10:47 11/07/2023

Lo bị cấm vận và đóng băng tài sản giống Nga, nhiều ngân hàng trung ương chuyển vàng dự trữ về nước

Ngọc Trang

Theo Financial Times, ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới đang tiến hành chuyển dự trữ vàng vật lý của mình về nước nhằm tránh nguy cơ bị áp đặt các biện pháp cấm vận giống như của Nga đối với tài sản ở nước ngoài...

các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã mua vào lượng vàng kỷ lục trong năm 2022 và quý 1/2023 - Ảnh: Getty Images
các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã mua vào lượng vàng kỷ lục trong năm 2022 và quý 1/2023 - Ảnh: Getty Images

Các ngân hàng trung ương đang có xu hướng lưu trữ vàng ở trong nước giữ lúc căng thẳng toàn cầu gia tăng. Theo một khảo sát của công ty quản lý tài sản Invesco, 68% ngân hàng trung ương hiện giữ vàng dự trữ vàng ở trong nước, tăng 50% so với thời điểm năm 2020. Invesco dự báo trong 5 năm tới, con số này sẽ tăng lên 74%.  

Khảo sát của Invesco được thực hiện với 57 ngân hàng trung ương và 85 quỹ đầu tư quốc gia đang quản lý tổng giá trị tài sản khoảng 21.000 tỷ USD.

Bên cạnh đó, các nước cũng đồng thời tăng cường mua vàng như một “kênh trú ẩn” trong bối cảnh lạm phát cao. Khảo sát của Invesco cho thấy, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã mua vào lượng vàng kỷ lục trong năm 2022 và quý 1/2023. Trong đó, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ chiếm gần 20%.

 

Nhiều quỹ đầu tư quốc gia cũng đang “lo ngại” về tiền lệ trừng phạt đang được áp đặt với tài sản của Nga ở nước ngoài. 96% quỹ tham gia khảo sát nói sẽ tiếp tục đầu tư vào vàng như một kênh trú ẩn an toàn.

Do lo ngại về việc Mỹ cũng như các nước phương Tây đóng băng tài sản của Nga ở nước ngoài nhằm phản ứng với cuộc chiến ở Ukraine, nhiều ngân hàng trung ương đã chọn các mua vàng vật lý hơn là các sản phẩm phái sinh và quỹ ETF theo dõi giá vàng.

“Cho tới thời điểm này của năm nay, các ngân hàng trung ương vẫn sẵn sàng mua hoặc bán vàng thông qua các quỹ ETF vàng và hợp đồng hoán đổi vàng”, ông Rod Ringrow, giám đốc phụ trách đầu tư tổ chức của Invesco, cho biết. “Tuy nhiên, năm nay lượng mua vàng vật lý sẽ tăng lên rất nhiều và các ngân hàng trung ương muốn giữ vàng ở trong nước hơn là ở nước ngoài. Một phần nguyên nhân là phản ứng với việc dự trữ tài sản ở nước ngoài của Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) bị đóng băng”.

Ngay sau khi Moscow phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine vào cuối tháng 2/2022, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và các quốc gia thuộc nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) thông báo sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với CBR, khiến cơ quan này không thể tiếp cận khối tài sản dự trữ trị giá khoảng 300 tỷ USD ở nước ngoài. EU giờ đây đang cân nhắc các lựa chọn pháp lý nhằm sử dụng khối tài sản này vào việc tái thiết Ukraine sau chiến tranh.

Theo khảo sát của Invesco, nhiều quỹ đầu tư quốc gia cũng đang “lo ngại” về tiền lệ trừng phạt đang được áp đặt với tài sản của Nga ở nước ngoài. 96% quỹ tham gia khảo sát nói sẽ tiếp tục đầu tư vào vàng như một kênh trú ẩn an toàn.

“Chúng tôi đã tăng mua vàng từ 8-10 năm trước và giữ ở London (Anh), sử dụng số vàng này cho các hợp đồng hoán đổi và thu lợi nhuận”, quan chức một ngân hàng trung ương của một nước phương Tây nói với Invesco. “Nhưng giờ đây chúng tôi đang chuyển vàng về nước nhằm đảm bảo an toàn. Số vàng này giờ đây đóng vai trò như một tài sản trú ẩn an toàn”.

Theo một nghiên cứu của Hội đồng vàng thế giới (WGC), nhu cầu vàng toàn cầu năm 2022 tăng lên mức cao nhất 11 năm với 4.741 tấn, tăng từ 3.678 tấn của năm 2020, chủ yếu do lượng mua tăng lên từ các ngân hàng trung ương. Tuy nhiên, trong khi nhu cầu vàng vật lý tăng lên, các quỹ ETF vàng chứng kiến dòng tiền chảy ra tương đương gần 300 tấn vàng trong năm 2021 và 2022.

Việc các ngân hàng trung ương tăng cường mua vào là động lực chính thúc đẩy giá vàng. Đơn vị tính: USD/ounce. Nguồn: Refinitiv/Financial Times
Việc các ngân hàng trung ương tăng cường mua vào là động lực chính thúc đẩy giá vàng. Đơn vị tính: USD/ounce. Nguồn: Refinitiv/Financial Times

Ngoài Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, các quốc gia cũng tăng đáng kể lượng vàng vật lý mua vào trong năm ngoái còn có Singapore, Ấn Độ và các ngân hàng trung ương ở Trung Đông.

Các ngân hàng trung ương mua lượng vàng kỷ lục trong năm 2022 đã góp phần giúp giá kim loại này tăng, dù những tuần gần đây đã giảm về mức khoảng hơn 1.900 USD/ounce do dự báo lãi suất cao ở Mỹ sẽ được duy trì trong thời gian lâu hơn. 

Lượng mua vàng ròng của các ngân hàng trung ương được dự báo sẽ giảm xuống trong năm nay. Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí đã bán ra nhiều hơn mua vào. Ngân hàng trung ương nước này phải cung ứng vàng ra thị trường để đáp ứng nhu cầu nội địa trong nước khi mà người dân đổ xô mua vàng thỏi để bảo vệ tiền tiết kiệm trong bối cảnh đồng Lira giao dịch ở mức thấp nhất lịch sử hồi tháng 5.

Vào thời điểm đầu tháng 6, lượng vàng dự trữ của các ngân hàng trung ương trên thế giới tại Anh - một trong những trung tâm lưu trữ vàng lớn của các ngân hàng trung ương toàn cầu - đã giảm 12% so với mức đỉnh năm 2021, xuống còn 164 triệu ounce.

Sức hấp dẫn của việc giữ vàng tại các trung tâm thanh khoản lớn như London cũng giảm đi khi hoạt động bảo hiểm rủi ro của các công ty khai thác vàng đạt đỉnh vào đầu những năm 2000 và từ đó đến nay đã giảm xuống. Việc này khiến các ngân hàng trung ương kiếm lời ít hơn từ việc giao dịch hợp đồng hoán đổi vàng thỏi lưu trữ ở nước ngoài.