19:17 22/07/2021

Luật phát triển công nghiệp cần cụ thể và đột phá hơn

Mạnh Đức

Việc xây dựng một khung khổ pháp lý đầy đủ và phù hợp để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp, lĩnh vực đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế là một nhu cầu rất lớn từ thực tiễn phát triển. Tuy nhiên, dự thảo được xây dựng cần khắc phục thực tế là một số chính sách, đạo luật hỗ trợ doanh nghiệp trước đây chậm hay khó đi vào cuộc sống…

Luật Phát triển công nghiệp sẽ không tập trung vào các hoạt động quản lý hành chính nhà nước và điều kiện đầu tư kinh doanh.
Luật Phát triển công nghiệp sẽ không tập trung vào các hoạt động quản lý hành chính nhà nước và điều kiện đầu tư kinh doanh.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa phản hồi đề nghị xây dựng Luật Phát triển công nghiệp của Bộ Công Thương.

Theo đó, VCCI hoàn toàn ủng hộ việc xây dựng một khung khổ pháp lý đầy đủ và phù hợp để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp, lĩnh vực đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế đất nước. Đây cũng là một nhu cầu rất lớn từ thực tiễn phát triển.

CHÍNH SÁCH PHẢI SÁT HƠN VỚI THỰC TIỄN

Những chính sách dự kiến như đề án hiện nay dù rất quan trọng, chuẩn bị công phu và rất đáng xem xét nhưng VCCI cho rằng luật lần này cần có thêm nhiều chính sách mới, cụ thể và đột phá hơn nữa. Đồng thời, cần khắc phục được thực tế một số chính sách, đạo luật hỗ trợ doanh nghiệp trước đây chậm hay khó đi được vào cuộc sống.

Chẳng hạn như các chính sách nặng về tuyên ngôn, thiếu các chế định cụ thể để áp dụng trực tiếp, doanh nghiệp và người dân có thể thụ hưởng được ngay. 

 
Nhiều chính sách thường chỉ mang tính nguyên tắc và việc thực hiện chính sách phụ thuộc rất lớn vào thiện chí của bộ ngành hoặc tuỳ thuộc vào sự quan tâm và nguồn lực của các chính quyền địa phương. Thiết kế chính sách nhưng không bố trí và dự kiến nguồn lực thực hiện phù hợp dẫn đến tình trạng chính sách không khả thi, không được thực hiện trên thực tế…

VCCI cho rằng, khung khổ chính sách mới về công nghiệp trong đạo luật này cần được hình thành dựa trên những điều tra, đánh giá nhu cầu thực tế phát triển công nghiệp hiện nay, nhất là nhu cầu của các doanh nghiệp tư nhân trong nước trong nhiều ngành nghề công nghiệp quan trọng và tiềm năng của Việt Nam, chú ý đặc biệt tới các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ.

Chẳng hạn nhu cầu về các chính sách về đất đai, mặt bằng kinh doanh để phát triển công nghiệp; chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện tiếp cận vốn cho các dự án công nghiệp; chính sách ưu đãi về tài chính cho các dự án công nghiệp; chính sách khuyến khích ứng dụng và đổi mới công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp; chính sách ưu đãi doanh nghiệp nội địa, doanh nghiệp nhỏ công nghiệp trong đấu thầu, mua sắm công…

Rà soát toàn diện về khung khổ pháp lý và sự vận hành của các thiết chế thúc đẩy ngành công nghiệp, các điểm mạnh, các hạn chế tồn tại của hệ sinh thái phát triển công nghiệp hiện nay.

Các chính sách như chính sách phát triển các khu, cụm công nghiệp; chính sách phát triển khoa học công nghệ về công nghiệp; chính sách nhân lực cho công nghiệp, chính sách đất đai cho công nghiệp. Cần tiến hành rà soát các khó khăn vướng mắc và đề xuất nhóm giải pháp tổng thể gắn với quá trình xây dựng luật.

