Làn sóng dịch chuyển sản xuất của doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam đang diễn ra thế nào?
Thực tế cho thấy chỉ phụ thuộc vào hoạt động sản xuất ở Trung Quốc không còn được xem là giải pháp an toàn nhất đối với các nhà sản xuất. Bởi vị thế là “công xưởng của thế giới” của Trung Quốc không còn mạnh như trước đây...
Với Norman Cheng, chủ sở hữu Strategic Sports - một trong những nhà sản xuất mũ bảo hiểm lớn nhất thế giới, việc dịch chuyển hoạt động ra khỏi Trung Quốc được xem là một giải pháp sống còn.
Cheng đang có ý định mở một nhà máy thông minh tại Việt Nam vào năm 2024 với tổng mức đầu tư 30 triệu USD. Đây sẽ là một bản sao của nhà máy mà ông đã mở ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc hồi tháng trước.
SỨC ÉP DỊCH CHUYỂN SANG VIỆT NAM
Theo tờ South China Morning Post, quyết định của Strategy Sports được đưa ra sau thời gian dài cân nhắc và nguyên nhân không phải là lo ngại về năng lực sản xuất. Ông Cheng cho biết Strategy Sports đang có rất nhiều thứ ở Trung Quốc - nơi nhà máy tự động hóa đầu tiên của công ty đã đi vào hoạt động cách đây 2 năm và công suất được tăng thêm hàng triệu mũ bảo hiểm mỗi năm.
Thay vào đó, việc dịch chuyển bắt nguồn từ nỗ lực mang tính chiến lược nhằm phòng ngừa rủi ro chính trị đang ngày càng gia tăng và giữ chân các khách hàng phương Tây. Theo ông Cheng, nhiều khách hàng nước ngoài của công ty ngày càng tỏ ra lo lắng và thận trọng hơn về chuỗi cung ứng, và muốn phòng ngừa rủi ro bằng cách tìm kiếm nguồn cung từ nhiều quốc gia khác bên ngoài Trung Quốc.
“Nếu chỉ xét về vấn đề năng lực sản xuất thì chúng tôi sẽ không phải xây nhà máy mới ở Việt Nam. Nhưng ở góc độ địa chính trị, chúng tôi buộc phải làm vậy”, ông Cheng giải thích. “Các khách hàng Mỹ đã thúc giục chúng tôi dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam. Và vì họ cam kết sẽ đặt đơn hàng từ Việt Nam, nên chúng tôi quyết định đến nước này”.
Hiện tại, Strategic Sports đang có hơn 4.200 lao động với hơn 10 cơ sở sản xuất trải khắp châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ. Theo số liệu kinh doanh gần đây nhất, công ty này đạt doanh thu 210 triệu USD trong năm 2021. Công ty sở hữu 40 dây chuyền sản xuất mũ bảo hiểm dùng cho mọi mục tích từ thể thao, an ninh cho tới xây dựng.
Tuy nhiên, kể cả khi có kế hoạch mở rộng sản xuất sang quốc gia khác, Cheng cho biết ông không có ý định bỏ Trung Quốc. Ngược lại, kể cả khi việc mở cửa nhà máy ở Quảng Đông bị trì hoãn gần 2 năm do các biện pháp phòng chống dịch, cơ sở này vẫn là một bánh răng quan trọng trong cỗ máy sản xuất của công ty. Ông chọn Quảng Đông bởi trung tâm sản xuất này đã hình thành các cụm công nghiệp phức tạp trong nhiều thập kỷ qua.
Nhưng thực tế cho thấy chỉ phụ thuộc vào hoạt động sản xuất ở Trung Quốc không còn được xem là giải pháp an toàn nhất đối với các nhà sản xuất. Bởi vị thế là “công xưởng của thế giới” của Trung Quốc không còn mạnh như trước đây. Cùng với nỗi lo về vấn đề địa chính trị, mối quan ngại rằng Trung Quốc đang đối mặt một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học khiến các doanh nghiệp ở đây gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động có tay nghề.
Tại Việt Nam, nhà máy đang dự kiến xây dựng của ông Cheng sẽ được tự động hóa ở mức độ cao, cho phép 400 công nhân có thể sản xuất được khoảng 8 triệu mũ bảo hiểm mỗi năm. Nhà máy này cũng sử dụng năng lượng xanh với tấm năng lượng mặt trời và hệ thống tái chế nước mưa.
Dù nhà máy ở Quảng Châu của Cheng chủ yếu đáp ứng các đơn hàng của khách hàng châu Âu, ông thừa nhận rằng các khách hàng này đang quan tâm tới việc đặt hàng từ nhà máy ở Việt Nam trong tương lai, nhằm vận chuyển sang các thị trường ở châu Âu và một số thị trường Đông Nam Á khác.
QUYẾT ĐỊNH ĐỂ TỒN TẠI
Trong bối cảnh ngày càng nhiều doanh nghiệp, gồm cả doanh nghiệp Trung Quốc, dịch chuyển sản xuất để đa dạng hóa hoạt động và giảm phụ thuộc vào "công xưởng thế giới", một số nhà phân tích đã lên tiếng cảnh báo về tác động của xu hướng này với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Nhiều người kêu gọi Bắc Kinh có biện pháp để giữ chân các doanh nghiệp nước ngoài hàng đầu giữ xu hướng này, đồng thời thúc giục các doanh nghiệp Trung Quốc nâng cấp chuỗi cung ứng công nghiệp của mình.
