17:45 21/08/2023

Khởi động cuộc thi Net Zero Challenge tại Việt Nam

Hồng Vinh

Tham gia Net Zero Challenge, các đội sẽ có cơ hội nhận tổng giải thưởng 630.000 USD (15 tỷ đồng) để thí điểm các giải pháp chống biến đổi khí hậu tại Việt Nam, được tiếp cận các quỹ đầu tư, đối tác doanh nghiệp…

Khởi động cuộc thi Net Zero Challenge với tổng giải thưởng 15 tỷ đồng, sáng 21/8.
Khởi động cuộc thi Net Zero Challenge với tổng giải thưởng 15 tỷ đồng, sáng 21/8.

Ngày 21/8, nhằm giải quyết khoảng cách về nguồn vốn cho các giải pháp công nghệ chống biến đổi khí hậu, quỹ Touchstone Partners và Temasek Foundation (Singapore) phối hợp cùng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh (HIDS) khởi động cuộc thi Net Zero Challenge (Thách thức Net Zero) nhằm tìm kiếm các giải pháp công nghệ chống biến đổi khí hậu và mục tiêu phát triển bền vững. 

Theo Ban tổ chức, Net Zero Challenge hướng tới mục tiêu xác định và hỗ trợ những công nghệ về chống biến đổi khí hậu giai đoạn đầu, có tiềm năng giải quyết các thách thức môi trường ở quy mô lớn. Cuộc thi tập trung vào ba vấn đề chính: Năng lượng tái tạo và trung hoà carbon; Hệ thống lương thực và nông nghiệp bền vững; Kinh tế tuần hoàn và quản lý rác thải. Thời gian nhận hồ sơ Net Zero Challenge từ 21/8 đến 15/10/2023. Và 9 đội thi xuất sắc nhất để tham gia vòng chung kết vào đầu tháng 12/2023.

Đối tượng cuộc thi là các công ty khởi nghiệp, đội ngũ nghiên cứu, dự án trực thuộc doanh nghiệp, hoặc tổ chức phi lợi nhuận sẵn sàng cho một dự án thử nghiệm quy mô lớn. Các sản phẩm ở nước ngoài, đã thương mại hóa ở nơi khác nhưng muốn phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược tại Việt Nam cũng có thể nộp đơn.

Ông Trần Nhật Khanh, Giám đốc quỹ Touchstone Partners, cho biết các giải pháp về chống biến đổi khí hậu thường thu hút ít vốn đầu tư hơn so với các lĩnh vực công nghệ khác. Ngoài ra, để các sáng kiến xanh đạt được tác động lớn và có thể thương mại hoá nhanh chóng hơn, cần phải có thêm sự hỗ trợ từ chính phủ và các tập đoàn.

Việt Nam cam kết đạt mục tiêu Net Zero, trung hòa khí thải carbon vào năm 2050 tại Hội nghị Biến đổi khí hậu Liên Hiệp Quốc 2021 (COP26). Vào tháng 5 năm nay, Chính phủ Việt Nam đã chấp thuận Kế hoạch Phát triển Năng lượng Quốc gia VIII, thể hiện quyết tâm của quốc gia trong việc dần loại bỏ các nhà máy nhiệt điện sử dụng than và khí và thúc đẩy sự phát triển năng lượng tái tạo để đạt được mục tiêu không còn tăng thêm khí thải carbon.

TS. Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh (HIDS), cho biết gần đây TP.HCM đã triển khai Nghị quyết số 98 ủng hộ các sáng kiến phát triển bền vững và kinh tế xanh. TP.HCM xác định chuyển đổi xanh, phát triển bền vững sẽ là xu hướng chủ đạo trong thời gian tới. Trên thực tế, Thành phố đã ban hành các ý tưởng, kế hoạch về phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, phát triển đô thị bền vững và các chuyên ngành liên quan khác.

TS. Vũ cũng nhắc lại mục tiêu mà Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã khẳng định, hướng tới mục tiêu chung của quốc gia tiến đến trung hòa carbon vào năm 2050, TP.HCM chọn Cần Giờ để xây dựng thí điểm trước và đang khẩn trương xây dựng kế hoạch “Cần Giờ không phát thải đến năm 2030”.

Được biết, các đội tham gia Thách thức Net Zero còn có cơ hội hợp tác với các đối tác như Keppel (chuyên về cơ sở hạ tầng bất động sản), Tập đoàn Lộc Trời (nông nghiệp) và Công ty Nhựa Duy Tân (vật liệu, tái chế nhựa)… Còn quỹ đầu tư mạo hiểm Touchstone Partners đã đầu tư vào nhiều startup trong lĩnh vực công nghệ xanh như: Selex Motors, Stride, Forte Biotech, Piktina và hướng đến xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, phát triển bền vững tại Việt Nam.