10:26 07/03/2007

Kích cầu tiêu dùng bằng cho vay tín chấp

Tuấn Dũng

Các khoản vay tín chấp với giá trị lên tới hàng trăm triệu đồng đã được một số ngân hàng áp dụng cho khách hàng

ACB là ngân hàng tiên phong trong lĩnh vực cho vay tín chấp - Ảnh: Việt Tuấn.
ACB là ngân hàng tiên phong trong lĩnh vực cho vay tín chấp - Ảnh: Việt Tuấn.
Theo các ngân hàng, dịch vụ vay tín chấp là một phần của kế hoạch cho vay tiêu dùng, một phương án sử dụng vốn với kỳ hạn ngắn nhưng lãi suất thu lại tương đương với các dịch vụ cho vay khác.

Các khoản vay tín chấp với giá trị lên tới hàng trăm triệu đồng đã được một số ngân hàng áp dụng cho khách hàng. Tuy không quan tâm tới mục đích vay của người tiêu dùng nhưng mục tiêu của các ngân hàng khá rõ rệt: tham gia kích cầu mà đối tượng nhắm tới là người dân.

Dịch vụ này cũng được coi là cú đột phá vào nguồn vốn tiềm ẩn trong người dân.

Khai thác dịch vụ cho vay tiêu dùng

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực cho vay tín chấp. Ngoài những sản phẩm tín dụng vay tiêu dùng bằng tài sản thế chấp đảm bảo, ACB còn đưa ra khoản vay tín chấp cho khách hàng, với giá trị khoản vay lên đến hàng trăm triệu đồng.

Ông Bùi Tấn Tài, Giám đốc khối khách hàng cá nhân ACB cho biết, hạn mức cho vay tín chấp đối với các khách hàng là cá nhân tại ACB hiện đã lên đến 200 triệu đồng/bộ hồ sơ, với mức lãi suất giao động từ 1,1 - 1, 15%/tháng.

Tuy nhiên, để có được nguồn vốn vay tín chấp tại ACB khách hàng phải có giấy chứng nhận của cơ quan nơi đang công tác và chứng minh được khả năng trả nợ bằng nguồn thu nhập hàng tháng.

Dự kiến, trong thời gian tới ACB sẽ nâng hạn mức cho vay tín chấp lên trên 200 triệu đồng. Hiện dư nợ cho vay tín chấp của ngân hàng hiện chỉ ở mức 5 -10% trên tổng dư nợ của ngân hàng.

Do vậy, ACB sẽ tiếp tục triển khai các sản phẩm tín dụng cho khách hàng cá nhân nhưng không cần tài sản đảm bảo. Ông Bùi Tấn Tài cho biết: “Trong khoản dự nợ cho vay tín chấp, ACB sẽ chú trọng vào các đối tượng cá nhân có mức thu nhập từ trung bình khá trở lên”.

Thực tế, dịch vụ cho vay tín chấp được bắt từ dịp cuối năm, thời điểm mà nhu cầu vay tiêu dùng ở người dân tăng nhanh. Theo các chuyên gia nghiên cứu thị trường, nhu cầu vay tiền mua sắm tiêu dùng, sửa chữa và kể cả mua nhà chung cư trả góp vào những dịp cuối năm đang tăng cao, trong đó dịp cuối năm 2006 rất đáng chú ý.

Nắm bắt được cơ hội này, hầu hết các ngân hàng đã tranh thủ đẩy mạnh nguồn vốn ra ngoài, đáp ứng nhu cầu khách hàng. Thủ tục vay rất đơn giản, ngân hàng cũng không đòi hỏi quá cao đối với các khách hàng vay tiền sử dụng vào những mục đích trên.

Vì thế, dù không có tiền khách hàng vẫn có thể sắm sửa đầy đủ các đồ dùng trong gia đình nhờ nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng mà chỉ cần giấy chứng nhận nơi đang công tác hoặc tài sản thế chấp đảm bảo.

