Lào Cai đặt mục tiêu 100% các cụm công nghiệp mới sẽ được đầu tư hệ thống xử lý nước thải
Theo Kế hạch số 358 của UBND tỉnh Lào Cai, địa phương này đặt mục tiêu đến năm 2030, 100% các cụm công nghiệp mới sẽ được đầu tư đồng bộ hệ thống nước thải…
Theo kế hoạch, đến năm 2025, mỗi huyện, thị xã, thành phố của Lào Cai có tối thiểu 01 cụm công nghiệp mới, đồng bộ với phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật và phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và nông nghiệp, nông thôn.
Lào Cai cũng ưu tiên mời gọi, thu hút đầu tư, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu, cụm công nghiệp và thu hút đầu tư vào khu, cụm công nghiệp lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chế tạo linh kiện, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, bảo quản, chế biến nông sản, công nghệ xanh, sạch, thân thiện môi trường, công nghiệp chế biến…
Đến năm 2030, thực hiện duy trì hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và ổn định sản xuất kinh doanh của các cơ sở hiện có, không đầu tư mới hay mở rộng các dự án đầu tư tại Khu Công nghiệp Bắc Duyên Hải. (Sau năm 2025, di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp về các khu công nghiệp mới thành lập).
Tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sử dụng đất các khu công nghiệp, tập trung thu hút đầu tư lấp đầy 100% diện tích: Khu công nghiệp Đông Phố Mới (thành phố Lào Cai), Khu công nghiệp Tằng Loỏng (Bảo Thắng) và Khu công nghiệp Bản Qua (Bát Xát); Đầu tư hình thành 03 khu công nghiệp mới: Cốc Mỳ - Trịnh Tường (Bát Xát), Võ Lao (Văn Bàn) và Khu công nghiệp Cam Cọn (Bảo Yên).
Đồng thời, tập trung nguồn lực đầu tư hình thành các cụm công nghiệp, đến năm 2025 mỗi huyện, thị xã, thành phố có tối thiểu 01 cụm công nghiệp mới được đầu tư hạ tầng kỹ thuật tương đối đồng bộ và đến năm 2030 có từ 01 đến 02 cụm công nghiệp hoạt động hiệu quả với tổng diện tích 465 ha; 100% các khu, cụm công nghiệp mới hình thành được đầu tư đồng bộ hệ thống xử lý nước thải.
Để đạt được những mục tiêu trên, một số giải pháp đã được Lào Cai đề ra như: Quy hoạch xây dựng, phân khu chức năng đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, cần nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp.
Chú trọng quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp tại các địa phương có điều kiện thuận lợi như: Thành phố Lào Cai, huyện Bát Xát, huyện Bảo Thắng, huyện Văn Bàn và huyện Bắc Hà. Quy hoạch phát triển khu, cụm công nghiệp phù hợp với tình hình thực tế và phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của từng năm và từng thời kỳ.
Trong quá trình xây dựng, thành lập các khu, cụm công nghiệp cần tính đến yếu tố kết nối giữa các đơn vị sản xuất, kinh doanh trong khu, cụm công nghiệp và kết nối giữa các khu, cụm công nghiệp với nhau theo chuỗi cung ứng để giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến phát triển.
Bên cạnh đó, còn có một số giải pháp về đào tạo, phát triển nguồn lực lao động; giải pháp về cơ chế, chính sách; giải pháp về khoa học công nghệ, tái tạo môi trường xanh; tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp để có sự đồng thuận, hỗ trợ; lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu, cụm công nghiệp;… Trong đó, đối với giải pháp về khoa học công nghệ, tái tạo môi trường xanh, ưu tiên các dự án đầu tư sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện môi trường.
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp công nghiệp tiếp cận và đổi mới công nghệ, từng bước thay thế dần các công nghệ, thiết bị lạc hậu, bằng các công nghệ mới và thiết bị hiện đại; Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng công nghiệp theo chiều sâu, ưu tiên khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ, phát triển các sản phẩm công nghiệp sử dụng công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, có khả năng tạo ra giá trị kinh tế cao, đóng góp lớn cho GRDP của tỉnh.