13:08 13/02/2023

Kinh tế giảm tốc, mục tiêu thu nhập của Trung Quốc đang trở nên xa vời?

Bình Minh

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của Trung Quốc sẽ giảm còn khoảng một nửa so với mức đạt được của thập kỷ trước. Với tốc độ tăng trưởng như vậy, một số tham vọng kinh tế dài hạn của Bắc Kinh có thể vượt ra khỏi tầm với...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Trong một báo cáo công bố hôm thứ Sáu tuần trước, IMF dự báo tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc tăng trưởng bình quân khoảng 4% mỗi năm trong thời gian từ nay đến năm 2027, sau đó giảm còn 3% trong thập kỷ sau đó. Dự báo này đồng nghĩa với GDP bình quân đầu người của Trung Quốc cũng tăng với tốc độ tương tự - theo báo cáo.

Đó sẽ là một sự giảm tốc mạnh so với mức tăng trưởng GDP thực tế bình quân khoảng 7% mỗi năm mà Trung Quốc đạt được trong thập kỷ qua, IMF nhấn mạnh. Trong cùng khoảng thời gian, thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc tăng 6% mỗi năm.

Sự giảm tốc như vậy sẽ là một trở ngại lớn đối với mục tiêu mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề ra về GDP bình quân đầu người. Ông Tập muốn đến năm 2035, thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc đạt ngưỡng của một quốc gia thu nhập trung bình. Các chuyên gia kinh tế ước tính mục tiêu đó đòi hỏi nền kinh tế Trung Quốc phải đạt tăng trưởng bình quân 4,7% mỗi năm trong vòng 15 năm tính đến năm 2035.

Trung Quốc đang đối mặt với một loạt vấn đề kinh tế dài hạn được cho là sẽ ảnh hưởng bất lợi đến tăng trưởng, bao gồm dân số lão hoá và tổng năng suất lao động tăng chậm lại – theo IMF. Nhóm chuyên gia thực hiện báo cáo của IMF cũng nhấn mạnh mặt hạn chế của mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư của Trung Quốc. Trong mô hình này, dòng vốn khổng lồ được rót vào các doanh nghiệp quốc doanh và lĩnh vực bất động sản. Theo báo cáo, việc đặt trọng tâm vào những khu vực kém năng suất như vậy đẩy cao nguy cơ nợ công chồng chất.

Triển vọng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong ngắn hạn đang bị phủ bóng bởi những yếu tố như căng thẳng địa chính trị và cuộc cạnh tranh khốc liệt toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ - IMF nhận định.

“Nếu không có nỗ lực cải cách, dân số lão hoá và năng suất suy giảm có thể sẽ tiếp tục gây áp lực lên tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong dài hạn, hơn cả những gì mà chúng tôi dự báo”, báo cáo của IMF có đoạn viết. “Những yếu tố chèn ép này cho thấy sự cần thiết phải tái cân bằng khỏi mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư và có mức phát thải carbon cao sang một mô hình tăng trưởng bền vững hơn, cụ thể là dựa vào tiêu dùng”.

Kinh tế giảm tốc, mục tiêu thu nhập của Trung Quốc đang trở nên xa vời? - Ảnh 1

Báo cáo của IMF kêu gọi Trung Quốc theo đuổi các cải cách mang tính cơ cấu về thị trường và phân bổ lại nguồn vốn giữa các công ty quốc doanh và doanh nghiệp tư nhân. IMF cũng khuyến khích việc phân bổ lại nguồn vốn đầu tư vào hạ tầng và bất động sản sang những lĩnh vực mà định chế có trụ sở ở Washington DC này cho là có năng suất cao hơn như sản xuất hoặc dịch vụ, đồng thời thúc đẩy sáng tạo về tái chế, tái sinh.

Báo cáo cho rằng việc hướng các biện pháp tài khoá theo hướng hỗ trợ có trọng điểm thu nhập của hộ gia đình cũng sẽ giúp nền kinh tế tái cân bằng. Bản báo cáo thể hiện rõ quan điểm ủng hộ việc tăng cường chi tiêu công ở những linh vực có thể giúp thúc đẩy tiêu dùng tư nhân.

Báo cáo trên được IMF đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang nỗ lực vực dậy nền kinh tế sau khi tăng trưởng GDP chỉ đạt 3% trong năm ngoái, mức tăng hàng năm thấp thứ nhì kể từ thập niên 1970, chỉ sau mức tăng 2,2% đạt được vào năm 2020 khi Covid trở thành đại dịch toàn cầu. IMF cho rằng chính sách chống dịch hà khắc Zero Covid của Trung Quốc là một nguyên nhân khiến tiêu dung của nước này giảm sút trong thời gian đó.

Năm nay, tiêu dùng của Trung Quốc được dự báo sẽ giữ vai trò dẫn dắt sự phục hồi kinh tế, vì nước này mới đây đã từ bỏ Zero Covid. Trong khi đó, khủng hoảng chưa kết thúc trong ngành bất động sản và nhu cầu toàn cầu giảm sút đối với hàng hoá xuất khẩu của Trung Quốc sẽ tiếp tục là những yếu tố gây thách thức đối với tăng trưởng.

IMF dự báo chính sách tiền tệ của Trung Quốc sẽ “nới lỏng ở mức độ nhất định”, đồng thời kêu gọi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) tiếp tục dùng chính sách lãi suất như một công cụ chủ chốt, xét tới hiệu ứng mạnh của công cụ này, thay vì dựa vào các biện pháp chính sách tín dụng dựa trên số lượng, chẳng hạn như đặt mục tiêu về tăng trưởng tín dụng.

Về phần mình, PBOC đã cam kết thực thi chính sách tiền tệ “có trọng điểm và mạnh mẽ” để hỗ trợ tăng trưởng trong năm nay. Dù vậy, PBOC khẳng định sẽ tránh việc bơm tiền ồ ạt vào nền kinh tế.

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) công bố vào tháng 1 vừa qua, IMF dự báo kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,2% trong năm 2023.