17:05 21/12/2021

TP. HCM: 34 trường hợp F0 ghi nhận khi dạy trực tiếp được xử lý đúng quy trình

Thanh Xuân

Các cơ sở giáo dục đã vận hành quy trình xử lý F0 theo các quy định và hướng dẫn của ngành Y tế. Các tình huống này đều nằm trong kịch bản, kế hoạch của nhà trường...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tại buổi họp báo định kỳ cung cấp thông tin phòng, chống dịch trên địa bàn TP. HCM, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT TP. HCM cho biết, sau thời gian tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh khối 9 và 12 kể từ ngày 13/12, TP. HCM ghi nhận 34 trường hợp F0, trong đó có 4 trường hợp là giáo viên, 27 trường hợp là học sinh, 3 trường hợp là nhân viên.

Theo ông Trịnh Duy Trọng, ngay khi phát hiện F0, các cơ sở giáo dục đã vận hành quy trình xử lý F0 theo các quy định và hướng dẫn của ngành Y tế. Các tình huống này đã nằm trong kịch bản, kế hoạch của nhà trường, mỗi nhà trường đều đã xây dựng các kịch bản ứng phó và triển khai thực hiện khi phát sinh tình huống.

Trước vấn đề đặt ra là nhiều cơ sở giáo dục thực hiện chia tách lớp, giáo viên chia đôi giờ và chạy giữa các lớp giảng dạy liệu có ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy không? Ông Trịnh Duy Trọng cho biết hiện nay, do cơ sở vật chất một số trường còn hạn chế, để đảm bảo yêu cầu giãn cách, phòng chống dịch, nhiều trường tổ chức chia đôi lớp học. 

Việc chia tách lớp đương nhiên kéo theo nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến hiệu quả giờ dạy. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay ưu tiên hàng đầu là phải an toàn, công tác phòng, chống dịch được đặt lên trên nên các trường ưu tiên các biện pháp thích ứng, từng bước khắc phục khó khăn khi tổ chức dạy học trực tiếp.

Theo kế hoạch từ ngày 13/12, hơn 140.000 học sinh khối lớp 9 và 12 tại TP.HCM đã đến trường học tập trực tiếp. Dự kiến sau 2 tuần thí điểm, ngành giáo dục sẽ tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm. Căn cứ kết quả học tập trực tiếp sau thời gian này và tình hình dịch Covid-19, Sở GD&ĐT TP.HCM sẽ phối hợp với Sở Y tế tham mưu cho UBND TP xem xét và quyết định tiếp tục mở dần đối tượng hoặc tổ chức dạy học trực tiếp toàn thành phố từ ngày 3/1/2022.

Để chuẩn bị cho kế hoạch mở rộng, các trường đã tiến hành khảo sát lấy ý kiến phụ huynh về việc sẽ thêm học sinh khối 6, 7, 8 ở bậc THCS và khối 10, 11 đối với trường THPT được đến trường học trực tiếp. Tuy nhiên, kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ phụ huynh ủng hộ việc mở rộng đối tượng học sinh đến trường chưa cao, đặc biệt là khối 6 do học sinh độ tuổi này chưa được tiêm vaccine Covid-19. 

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng việc mở rộng đối tượng học sinh đến trường khiến các trường phải tính toán lại về phương án tổ chức do hiện nay toàn bộ cơ sở vật chất, phòng ốc đều được ưu tiên cho học sinh khối 9 và 12. 

Nếu TP. HCM quyết định triển khai sẽ khiến một số nơi gặp khó trong việc thiếu giáo viên thực hiện tách lớp, bố trí hướng di chuyển, khu vực sân chơi, nhà vệ sinh, lệch ca giờ vào học và giờ ra về... giữa các khối lớp nhằm đảm bảo yêu cầu về giãn cách. 

Hiện nay, theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT TP. HCM các trường phải đảm bảo công tác giảng dạy trong trạng thái thích ứng và linh hoạt, không gây áp lực cho giáo viên và tạo tâm lý thoải mái cho học sinh.

Nhà trường cần chủ động ứng phó mọi tình huống như theo dõi, phát hiện ca mắc, nghi mắc, phối hợp với lực lượng y tế địa phương thực hiện các bước xử lý khi phát hiện trường hợp F0 theo đúng quy định và hướng dẫn của ngành y tế.

Cơ sở giáo dục không nên rập khuôn trong việc tổ chức hoạt động giáo dục mà phải căn cứ theo cấp độ dịch của từng quận, huyện, điều kiện thực tế, đồng thời sáng tạo, chủ động sắp xếp thời khóa biểu phù hợp…