong năm 2022, dù mức độ tăng trưởng về giá có thể chậm hơn so với năm 2021...
Theo ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc chiến lược đầu tư Dragon Capital Việt Nam, 2022 là năm hội tụ đầy đủ những yếu tố tích cực của nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Lý giải cho nhận định trên, ông Tuấn cho biết, tín dụng năm 2022 được dự báo được cải thiện, nợ xấu giảm mạnh, lợi nhuận bình quân toàn ngành dự báo đạt mức tăng 30% so với năm 2021.
Bên cạnh đó là nhiều thông tin hỗ trợ như một số ngân hàng đang triển khai việc bán vốn chiến lược, lợi nhuận đột biến ghi nhận từ việc bán bảo hiểm độc quyền; được chấp thuận tăng room cho nhà đầu tư nước ngoài.
Thực tế, các kế hoạch kinh doanh 2022 đang được lãnh đạo ngân hàng công bố với sự lạc quan cao. Điển hình, với nhóm tư nhân như MSB, OCB, ACB, VPBank... hướng mức tăng trưởng từ 20 - 30%, dựa trên chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và tăng thu ngoài lãi. Với các ngân hàng quốc doanh, mục tiêu lợi nhuận đặt ra cho năm nay là tăng trưởng trên 15%.
Cùng quan điểm, nhóm nghiên cứu tại Công ty Chứng khoán BSC đánh giá, ngành ngân hàng có triển vọng khả quan trong năm 2022.
Cụ thể, trong năm 2022, nhu cầu tín dụng sẽ tiếp tục ở mức cao khoảng 14,0%, được hỗ trợ bởi việc Việt Nam tiếp tục hồi phục nền kinh tế sau dịch bệnh và gói hỗ trợ ước tính 350.000 tỷ đồng trong 2-3 năm tới. Trước đó, tăng trưởng tín dụng trong năm 2021 đạt 13,53% nhờ sự kiểm soát tốt dịch bệnh và phục hồi nền kinh tế.
Mặt khác, BSC cho rằng NIM trong năm 2022 sẽ tăng 0,35 điểm phần trăm so với năm 2021 nhờ 3 yếu tố. Thứ nhất, do phục hồi của nền kinh tế giúp tăng trưởng tín dụng cao. Thứ hai, lãi suất cho vay phục hồi sau thời gian hỗ trợ. Thứ ba, cơ cấu CASA tăng giúp ngân hàng giảm chi phí vốn.
Được biết, việc tập trung bán lẻ sẽ tiếp tục là mũi nhọn trong năm 2022 của nhiều ngân hàng do quy mô cho vay trên khách hàng thấp giúp ngân hàng giảm thiểu rủi ro tập trung và NIM cao hơn so với các khách hàng lớn.
Còn cuộc cạnh tranh về thị phần CASA sẽ tương đối khốc liệt khi các ông lớn đồng loạt giảm phí dịch vụ. Một số ngân hàng có lợi thế về tỷ lệ CASA cao với tỷ lệ cao hơn 30% sẽ có chi phí vốn thấp, từ đó giúp gia tăng hiệu quả về cho vay.
Hơn nữa, mặc dù có sự ảnh hưởng của dịch bệnh, các ngân hàng vẫn có thể quản lý chất lượng tài sản tốt và giữ ở mức như hiện nay. Chất lượng tài sản được dự báo sẽ trong tầm kiểm soát khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức cao và đang được cải thiện.
BSC cho rằng dư nợ tái cơ cấu sẽ không quá ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các ngân hàng do tổng thu nhập của ngân hàng tạo ra ở mức cao giúp các ngân hàng đủ khả năng trích lập thêm mà không ảnh hưởng nhiều đến tăng trưởng. Đồng thời, nhiều ngân hàng dự kiến các khoản nợ tái cơ cấu sẽ không tăng nhiều nhờ sự mở cửa lại của nền kinh tế.
Nhìn chung, BSC kỳ vọng tốc độ tăng trưởng của ngành ngân hàng sẽ đạt mức 22,2% nhờ kinh tế phục hồi sau dịch và mức nền lợi nhuận thấp hơn trong năm 2021.
Với các triển vọng như vậy, nhóm cổ phiếu ngân hàng được giới phân tích nhìn nhận sẽ tiếp tục là nhóm ngành dẫn dắt thị trường chứng khoán trong năm 2022, dù mức độ tăng trưởng về giá có thể chậm hơn so với năm 2021. Trong khi đó, định giá cổ phiếu ngân hàng hiện vẫn ở mức hấp dẫn với P/E trung bình 16 lần và P/B là 2,1 lần.
"Chúng tôi cho rằng sức khỏe tài chính của các ngân hàng hiện nay xứng đáng có mức định giá cao hơn so với thời điểm hiện tại. 5 mã cổ phiếu đáng lưu ý gồm BID, STB, VCB, TCB, VPB” nhóm phân tích tại BSC cho biết.
Đáng chú ý, trong nhiều phiên giao dịch gần đây, các công ty chứng khoán đang rải tiền để gom cố phiếu ngân hàng. Điển hình như phiên 14/2, khi ngành ngân hàng chịu áp lực chốt lời lớn, toàn ngành giảm 5,02% điểm thì tự doanh vẫn mua ròng TCB 21 tỷ đồng; ACB 15 tỷ đồng; MBB 14 tỷ đồng; CTG 13,3 tỷ đồng. Tương tự, hôm nay (17/2), nhiều mã ngân hàng cũng được mua ròng gồm TCB, CTG, STB, EIB, ACB.