09:13 27/03/2008

“Khấu trừ, hoàn thuế phải qua ngân hàng”

P.V

Hỏi chuyện ông Trương Chí Trung, Thứ trưởng Bộ Tài chính về vấn đề sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng

"Rõ ràng việc thêm điều kiện để được khấu trừ thuế, hoàn thuế là phải thanh toán qua ngân hàng sẽ hạn chế hơn tình trạng doanh nghiệp "ma".
"Rõ ràng việc thêm điều kiện để được khấu trừ thuế, hoàn thuế là phải thanh toán qua ngân hàng sẽ hạn chế hơn tình trạng doanh nghiệp "ma".
Hỏi chuyện ông Trương Chí Trung, Thứ trưởng Bộ Tài chính về vấn đề sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng.

Thưa ông, một trong những điểm sửa đổi tới đây trong Luật Thuế giá trị gia tăng rất được quan tâm là có nhiều cơ chế mới, siết chặt hơn trong việc khấu trừ thuế, hoàn thuế?

Một trong những mục tiêu của lần sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng lần này là nhằm khắc phục triệt để những hạn chế của Luật hiện hành, cụ thể là loại bỏ những kẽ hở mà doanh nghiệp có thể lợi dụng trong việc kê khai, khấu trừ thuế, hiện tượng mua bán hóa đơn, chứng từ khống để được hoàn thuế đầu vào, các tiêu chí phân định hàng hóa trong việc xác định và áp mức thuế suất phải rõ ràng, minh bạch.

Đây cũng là điểm được nhấn mạnh trong chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2010.

Thực tiễn quản lý thuế thời gian qua cho thấy, quy định căn cứ khấu trừ, hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào là hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ là chưa đầy đủ, chặt chẽ, dễ bị lợi dụng khấu trừ khống hoặc hoàn thuế khống thông qua việc sử dụng hóa đơn ghi chép không trung thực với thực tế giao dịch và các loại hóa đơn bất hợp pháp khác để gian lận trong khấu trừ thuế, làm giảm số thuế phải nộp hoặc được hoàn thuế giá trị gia tăng khống.

Dự thảo mới sẽ có một loạt quy định khắc phục tình trạng này, điển hình là việc bổ sung quy định đại bộ phận hàng hóa, dịch vụ mua vào được khấu trừ thuế đầu vào thì phải thanh toán qua ngân hàng.

Cơ chế mới này sẽ được chủ trương hóa vào ngay trong Luật Thuế giá trị gia tăng theo hướng nào?

Thanh toán qua ngân hàng là chủ trương lớn trong chương trình “thanh toán không dùng tiền mặt” hiện nay. Việc lựa chọn hình thức thanh toán qua ngân hàng hiện nay là quyền của doanh nghiệp, nhưng để được khấu trừ, hoàn thuế giá trị gia tăng từ ngân sách Nhà nước thì doanh nghiệp phải thực hiện yêu cầu này.

Thực tiễn hiện nay, việc thanh toán qua ngân hàng được áp dụng còn hạn chế trong quan hệ mua bán hàng hóa, dịch vụ nói chung. Đây sẽ là quy định hữu hiệu để ngăn chặn các hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, gian lận trong khấu trừ, hoàn thuế giá trị gia tăng.

Mới đang trong giai đoạn dự thảo, nhưng quy định này nhận được sự tán thành cao của các cơ quan thẩm tra cũng như trong các cuộc hội thảo. Tuy cũng còn ít ý kiến cho rằng không cần đưa điều kiện này, do thanh toán qua ngân hàng còn gặp khó khăn, nên cần có thời gian thực hiện thí điểm (1 năm sau) mới chính thức thực hiện; có ý kiến cho rằng quy định thẳng vào luật chứ không giao cho Chính phủ quy định cụ thể.

Vậy cụ thể sẽ như thế nào khi áp dụng quy định này trên thực tế?

Trong các phương án đang nghiên cứu, xây dựng thì chúng tôi đã xác định những quan hệ nào phải thanh toán qua ngân hàng, mức tiền bao nhiêu và tùy theo loại hình hợp đồng phải thanh toán qua ngân hàng, còn mức tiền 10 triệu, 30 triệu hay 50 triệu đồng thì còn phải nghiên cứu, tham khảo ý kiến doanh nghiệp, khảo sát thực tiễn để đưa ra mức hợp lý.

Liệu quy định này có thể khắc phục tình trạng doanh nghiệp “ma” hiện nay?

Rõ ràng việc thêm điều kiện để được khấu trừ thuế, hoàn thuế là phải thanh toán qua ngân hàng sẽ hạn chế hơn tình trạng này. Năm 2003, khi hoàn thuế cho xuất khẩu, luật không bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng thì diễn ra một loạt hoàn thuế khống, khi Quốc hội sửa muốn hoàn thuế thì phải thanh toán qua ngân hàng đã chặn đứng được tình trạng xuất khẩu khống.

Để được hoàn thuế, khấu trừ thuế chỉ cần hóa đơn thì không thể biết được giao dịch có thật hay không, vì thanh toán bằng tiền mặt thì làm sao mà biết được.

Tuy nhiên, ngay trong giới làm luật cũng như doanh nghiệp đang lo ngại quy định này không khả thi vì công nghệ ngân hàng chưa đáp ứng được?

Qua khảo sát chúng tôi thấy thế này, hiện có rất nhiều doanh nghiệp muốn thanh toán qua ngân hàng, nhưng cũng có không ít doanh nghiệp muốn thanh toán bằng tiền mặt, tránh việc công khai thông tin. Tóm lại là có nhiều nhu cầu rất khác nhau, nhưng để làm luật, thì phải căn cứ vào nhu cầu và khả năng của đại đa số đối tượng áp dụng, điều chỉnh.

Tôi cũng biết ngay trong ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng có ý kiến đề nghị hoãn thời gian áp dụng quy định này. Nhưng như đã nói, đây là quy định cần thiết. Vấn đề là quy định thế nào, cách thức đi thế nào cho phù hợp với hạ tầng thì trong thảo luận sẽ phải bàn rất rõ để đạt được mục tiêu. Cái này thúc đẩy cái kia, không thể chờ được cái này mới làm cái kia.