Trên thực tế, các nhà chức trách Trung Quốc cũng có nhiều động thái nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc vẫn giảm trong 4 tháng đầu năm nay. Bên cạnh đó, những vụ điều tra và lục soát với các công ty tư vấn nước ngoài của Bắc Kinh càng khiến doanh nghiệp nước ngoài đẩy nhanh việc đánh giá lại những rủi ro liên quan tới việc hoạt động ở Trung Quốc.
"Nhiều công ty Trung Quốc sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất ra nước ngoài để tồn tại. Xu hướng này sẽ không dừng lại”.
Liu Kaimin, giám đốc Viện Quan sát Đương đại (Thẩm Quyến, Trung Quốc)
“Một khi các doanh nghiệp đã rời đi thì họ sẽ không trở lại nữa”, ông Liu Kaimin - giám đốc Viện Quan sát Đương đại có trụ sở tại Thẩm Quyến, cơ quan theo dõi điều kiện làm việc của các nhà sản xuất theo hợp đồng Trung Quốc, nhận xét. “Nhiều công ty Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất ra nước ngoài để tồn tại. Xu hướng này sẽ không dừng lại”.
Ông Liu cho biết hoạt động tái xuất khẩu của Trung Quốc sang các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hai năm qua đã tăng đáng kể, chủ yếu là xuất khẩu vật liệu thô. Những mặt hàng này đang ngày càng được sản xuất nhiều tại Việt Nam và các thị trường mới nổi khác.
Tháng trước, ông Raymond Yow, một thương nhân Mỹ chuyên nhập khẩu các sản phẩm như đồ trang trí gia đình, tấm xi măng, tấm pin mặt trời và đèn LED cho các nhà bán lẻ Mỹ, đã tham dự Hội chợ Canton ở Quảng Châu, xem xét sản phẩm mới và gặp gỡ các nhà sản xuất. Tuy nhiên, ông cũng có kế hoạch đến Việt Nam và Indonesia để tìm kiếm nguồn cung ứng mới tiềm năng và giá rẻ hơn.
Yow đã nghĩ về việc nhập khẩu hàng hóa từ Indonesia - nơi có nguồn gỗ dồi dào và giá thành rẻ. Tuy nhiên, trong bối cảnh người tiêu dùng nước ngoài ngày càng phản đối sản phẩm do Trung Quốc sản xuất, đặc biệt ở khu vực miền Trung nước Mỹ, đã gây áp lực lên các khách hàng của ông và khiến ông có thêm động lực để hành động.
“Khách hàng yêu cầu chúng tôi thay thế hàng hóa sản xuất ở Trung Quốc nêu có thể”, ông cho biết.
Ông Yow nhấn mạnh rằng so với Đông Nam Á, hoạt động ở Trung Quốc vẫn có “những lợi thế không gì so sánh được”, như sự thuận tiện của hoạt động thương mại điện tử, mạng lưới hậu cần hiệu qủa và chuỗi cung ứng công nghiệp phức tạp. Nhưng do những áp lực từ bên ngoài, ông phải tìm kiếm các lựa chọn để đa dạng hóa, kể cả khi việc này đồng nghĩa với sẽ mất nhiều công sức hơn.
Ông Wang Gang, chủ một công ty sản xuất máy làm mát nhiệt điện ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, cũng đang phải đối mặt tình thế khó khăn do những thách thức địa chính trị.
“Vào năm 2017 và 2018, lần đầu tiên chúng tôi cảm nhận được sự phân biệt đối xử đối với hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc, khi các khách hàng châu Âu không muốn dán nhãn lên hàng hóa 'sản xuất tại Trung Quốc' vì chúng thường bị coi là rẻ tiền, thấp cấp, và điều này có thể làm tổn hại đến hình ảnh công ty của họ”, ông Wang nhớ lại.
Bộ làm mát nhiệt điện của công ty ông Wang, được dùng trong tủ viễn thông, sau đó bị nhiều thị trường phương Tây, đặc biệt là Mỹ, từ chối do lo ngại về an ninh quốc gia. “Một trong những khách hàng quan trọng nhất của chúng tôi tại thị trường Mỹ nói rằng họ không muốn mua bất cứ thứ gì sản xuất tại Trung Quốc”, ông nói. Nhưng khi đó, Wang không có kế hoạch chuyển sang Đông Nam Á, vì việc này không thực tế với một doanh nghiệp nhỏ như của ông.
Tuy nhiên, đây hiện lại là thực tế mà nhiều nhà xuất khẩu của Trung Quốc phải đối mặt. Khách hàng Mỹ đang ủng hộ các quốc gia châu Á khác và điều này xảy ra trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu yếu kém và căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và phương Tây, đặc biệt là Mỹ.
Theo một giám đốc doanh nghiệp ở Đại Loan đang có nhà máy ở cả Trung Quốc và các nước láng giềng, sự hiệu quả trong dây chuyền sản xuất và hậu cần - những thứ Trung Quốc từng dùng để củng cố vị thế thống trị trong chuỗi cung ứng của mình - đang ngày càng bị lu mở bởi nhu cầu cấp thiết hơn. Đó là phòng ngừa những gián đoạn đột ngột do xung đột địa chính trị như chiến tranh ở Ukraine.
“Khi đa dạng hóa chuỗi cung ứng, các thương hiệu toàn cầu ưu tiên việc phân bổ đơn hàng. Và trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu quá yếu, trước tiên chúng tôi tiếp tục duy trì hoạt động ở Việt Nam, sau đó tăng sản xuất ở Ấn Độ. Việc sản xuất tại các nhà máy ở Trung Quốc sẽ được cân nhắc cuối cùng do căng thẳng Mỹ-Trung”, vị giám đốc giấu tên cho biết.