09:00 24/05/2022

Mở cửa du lịch: Thủ tục vẫn cản đường ngành lữ hành

Tuệ Mỹ

Khi dịch bệnh Covid được kiểm soát, du lịch được nhiều quốc gia chọn là mũi nhọn để phục hồi kinh tế bởi đây là ngành kinh tế tổng hợp. Cỗ máy du lịch hoạt động sẽ kích hoạt một loạt các ngành khác như hàng không, thương mại, lưu trú, dịch vụ…

Từ khi mở cửa kinh tế trở lại từ cuối năm 2021 và mở cửa du lịch hoàn toàn từ tháng 3 đến nay, nước ta đã tháo gỡ một loạt các rào cản để du lịch có thể tăng tốc nhanh nhất, đặc biệt trong bối cảnh các nước trong khu vực cũng cạnh tranh quyết liệt thu hút khách quốc tế. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp lữ hành, vẫn còn một số “điểm nghẽn” đang cản trở du khách lựa chọn Việt Nam làm điểm đến khi mua tour trở lại.

TRƯỚC MẮT CÒN NHIỀU RÀO CẢN

Từ 0 giờ ngày 15/5, Việt Nam tạm dừng yêu cầu xét nghiệm SARS-CoV-2 trước khi nhập cảnh, xem như “chốt khóa” cuối cùng đã được mở, kỳ vọng giúp du lịch tăng tốc bứt phá. Chia sẻ tại hội thảo “Du lịch Việt Nam - Cơ hội và thách thức hè 2022” do Sở Du lịch TP.HCM tổ chức mới đây, ông Bùi Đức Tuệ, Giám đốc điều hành Travelner, nhận định đến thời điểm này, Việt Nam đã hội tụ đủ điều kiện để du lịch phục hồi và tạo đà phát triển trong thời gian tới. 

Có thể nói, kế hoạch mở cửa du lịch quốc tế đến Việt Nam từ ngày 15/3 là một quyết định mạnh mẽ, kịp thời và đáp ứng đòi hỏi của ngành, nhưng đến nay chúng ta mới đạt được 50% con số ước tính. Các chuyên gia cho rằng một trong những nguyên nhân chủ quan là do các sự kiện truyền thông và xúc tiến, quảng bá của du lịch Việt Nam ở nước ngoài chưa được đẩy mạnh.

Hiện nay, việc truyền thông và cung cấp thông tin cho đối tác quốc tế chủ yếu là các doanh nghiệp tự thực hiện. Trang web www.vietnam.travel - trang chính thức sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh để giới thiệu về du lịch Việt Nam, có các chỉ số phân tích trang web so với các quốc gia cạnh tranh vẫn ở mức thấp.

Đại diện nhiều doanh nghiệp nhận định việc khôi phục hoạt động đưa khách quốc tế vào Việt Nam, đặc biệt là các thị trường xa hiện nay còn chậm do giá thành cao. Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Vietravel cho biết: “Việc tìm kiếm các chuyến bay đến Việt Nam hiện cực kỳ khó khăn. Ví dụ các chuyến từ Mỹ về, hiện tại có 4 chuyến/tuần, bay từ San Francisco, còn lại phải quá cảnh sang Nhật, Hàn. Chính vì vậy, việc đón khách quốc tế vẫn còn khó khăn”. 

Việt Nam đã hội tụ đủ điều kiện để du lịch phục hồi và tạo đà phát triển trong thời gian tới. 
Việt Nam đã hội tụ đủ điều kiện để du lịch phục hồi và tạo đà phát triển trong thời gian tới. 

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Toản, Giám đốc Công ty Du lịch Image Travel chia sẻ, các hãng hàng không hiện vẫn dè dặt nối lại các chuyến bay định kỳ trước đây khiến việc xây dựng tour bị đội giá lên rất cao do không tìm ra được vé máy bay giá tốt. Đó là chưa kể thực trạng hiện nay du khách đi theo tour truyền thống rất ít mà chủ yếu đi tour tự túc.

Thêm vào đó, xu hướng của du khách nước ngoài cũng có sự thay đổi. Thay vì dành nhiều thời gian tại các đô thị lớn, hiện nay, các nhóm chỉ xem đây là điểm trung chuyến vào Việt Nam để từ đó đi về các vùng quê để trải nghiệm như Phong Nha (Quảng Bình), Mèo Vạc, Đồng Văn (Hà Giang), Đầm Chuồn, Phá Tam Giang (Thừa Thiên - Huế)…

Thống kê của Tổng cục Du lịch cho thấy, tính chung 4 tháng đầu năm nay, chúng ta đã đón 102.358 lượt khách du lịch quốc tế. Để đạt được mục tiêu năm 2022 đón trên 5 triệu lượt khách nước ngoài, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) và Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) đặt giả định tỷ lệ phục hồi tăng dần qua các tháng và ước tính sao cho đến tháng 12/2022, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu như dự kiến. Cụ thể, số lượt khách tới từ tháng 3 đến tháng 12 lần lượt như sau: 40.000 - 160.000 - 200.000 - 335.000 - 465.000 - 645.000 - 695.000 - 760.000 - 835.000 - 865.000 lượt.

