Lực xả tăng đột biến, khối ngoại bán ròng 900 tỷ, VN-Index mất ngưỡng 1.120 điểm
Thị trường đột ngột chịu áp lực gia tăng bất ngờ trong phiên chiều, đặc biệt là từ giao dịch của khối ngoại. Có vẻ các quỹ đang tăng cường xả với tổng mức bán ròng trên HoSE lên tới 906,7 tỷ đồng, trong đó hơn 792 tỷ là xả cổ phiếu. Đây chưa phải là mức bán quá đột biến, nhưng trong bối cảnh dòng tiền đang kém, sức ép này đã khiến thị trường khá hoảng loạn...
Thị trường đột ngột chịu áp lực gia tăng bất ngờ trong phiên chiều, đặc biệt là từ giao dịch của khối ngoại. Có vẻ các quỹ đang tăng cường xả với tổng mức bán ròng trên HoSE lên tới 906,7 tỷ đồng, trong đó hơn 792 tỷ là xả cổ phiếu. Đây chưa phải là mức bán quá đột biến, nhưng trong bối cảnh dòng tiền đang kém, sức ép này đã khiến thị trường khá hoảng loạn.
VN-Index kết phiên giảm 1,19% tương đương -13,43 điểm so với tham chiếu, trong khi chốt buổi sáng mới giảm 0,31% (-3,48 điểm). Độ rộng cực kỳ kém, chỉ còn 89 mã tăng/448 mã giảm. Trong số giảm có tới 174 mã giảm trên 1%, bao gồm 90 mã giảm trên 2%.
Tính riêng chiều nay, nhà đầu tư nước ngoài bán ra tổng cộng 1.117,2 tỷ đồng giá trị cổ phiếu trên HoSE, trong khi mua vào 651,7 tỷ đồng, tương ứng bán ròng 519,5 tỷ. Phiên sáng khối này mới bán ròng 387,2 tỷ. Tính chung cả ngày, khối ngoại bán ròng trên HoSE 906,7 tỷ, mua ròng HNX 61,5 tỷ và bán ròng trên UpCOM gần 13 tỷ. Đây chưa phải là phiên bán quá đột biến, vì ngay tuần trước riêng cổ phiếu HoSE đã có ngày bán trên 1.300 tỷ. Tuy nhiên phiên đó (5/12) VN-Index chỉ giảm nhẹ 4,5 điểm.
Chiều nay lực bán cũng bình thường, nhưng do cầu rút lui quá sâu nên giá lao dốc nhanh. Đặc biệt điểm số chịu ảnh hưởng quá nhiều từ các trụ, VN30-Index bốc gơi 1,28% so với tham chiếu, còn mạnh hơn cả VN-Index. HPG giảm 2,15%, GAS giảm 1,66%, VNM giảm 1,73%, VPB giảm 1,29%, FPT giảm 1,65% là các cổ phiếu yếu nhất trong nhóm 10 trụ vốn hóa hàng đầu. Khá may mắn là 4 mã vốn hóa lớn nhất giảm nhẹ hơn: VCB giảm 0,59%, BID giảm 0,72%, VHM giảm 0,73%, VIC giảm 0,79%.
Các trụ này chống chọi khá tốt trước sức ép bán ra buổi chiều, chẳng hạn BID thực tế còn tăng giá nhẹ 0,12% so với mức chốt buổi sáng. VCB chỉ tụt thêm 0,48% so với buổi sáng, VIC đứng im. So với các nhóm cổ phiếu khác, các blue-chips vẫn khá hơn: Midcap giảm 1,48%, Smallcap giảm 1,16%. Rổ VN30 đóng góp 17 mã giảm hơn 1% trong tổng số 174 mã sàn này.
Sức ép của bên bán là quá rõ khi VN-Index có 40 cổ phiếu khớp lệnh vượt 100 tỷ đồng thì chỉ có 6 mã tăng, còn lại là giảm. 40 cổ phiếu này chiếm 74% tổng giá trị khớp của sàn HoSE, phản ánh khá chính xác giao dịch ở nhóm tập trung vốn cao nhất. Trong nhóm này cũng có tới 17 mã giảm trên 2% và 12 mã giảm trong biên độ 1% tới 2%. Rõ ràng phải có lực bán mạnh mới đẩy dao động rộng như vậy theo hướng giảm đi kèm với thanh khoản rất cao.
Tính riêng phiên chiều HoSE cũng tăng giao dịch 63% so với phiên sáng đạt 10.040 tỷ đồng. VN30 tăng giao dịch 53% đạt gần 3.458 tỷ đồng. Do các lệnh mua lùi xuống quá sâu nên thanh khoản cũng không đột biến, hai sàn cả ngày chỉ giao dịch được 18.026 tỷ đồng chưa tính thỏa thuận. Dù vậy toàn bộ 3 sàn cũng chỉ có 14 mã giảm hết biên độ, không phải là một kết quả thường thấy ở phiên bán tháo.
VN-Index chốt phiên hôm nay chỉ còn 1.114,2 điểm, phát tín hiệu khá nguy hiểm khi không thể vượt qua đỉnh cao cũ trong tháng 11 mà lại xuất hiện một ngày điều chỉnh khá mạnh. Dù vậy tuần này có nhiễu động của hoạt động tái cân bằng quỹ ETF nên áp lực bán tăng. Thông thường các quỹ sẽ mua trở lại tốt hơn ở phiên cuối tuần. Thêm nữa, giao dịch tái cơ cấu cũng sẽ thúc đẩy thanh khoản tăng mạnh, thu hút thêm dòng tiền vào.