Theo VCCI, cơ quan soạn thảo cũng cần tham khảo những bài học kinh nghiệm trong xây dựng các chính sách công nghiệp của các quốc gia và vùng lãnh thổ khu vực Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan…

Đồng thời, rà soát khung khổ cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại đã ký với các quốc gia khác để đánh giá được không gian ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp. Cùng với đó, tổng kết các bài học thành công và kinh nghiệm thất bại của các chính sách hỗ trợ mà Việt Nam đã ban hành trước đây.

 CẦN LUẬT RIÊNG ĐỂ PHÁT TRIỂN

Trước đó, trong Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Phát triển công nghiệp gửi tới Chính phủ, Bộ Công Thương nêu rõ, mục tiêu xây dựng Luật là nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị.

Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý để Nhà nước xây dựng và triển khai có hiệu quả các định hướng, chương trình phát triển công nghiệp nhằm cụ thể hóa đường lối của Đảng về phát triển kinh tế; xây dựng mô hình quản lý nhà nước thống nhất và đủ mạnh về phát triển công nghiệp cũng như khắc phục các điểm yếu nội tại của công nghiệp Việt Nam.

 
Khác với các đạo luật về các ngành công nghiệp hiện tại (như các ngành điện lực, dầu khí, khoáng sản, hóa chất), Luật Phát triển công nghiệp (điều chỉnh các hoạt động phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo) sẽ không tập trung vào các hoạt động quản lý hành chính nhà nước và điều kiện đầu tư kinh doanh.

 Luật Phát triển công nghiệp sẽ tập trung vào việc thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên cơ sở tạo cơ chế, môi trường hấp dẫn để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào công nghiệp, nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp, phát triển liên kết công nghiệp và kinh tế vùng – địa phương.

Đồng thời xây dựng mô hình và cơ chế quản lý công nghiệp phù hợp trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Các nội dung của Luật sẽ bám sát chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển công nghiệp, đặc biệt là Nghị quyết số 23-NQ/TW về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, là cơ sở để Chính phủ triển khai các chiến lược, chương trình phát triển công nghiệp theo từng thời kỳ.

Về phạm vi điều chỉnh, Luật phát triển công nghiệp quy định về các chính sách, hoạt động phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam. Riêng các ngành khai khoáng; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.

Định hướng tái cơ cấu lớn của công nghiệp Việt Nam theo chủ trương của Đảng và Chính phủ luôn là giảm tỷ trọng ngành khai khoáng và các ngành khác, gia tăng tỷ trọng của công nghiệp chế biến, chế tạo trong công nghiệp và nền kinh tế. 

 
Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng năm 2021 cũng đã đề ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%.

Theo Bộ Công Thương, cho đến nay, trong khi hầu hết các phân ngành công nghiệp đã có Luật riêng để điều chỉnh như Luật điện lực, Luật Khoáng sản, Luật Dầu khí..., thì các hoạt động trong ngành chế biến, chế tạo lại chưa có luật riêng.

Chính vì chưa có luật riêng nên đã dẫn đến thiếu một khuôn khổ, hành lang pháp lý cho việc quản lý và triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, định hướng phát triển ngành một cách đồng bộ từ trung ương đến địa phương và giữa các bộ, ngành liên quan, từ đó chưa thể chế hóa hiệu quả các chủ trương, đường lối về phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung.

Ngoài ra, việc quản lý phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo gián tiếp thông qua các pháp luật chuyên ngành khác (đặc biệt là hệ thống pháp luật về thuế, đầu tư, đất đai...) tạo ra sự không thống nhất, chồng chéo trong quá trình áp dụng, và đặc biệt là không có các cơ chế hỗ trợ đặc thù riêng cho các ngành công nghiệp để khuyến khích phát triển.

Do đó, Luật Phát triển công nghiệp cần tạo ra hành lang pháp lý để Chính phủ có thể quy phạm hóa các chiến lược, chương trình phát triển công nghiệp quốc gia trong từng giai đoạn, qua đó bố trí nguồn lực phù hợp và ràng buộc các chủ thể quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương để thực thi đồng bộ các chính sách phát triển công nghiệp.