06:00 22/10/2022

Khó nhân rộng mô hình chợ an toàn thực phẩm... vì tiểu thương "tiếc buổi chợ" không tham gia tập huấn

Vũ Khuê

75% thực phẩm vẫn đi từ đầu mối đến chợ dân sinh, nhiều tiểu thương tiếc một buổi chợ họ không tham gia tập huấn về an toàn thực phẩm, quản lý chợ cũng chưa mặn mà… nhân rộng mô hình chợ an toàn thực phẩm đang là thách thức...

80% chợ là khu vực nông thôn, 86% là chợ hạng III quy mô nhỏ khiến công tác quản lý an toàn thực phẩm khó khăn.
80% chợ là khu vực nông thôn, 86% là chợ hạng III quy mô nhỏ khiến công tác quản lý an toàn thực phẩm khó khăn.

Sau 2 năm thực hiện Chỉ thị số 17 về phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn, quản lý chợ an toàn thực phẩm, đến nay, cả nước đã xây dựng được 66 mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm tại 62/63 tỉnh, thành phố từ nguồn vốn ngân sách Trung ương.

15 tỉnh thực hiện việc nhân rộng và xây dựng được khoảng 100 mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm. Các địa phương đi đầu trong cách nhân rộng mô hình có thể kể đến như Thanh Hóa, Tiền Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Long…

TIỂU THƯƠNG, QUẢN LÝ CHỢ KHÔNG MẶN MÀ

Tuy nhiên, quá trình từ thí điểm tới nhân rộng mô hình chợ an toàn thực phẩm còn đặt ra những bài toán khác nhau về phát huy nguồn lực.

Tại tọa đàm “Giải pháp nhân rộng mô hình chợ an toàn thực phẩm”, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), thừa nhận rằng bên cạnh một số kết quả đã đạt được, còn rất nhiều khó khăn trong việc xây dựng mô hình chợ an toàn thực phẩm ở Việt Nam.

Số liệu cập nhật cuối tháng 12/2021 cho thấy, Việt Nam có 8.549 chợ truyền thống, trong số đó có đến 80% chợ là khu vực nông thôn, 86% là chợ hạng III, tức là chợ dân sinh quy mô nhỏ nên điều kiện hạ tầng cơ sở vật chất còn rất kém, khó thu hút nguồn vốn để đầu tư.

Các diễn giả tại buổi tọa đàm.
Các diễn giả tại buổi tọa đàm.

Trong khi mãi lực ở chợ vẫn còn chưa hấp dẫn nhà đầu tư, đặc biệt các chợ ở khu vực nông thôn, người dân đến mua sắm chưa đông.

Hơn nữa, nguồn hàng từ các chợ cũng là vấn đề lớn. Phần lớn tiểu thương lấy từ chợ đầu mối hoặc là từ những vùng sản xuất tự cung, tự cấp của các địa phương nên công tác truy xuất nguồn gốc hàng hóa đối với nhóm hàng này còn gặp rất nhiều khó khăn.

Một cái khó khăn tiếp theo, khi chúng ta có đến 2.000.000 tiểu thương cần phải được tập huấn về an toàn thực phẩm. Song rất nhiều tiểu thương họ tiếc một buổi chợ, họ không tham gia những buổi tập huấn khiến công tác tuyên truyền về an toàn thực phẩm cũng chững lại.

Đặc biệt, hiện nay nguồn ngân sách đầu tư vào hạ tầng cơ sở như điện, đường, trường, trạm và chợ… nhằm đảm bảo công tác an toàn thực phẩm hoàn toàn nằm trong tay chính quyền địa phương nhưng có lẽ chưa được quan tâm đúng mức.

Ông Đinh Lâm Sáng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Kạn cũng cho biết Bắc Kạn không có đường hàng không, đường thủy, đường sắt, chính vì vậy, giao thương khó khăn.Hơn nữa là dân số phân tán, địa hình thì cát cứ nên gặp nhiều khó khăn trong việc nhân rộng mô hình chợ an toàn thực phẩm trên địa bàn. Ban đầu làm đã khó, nhưng làm được rồi khi nhân rộng ra lại càng khó hơn.

Bởi tập quán tiêu dùng của người dân ở miền núi là dễ chấp nhận khi mua bán sản phẩm hàng hóa, họ không không không quan tâm lắm đến việc an toàn thực phẩm. Chính vì vậy, việc thay đổi nhận thức của người dân là một trong những cái khó nhất.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng ở chợ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn cơ bản được đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước cũng từ rất lâu. Một số cơ sở hạ tầng đã xuống cấp rất nhiều, kinh phí để bảo dưỡng, sửa chữa chợ cũng hạn hẹp, khó thực hiện.

Một khó khăn nữa, theo ông Sáng, các tiểu thương và những người được giao nhiệm vụ quản lý chợ cũng chưa mặn mà lắm trong việc nhân rộng mô hình quản lý chợ an toàn.

XÂY DỰNG CHUỖI CUNG ỨNG AN TOÀN

Bài toán đặt ra, làm thế nào để có thể triển khai, nhân rộng, hay xa hơn là duy trì lâu dài và phát huy hiệu quả mô hình chợ an toàn thực phẩm trên phạm vi toàn quốc? Cơ quan quản lý, địa phương và các bên liên quan cần làm gì để tháo gỡ những điểm nghẽn còn tồn tại?

Theo ông Sáng, hàng năm Nhà nước cần có nguồn kinh phí nhất định để thực hiện chương trình này. Một mặt, tuyên truyền tới các hộ kinh doanh, người dân về vấn đề an toàn thực phẩm và đây là trách nhiệm của toàn dân, mặt khác tuyên truyền Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, để có chế tài xử lý những người không chấp hành an toàn thực phẩm.

Đồng thời, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức một số lớp tập huấn về an toàn thực phẩm cho tiểu thương, người quản lý của xã có chợ, đặc biệt, đề cao xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới phải gắn với đảm bảo an toàn thực phẩm.

Ông Nguyễn Xuân Anh Tuấn, Phó Giám đốc Dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (LIFSAP) nêu quan điểm, để nâng cao được an toàn vệ sinh thực phẩm đối với chợ, chúng ta đều phải quay lại vấn đề xây dựng chuỗi cung ứng từ sản xuất đến giết mổ cho đến ra chợ.

Chúng ta không có con đường nào khác cả, bởi chỉ làm như thế chúng ta mới có thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, để có thể đưa quản lý nhà nước vào trong lưu thông.

Tiếp theo, xây dựng chuỗi này sẽ dẫn đến câu chuyện sản xuất bền vững với tất cả các mối quan hệ trong chuỗi, vì lợi ích của chuỗi, nhóm.

Bà Nga đồng tình, 75% thực phẩm vẫn đi qua các chợ truyền thống, từ đầu mối cho đến chợ dân sinh. Như vậy việc đẩy mạnh quản lý an toàn thực phẩm tại chợ, nhân rộng mô hình thí điểm chợ an toàn thực phẩm hết sức quan trọng.

Không xảy ra những câu chuyện như tồn dư hóa chất độc hại hay là vi sinh vật có hại cho sức khỏe con người, từ những thực phẩm được kinh doanh tại chợ truyền thống, theo bà Nga, cần có cơ chế, chính sách phù hợp, có thể liên kết được tổng lực của toàn xã hội từ Trung ương đến địa phương, giữa các cơ quan, bộ, ngành Trung ương với nhau và với đặc biệt là khối doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia vào quá trình xã hội hóa công tác an toàn thực phẩm tại chợ truyền thống.