15:11 21/05/2024

Lao động giúp việc gia đình tại Hà Nội được trả lương cao hơn lương tối thiểu vùng

Nhật Dương

Hiện người lao động giúp việc gia đình tại Hà Nội được trả lương cao hơn mức lương tối thiểu vùng nơi làm việc, dao động từ 5 - 7 triệu đồng/tháng, theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thông tin về tình hình thực hiện quy định pháp luật về lao động giúp việc gia đình, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội, cho biết hiện nay trên địa bàn thành phố có hơn 13.710 hộ gia đình sử dụng trên 13.780 lao động giúp việc gia đình.

Số lao động giúp việc gia đình tăng trong những năm gần đây, chủ yếu làm các nghề như: Quản gia, nội trợ, chăm sóc người già, chăm sóc trẻ em, chăm sóc người bệnh, lái xe, làm vườn...

Phần lớn người giúp việc là lao động nữ và chủ yếu ở cùng gia đình người sử dụng lao động, số này chiếm khoảng 80%. Số lao động giúp việc trên 18 tuổi chiếm hơn 95% tổng số lao động giúp việc gia đình.

Người sử dụng lao động trả tiền lương giúp việc gia đình cao hơn mức lương tối thiểu vùng nơi người lao động làm việc, dao động từ 5 - 7 triệu đồng/tháng.

Theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội, hiện các doanh nghiệp trên địa bàn đang áp dụng mức lương tối thiểu tháng theo 2 vùng, dao động từ 4,16 - 4,68 triệu đồng. Dự kiến từ ngày 1/7 tới, mức lương tối thiểu vùng ở Hà Nội đối với vùng I sẽ tăng lên 4,96 triệu đồng/tháng; vùng II là 4,41 triệu đồng/tháng.

Hiện đa phần người lao động giúp việc gia đình được người sử dụng lao động thưởng tháng lương thứ 13 vào dịp Tết Nguyên đán. Họ cũng được bố trí chỗ ăn ở, trả tiền tàu xe đi đường khi thôi việc về nơi cư trú, theo như thỏa thuận trước đó của người sử dụng lao động.

Điều 162 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, người sử dụng lao động phải thực hiện giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với lao động là người giúp việc gia đình.

Thời hạn của hợp đồng lao động đối với lao động là người giúp việc gia đình do hai bên thỏa thuận. Một bên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động bất kỳ khi nào nhưng phải báo trước ít nhất 15 ngày.

Hai bên thỏa thuận trong hợp đồng lao động về hình thức trả lương, kỳ hạn trả lương, thời giờ làm việc hằng ngày, chỗ ở.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay số lao động giúp việc gia đình thực hiện giao kết hợp đồng bằng văn bản chiếm tỷ lệ tương đối thấp (hơn 31%), chủ yếu giao kết bằng lời nói.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, người sử dụng lao động phải trả cho người giúp việc gia đình khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, để người lao động chủ động tham gia hai chính sách này. Mặc dù vậy, đa phần người lao động giúp việc gia đình không tham gia bảo hiểm xã hội, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế cũng còn thấp.

Trên địa bàn TP. Hà Nội trong những năm qua không ghi nhận trường hợp vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật như: Ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động, dùng vũ lực đối với lao động, giao việc ngoài hợp đồng, giữ giấy tờ tùy thân của người lao động...

Theo đánh giá của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội, trong những năm vừa qua, công việc giúp việc gia đình trên địa bàn thành phố đã phát triển hơn cả về số lượng và chất lượng. Nhìn chung, người lao động đã định hình rõ ràng hơn về nghề giúp việc gia đình, qua đó giúp họ tự tin, gắn bó với nghề hơn.

Đa phần người lao động đã thực hiện tốt thỏa thuận trong hợp đồng lao động cũng như tuân thủ thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi. Người lao động giúp việc gia đình thỏa thuận với người sử dụng lao động, nếu làm thêm ngày Chủ Nhật thì người sử dụng lao động trả thêm tiền lương, ngày lễ, Tết, đảm bảo theo quy định của pháp luật.

Người lao động cũng thỏa thuận không nghỉ hàng tuần mà dồn ngày nghỉ mỗi khi gia đình có đám giỗ, cưới xin hoặc các việc riêng khác để về quê…

Bộ luật Lao động 2019 quy định lao động là người giúp việc gia đình là người lao động làm thường xuyên các công việc trong gia đình của một, hoặc nhiều hộ gia đình.

Các công việc trong gia đình bao gồm công việc nội trợ, quản gia, chăm sóc trẻ em, chăm sóc người bệnh, chăm sóc người già, lái xe, làm vườn và các công việc khác cho hộ gia đình, nhưng không liên quan đến hoạt động thương mại.

Lao động giúp việc gia đình đang trở lên phổ biến và phát triển mạnh mẽ do nhu cầu thị trường tăng cao, được pháp luật thừa nhận là một nghề, và người lao động được bảo đảm các quyền, lợi ích bình đẳng như các lao động khác.

 

Theo Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), năm 2011, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã thông qua Công ước số 189 về việc làm bền vững đối với lao động giúp việc gia đình, và Khuyến nghị số 201 về lao động giúp việc gia đình. Đây là những tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên được áp dụng riêng đối với lao động giúp việc gia đình.

Tại Việt Nam, lao động giúp việc gia đình xuất hiện từ rất sớm, nhưng đến năm 1994 mới được thừa nhận, và được quy định trong Bộ luật Lao động. Đến Bộ luật Lao động năm 2012, các quy định về lao động giúp việc gia đình đã được cụ thể và đầy đủ, tạo ra hàng rào pháp lý bảo vệ đối với người lao động giúp việc gia đình, đảm bảo cho lao động giúp việc gia đình được hưởng sự bình đẳng về việc làm, tiền lương và điều kiện sinh hoạt.

Đến Bộ luật Lao động năm 2019, cơ bản không có sửa đổi về nội dung, mà chủ yếu điều chỉnh về mặt kỹ thuật đối với các quy định về lao động giúp việc gia đình.