Đáng nói là dịch vụ cho vay tiêu dùng của các ngân hàng đang hướng tới sự chuyên nghiệp hoá. Chẳng hạn Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông (OCB) luôn đáp ứng nhu cầu vốn cho các cá nhân vay trả góp bằng tiền đồng hoặc vàng để mua sắm các vật dụng trong gia đình, sửa chữa nhà ở, trang trải các chi phí sinh hoạt gia đình, đi du lịch...

Khách hàng chỉ có đủ năng lực pháp luật thu nhập ổn định đảm bảo trả nợ trong thời hạn cam kết. Mức cho vay tùy theo nhu cầu vay và khả năng trả nợ của khách hàng nhưng tối đa là 80 triệu đồng và không quá 70 % giá trị tài sản bảo đảm, trong thời gian 2 năm.

Riêng đối với dịch vụ vay tiền xây, sửa chữa nhà, OCB sẽ cho các cá nhân vay trả góp, với mức vay tùy theo nhu cầu nhưng không vượt quá 70% trị giá công trình sửa chữa, xây dựng. Lãi suất vay theo quy định của OCB tại từng thời điểm. Mới đây, OCB đã triển khai chương trình cho vay trả góp mua căn hộ chung cư, nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất của đơn vị có ký hợp đồng liên kết với OCB.

Căn cứ vào hợp đồng liên kết giữa OCB và đơn vị bán, mức cho vay tối đa không quá 70% (từ 800 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng) giá trị nhà ở. Lãi suất năm đầu là 1,1 %/tháng, năm sau thả nổi theo lãi suất thị trường.

Hỗ trợ người vay sửa chữa, xây nhà ở

Một ví dụ khác là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) đã đưa ra sản phẩm tín dụng tiêu dùng “Nhà mới”, nhằm giúp cho khách cá nhân có nhu cầu vay vốn để thực hiện việc mua, sửa nhà vào dịp cuối năm 2006.

Techcombank cũng hỗ trợ tối đa tới 70% tổng nhu cầu vốn cho khách hàng. Tuy nhiên, hạn mức cho vay đối với các hợp đồng vay tiền sửa, xây nhà tại Techcombank không quá 2 tỷ đồng.

Mức tối thiểu cho mỗi khoản vay theo chương trình “Nhà mới” là 30 triệu đồng. Thời hạn cho khách hàng vay tiền sửa nhà tối thiểu trong vòng 6 tháng, tối đa lên đến 5 năm. Mức lãi suất xác định trên cơ sở lãi suất tiết kiệm thường kỳ hạn 12 tháng (loại trả lãi cuối kỳ) cộng với biên độ từ 0,20% đến 0,35%/tháng.

Nếu khách hàng trả nợ trước hạn trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận nợ sẽ chịu mức lãi suất bằng 1,5 lần lãi suất vay đối với toàn bộ nợ vay và 1,2 lần đối với trường hợp trả nợ trên thời gian từ 30 ngày trở lên.

Ngoài ra, người tiêu dùng có thể dùng chính căn nhà đang xây, sửa chữa để làm tài sản đảm bảo hoặc sử dụng hình thức bảo lãnh bằng tài sản của bên thứ ba.

Theo đánh giá của ông Bùi Tấn Tài, tiềm năng cho vay tín chấp đối với khách hàng là cá nhân tại Việt Nam còn rất lớn nhưng hầu hết các ngân hàng vẫn chưa khai thác hết.

Đặc biệt, dịch vụ cho vay tín chấp vẫn còn bị hạn chế nhiều đối với các đối tượng là doanh nghiệp và các lĩnh vực chứa nhiều rủi ro như bất động sản, cổ phiếu... Tuy vậy, việc các ngân hàng tập trung vào mảng dịch vụ cho vay tiêu dùng được coi là một động lực quan trọng nhằm kích cầu tiêu dùng cho dân cư.