Mục tiêu đón 5 triệu lượt khách du lịch quốc tế so với năm 2019, đón 18 triệu lượt khách, rõ ràng là khiêm tốn. Tuy nhiên, số lượt khách tới qua các tháng tiếp theo như trên sẽ rất khó đạt được nếu các cơ quan quản lý không nhanh chóng đẩy mạnh quảng bá hình ảnh một “Việt Nam an toàn” trên bình diện quốc tế, đồng hành cùng các doanh nghiệp và sớm triển khai các chương trình xúc tiến, kích cầu du lịch, tạo hiệu ứng tích cực về truyền thông để cạnh tranh thu hút du khách với các nước trong khu vực.

CHÍNH SÁCH THỊ THỰC CẦN CỞI MỞ HƠN

Mở cửa du lịch: Thủ tục vẫn cản đường ngành lữ hành - Ảnh 1

So với những khó khăn trên, ông Nguyễn Hữu Y Yên, Tổng Giám đốc lữ hành Saigontourist, cho rằng chính sách visa chưa hồi phục như trước có thể là rào cản lớn nhất khiến cho quá trình hồi phục của doanh nghiệp bị đứt đoạn. “Chúng tôi đang kỳ vọng hè này sẽ phục hồi khách thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và sang tháng 10 đẩy mạnh đón khách quốc tế. Hiện quá trình chào bán sản phẩm, quảng bá cũng đi theo quy trình này, nhưng nếu vẫn giữ các quy định nhập cảnh hiện nay thì thị trường sẽ khó phục hồi như kỳ vọng”, ông Yên nhìn nhận.

Tương tự, ông Nguyễn Châu Á, Tổng Giám đốc Công ty Oxalis Adventure, cho rằng người nước ngoài muốn vào Việt Nam du lịch hiện nay thì xin e-visa (thị thực điện tử) bắt buộc phải mua chương trình tour thông qua các công ty du lịch nằm trong danh sách được chỉ định. Các công ty này sau đó phát hành thư mời, gần như là “giấy bảo lãnh” thì du khách mới xin được visa. Đây là quy định rất bất cập, bởi nhiều đoàn du khách, đặc biệt là đối tượng khách đi du lịch trải nghiệm, thường không muốn thông qua các công ty lữ hành.

Trong khi đó, ông Bùi Quốc Đại, Phó Giám đốc điều hành Công ty TNHH thương mại và du lịch Anex, cho biết hiện nay thủ tục cấp thị thực điện tử cho khách Nga gặp khó khăn liên quan phí cấp thị thực quy định nộp qua cổng thanh toán điện tử, nhưng việc thanh toán bằng thẻ quốc tế của khách Nga đang bị “đóng băng”.

Ngoài ra, theo ông Đại, Việt Nam cần áp dụng thị thực xuất - nhập cảnh nhiều lần và có giá trị miễn nhiều ngày hơn. “Đa số các nước trong khu vực miễn thị thực cho khách quốc tế từ 30 ngày. Hiện Thái Lan miễn tới 60 ngày với visa du lịch, cho nhập cảnh nhiều lần. Indonesia là 30 ngày và có thể gia hạn trước khi hết hạn”, ông Đại cho biết.

Thay vì đếm lượng khách du lịch, cần tạo ra một môi trường hấp dẫn để khách chi tiêu nhiều nhất.
Thay vì đếm lượng khách du lịch, cần tạo ra một môi trường hấp dẫn để khách chi tiêu nhiều nhất.

Trong đề xuất gửi Thủ tướng Chính phủ cách đây không lâu, Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) đề xuất chính sách thị thực cần cởi mở hơn. Bởi lẽ, tuy Chính phủ đã khôi phục lại chính sách thị thực cho 24 nước như trước khi có dịch xảy ra, song số lượng 24 nước được miễn thị thực là quá ít so với các nước khác trong khu vực. Phần lớn các quốc gia được hưởng chế độ miễn thị thực 15 ngày trong khi thực tế là những du khách từ thị trường xa (châu Âu, Bắc Mỹ, Nga, Australia...) thường đi du lịch Việt Nam trong 18 - 21 ngày.

“Chính sách miễn thị thực là chính sách đầu tiên và quan trọng hàng đầu. Doanh nghiệp mong chính sách thị thực thuận lợi hơn để đón được nhiều khách. Chính sách này còn quan trọng hơn cả chính sách thuế khóa và tài chính”, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký TAB nói.

Cũng theo đơn vị này, cải thiện chính sách miễn thị thực không chỉ thu hút thêm nhiều khách hơn từ các thị trường, mà còn làm tăng doanh thu cho ngành du lịch. Việc dùng số lượng khách để đo mức độ thành công trong ngành du lịch hiện giờ đã không còn phù hợp, thay vào đó cần tạo ra một môi trường hấp dẫn để khách chi tiêu nhiều nhất.