Khối ngoại và tổ chức trong nước chi 5.400 tỷ bắt đáy trong tuần VN-Index "bay màu"
Chỉ riêng tuần giao dịch vừa qua, khối ngoại và tổ chức trong nước gồm tự doanh đã mua ròng 5.400 tỷ đồng trên 3 sàn chứng khoán Việt Nam...
Vn-Index kết thúc tuần tuyệt vời hơn mong đợi. Dù sao thì đến giấy phút cuối cùng của phiên chỉ số cũng hồi phục về 1.379 điểm, một nỗ lực đáng khen sau thời điểm ám ảnh kinh hoàng cứ 14h hàng bị lôi ra xả tới tấp. Dù vậy thì kết thúc một tuần, chỉ số đã bay 76 điểm, tương đương mất 5%. Cá biệt trong một số phiên áp lực xả hàng dữ dội đã khiến chỉ số về sát mốc 1.350 điểm.
KHỐI NGOẠI VÀ TỔ CHỨC TRONG NƯỚC MUA RÒNG 5.400 TỶ ĐỒNG
So với các nhóm chỉ số, VnSmall có mức giảm ác liệt nhất 283 điểm đã bốc hơi trong tuần giao dịch vừa qua, tiếp theo là VnMid đánh mất 179 điểm, Vn30 - trụ cứng đỡ chỉ số phong độ hơn nhiều chỉ mất đâu đó 40-50 điểm không đáng ngại so với tình hình bi kịch chung của cả thị trường.
Tuy vậy, thanh khoản đã cải thiện đáng kể trong những ngày giao dịch qua. Vn-Index mỗi phiên khớp lệnh giá trị trung bình gần 25.000 tỷ đồng, tuần trước đó con số chỉ dừng lại ở 22.000 tỷ. Vn30 trung bình mỗi phiên 7.595 tỷ đồng; Vn-Mid 9.810 tỷ còn VnSmall 4.539 tỷ đồng, đều tăng nhẹ so với tuần giao dịch trước đó.
Thanh khoản tốt có lẽ nhờ một phần lực hấp thụ của dòng vốn đến từ nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức trong nước. Lực bán ra của nhà đầu tư cá nhân đã được hai khối này khớp liên tục với 5/5 phiên mua ròng.
Phiên giao dịch cuối tuần, khối ngoại mua ròng 923 tỷ đồng tập trung gom chủ yếu DXG, MSN, DGC, VNM, GAS, HPG, GEX, KHD, NLG. Luỹ kế cả tuần qua, nhóm này chi 2.700 tỷ đồng mua ròng cổ phiếu trên toàn bộ 3 sàn chứng khoán Việt Nam HSX, HNX và UPCoM.
Trong đó, GEX là cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất với giá trị 306 tỷ đồng, đây cũng là mã mất nhiều điểm nhất trong tuần qua tương ứng với mất 13,11% thị giá. DXG được gom ròng 185 tỷ đồng, tiếp theo là NLG được mua ròng 183 tỷ đồng, VRE cũng được khối ngoại mạnh tay gom 176 tỷ hay một số mã khác như STB, VNM, VIC, KBC. Ở chiều ngược lại, khối ngoại lại bán ra VHM, DGC, CII, HPG.
Với tổ chức trong nước gồm tự doanh, phiên giao dịch cuối tuần, nhóm này bắt đáy khá nhiều với giá trị lên đến gần 2.000 tỷ. Mã được nhóm này mua tích cực nhất là MSN, MWG, FPT, PNJ, MBB, HPG, VHC, VHC, DGC. Luỹ kế tuần qua, nhóm này mua ròng 2.700 tỷ đồng.
Như vậy, chỉ riêng tuần giao dịch vừa qua, khối ngoại và tổ chức trong nước gồm tự doanh đã mua ròng 5.400 tỷ đồng trên 3 sàn chứng khoán Việt Nam.
LÊN THỊ TRƯỜNG MỚI NỔI VIỆT NAM HÚT 10 TỶ USD
Đánh giá về dòng vốn ngoại tại Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế diễn ra chiều 22/4 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, riêng trong 5 tuần gần đây, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ với giá trị 3.589 tỷ đồng, khoảng 155 triệu USD. Đây là những số liệu cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Bộ trưởng cho biết thêm, sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam theo lộ trình đã đặt ra.
Nhìn từ góc độ bên ngoài, ông Zafer Mustafaeglu, Giám đốc Khối Nghiệp vụ về Tài chính, Năng lực Canh Tranh và Đổi mới sáng tạo, Khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, Việt Nam đang bắt kịp với các quốc gia trong khu vực, về quy mô thị trường. Đây là bằng chứng rõ ràng về những nỗ lực liên tục của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường thuận lợi cho thị trường, bao gồm thông qua các định hướng chính sách, quy định và rất nhiều diễn đàn nhằm nâng cao nhận thức và sự đồng thuận về phát triển thị trường.
Quy mô thị trường của Việt Nam đã trở nên quá lớn để ở lại nhóm Thị trường Cận biên. Thị trường cổ phiếu của Việt Nam đã có trọng số trên 30% trong Chỉ số Thị trường Cận biên Toàn cầu của MSCI. Đây là trọng số lớn nhất, tiếp theo là Maroc là 10%. Việt Nam giống như võ sĩ hạng trung nhưng vẫn đang tham gia thi đấu trong nhóm hạng nhẹ.
Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực nâng cấp thành Thị trường Mới nổi. Điều đó không chỉ đem lại cải thiện về chất lượng mà còn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế thứ hạng lớn đến Việt Nam.
"Ví dụ trên thị trường cổ phiếu, nâng cấp thành Thị trường Mới nổi có thể đem lại thêm 10 tỷ USD đầu tư gián tiếp mới cho Việt Nam, trong đó riêng năm đầu tiên có thể tiếp nhận thêm từ 2-5 tỷ", đại diện World Bank nói.
Ông Zafer Mustafaeglu cũng kiến nghị Việt Nam nên cam kết đẩy nhanh lộ trình nâng cấp thành Thị trường Mới nổi. Điều này có nghĩa là Việt Nam cũng cần mở hơn nữa với các nhà đầu tư gián tiếp trên quốc tế, đồng thời nâng cao chất lượng thị trường. Thông tin phải kịp thời, đáng tin cậy và dễ tiếp cận hơn.
Việt Nam có thể cân nhắc các biện pháp làm tăng nguồn cung chứng khoán cho nhà đầu tư nước ngoài. Thị trường sâu hơn, đa dạng hơn, sẽ làm giảm cơ hội thao túng và trục lợi.
Về vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay, trong thời gian qua Việt Nam đã tạo lập được niềm tin với nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài do chúng ta ổn định chính trị, an ninh trật tự, an toàn xã hội, môi trường đầu tư và đặc biệt là ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đản các cân đối lớn của nền kinh tế.
"Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục kiên định thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19. Một điểm nữa được Thủ tướng nhấn mạnh là ổn định môi trường đầu tư, đặc biệt là sự nhất quán, ổn định chính sách để nhà đầu tư yên tâm", Thủ tướng nhấn mạnh.