18:56 22/12/2021

Khu vực nào kiểm soát được dịch thì trẻ em mầm non có thể trở lại trường

Thanh Xuân

Cơ sở giáo dục xác định đủ điều kiện bảo đảm an toàn cho trẻ em, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; thực hiện vệ sinh trường, lớp, đồ dùng, đồ chơi, trang thiết bị… kiểm soát được dịch Covid-19, chủ động báo cáo cấp quản lý giáo dục để trẻ em trở lại trường học...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nhằm tạo điều kiện cho trẻ em được đến trường an toàn, Bộ Giáo dục & Đào tạo vừa có công văn về vấn đề bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 khi tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cơ sở giáo dục mầm non.

Theo đó, Bộ Giáo dục & Đào tạo đề nghị các sở Giáo dục & Đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục mầm non đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 theo nguyên tắc: khu vực nào kiểm soát được dịch Covid-19 thì chủ động báo cáo cấp quản lý giáo dục để trẻ em trở lại trường học. Phối hợp với y tế địa phương xây dựng phương án phòng, chống dịch Covid-19, xử lý khi có trẻ em, cán bộ, giáo viên, nhân viên, cha mẹ của trẻ em là F0 bảo đảm theo quy định.

Các cơ sở giáo dục mầm non điều chỉnh kế hoạch thực hiện Chương trình giáo dục mầm non theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục & Đào tạo, đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục mầm non trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19. Thực hiện điều chỉnh kế hoạch, phương án tổ chức các hoạt động ăn, ngủ, vệ sinh, chơi và học theo chế độ sinh hoạt cho trẻ em, phù hợp với diễn biến của dịch Covid-19 tại địa phương, an toàn về phòng, chống dịch.

Đồng thời phối hợp với cha mẹ, người chăm sóc trẻ em, y tế, chính quyền địa phương trong việc chuẩn bị các điều kiện bảo đảm an toàn khi đón trẻ quay trở lại trường và truyền thông về sự cần thiết, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc đưa trẻ em đến trường để được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, phát triển toàn diện theo luật định và bảo đảm quyền trẻ em.

Các cơ sở giáo dục mầm non cũng cần phối hợp chặt chẽ với gia đình trẻ em và y tế địa phương để nắm bắt, xây dựng phương án xử lý kịp thời khi đột xuất xảy ra tình huống phức tạp, nhất là trong trường hợp trẻ em có biểu hiện mắc Covid-19. Trước khi đưa trẻ em trở lại cơ sở giáo dục mầm non, gia đình phải cam kết với nhà trường về việc thực hiện nghiêm túc quy định phòng, chống dịch vì sự an toàn của trẻ.

Khi tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cơ sở giáo dục mầm non, Bộ Giáo dục & Đào tạo yêu cầu không nhận trẻ em có biểu hiện sốt, ho…; cha mẹ/người đang trong thời gian cách ly tại nhà hoặc có biểu hiện sốt, ho, khó thở, hay gia đình trẻ có thành viên là F0.

Mặt khác, chỉ những cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định mới được tổ chức động hoạt động ăn, ngủ cho trẻ em; không tổ chức cho trẻ em ăn tập trung tại nhà bếp hoặc nhà ăn mà tổ chức ăn theo nhóm/lớp, hoặc theo suất ăn riêng tùy theo tình hình Covid-19. Đồng thời có đồ dùng cá nhân riêng cho từng trẻ em khi ngủ. Bảo đảm giãn cách giữa các trẻ em khi ngủ trên cơ sở khoa học và phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất của trường, nhóm, lớp…

Theo Bộ Giáo dục & Đào tạo, hiện nay do dịch bệnh phức tạp nên các cơ sở giáo dục mầm non đang gặp khó khăn, nhất là đối với cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập nhiều nơi phải đóng cửa, giáo viên cũng buộc chuyển đổi nghề nghiệp để mưu sinh. Vì vậy, Bộ cũng đề nghị các tỉnh thành trong cả nước cần đánh giá công tác quy hoạch, định hướng phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn để đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030.

Đồng thời thực hiện tốt các chính sách, đầu tư phát triển giáo dục mầm non theo quy định của Đảng và Nhà nước…; Kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ cho người lao động cùng các doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục mầm non gặp khó khăn do Covid-19. Đặc biệt phải nghiên cứu tuyển bổ sung giáo viên mầm non còn thiếu nhằm bảo đảm đủ số lượng theo quy định.