20:58 04/01/2010

Mối lo “chợ đen” trong lòng ngân hàng

Nguyễn Hoài

Không ít ý kiến cho rằng, đang xuất hiện sự thỏa thuận ngầm giữa một số ngân hàng và khách hàng để “qua mặt” cơ quan quản lý

Quan sát trên thị trường hiện nay, hầu hết các ngân hàng thương mại đều đẩy lãi suất huy động - cho vay lên mức cao nhất có thể được - Ảnh: Quang Liên.
Quan sát trên thị trường hiện nay, hầu hết các ngân hàng thương mại đều đẩy lãi suất huy động - cho vay lên mức cao nhất có thể được - Ảnh: Quang Liên.
Lãi suất VND trên thị trường tiếp tục nóng thêm, trong khi không gian để cung cầu vốn hoạt động vẫn ngột ngạt. Bởi vậy, không ít ý kiến cho rằng, đang xuất hiện sự thỏa thuận ngầm giữa một số ngân hàng và khách hàng để “qua mặt” cơ quan quản lý.

Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cơ bản của tháng 1/2010 tiếp tục giữ nguyên 8%/năm và như vậy, lãi suất thương mại tiếp tục duy trì mức tối đa là 12% /năm.

Ba lý do làm cầu vốn tăng

Quan sát trên thị trường hiện nay, hầu hết các ngân hàng thương mại đều đẩy lãi suất huy động - cho vay lên mức cao nhất có thể được. Lãi suất huy động bình quân đối với kỳ hạn 12 tháng, nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước duy trì từ 10,4% - 10,49%/năm; nhóm ngân hàng thương mại cổ phần để ở mức 10% - 10,49%/năm nhưng đối với cho vay bình quân, kể cả ngắn hay trung, dài hạn, hai nhóm trên đều duy trì mức kịch trần 12%/năm.

Trước thực tế này, ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) nhận xét: “Lãi suất nóng lên là do nhu cầu huy động vốn trên thị trường đang rất căng thẳng” và tình trạng này xuất phát từ ba lý do.

Đầu tiên, với việc quy định không cho phép ngân hàng thương mại sử dụng vốn vay trên thị trường liên ngân hàng để đáp ứng nhu cầu cho vay đối với nền kinh tế, đã khiến cho sức ép về nhu cầu vốn tại các ngân hàng này tăng mạnh, mặc dù đây là quy định hết sức đúng đắn.

Tiếp theo, trong khi đó, các doanh nghiệp sau thời kỳ cầm chừng để duy trì tồn tại trong 2008 thì khi bước sang 2010, tình hình kinh tế hồi phục khá mạnh mẽ nên nhu cầu vốn cho đầu tư, sản xuất được tăng lên, dẫn đến nhu cầu vốn tăng lên.

Như  vậy, ngân hàng đứng giữa hai áp lực: huy động và sử dụng vốn. Cụ thể, trong khi nguồn vốn của chính mình không được dồi dào do nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố kênh dẫn vốn từ thị trường liên ngân hàng để cho vay ra nền kinh tế bị “đóng cửa” thì nhu cầu vốn từ phía doanh nghiệp tăng lên. Hai áp lực này dồn nén, buộc ngân hàng phải đẩy mạnh huy động vốn từ dân cư nhiều hơn. Điều này có thể nhìn thấy rất rõ qua mức lãi suất huy động và các chương trình khuyến mãi mà ngân hàng thương mại tung ra.

Lý  do cuối cùng, trong điều kiện trên, hành vi người gửi tiền cũng khác so với 2009. Chẳng hạn, thay vì gửi 4, 6 tháng hay một năm thì họ chỉ gửi một tuần, nhưng về phía ngân hàng thì không thể huy động một tuần rồi cho vay một tuần được, nên họ găm lại tại ngân hàng mình. Và như thế, hành vi của ngân hàng cũng khác đi và điều này làm cho hệ số tạo tiền trong nền kinh tế bị nhỏ lại.

Cán bộ đầu tư một ngân hàng khác bổ sung thêm một lý do nữa là khi Ngân hàng Nhà nước tung ngoại tệ ra thị trường để bình ổn thị trường ngoại hối vừa qua, mặc dù cơ quan này vẫn thực hiện chu kỳ “bơm - hút” thông qua nghiệp vụ thị trường mở nhưng trong ngắn hạn, chúng cũng góp phần làm cho kênh hút vốn của ngân hàng thương mại bị thu hẹp bớt.

Tiền đề cho rủi ro đạo đức

Với những gì đang diễn ra, đã phản ánh rất đúng quy luật “cầu tăng, cung giảm thì giá tăng”, cộng thêm yếu tố mức lãi suất cơ bản giữ nguyên 8%/năm do Ngân hàng Nhà nước công bố có hiệu lực từ tháng 1/2010, do đó lãi suất thương mại tối đa chỉ 12%, đã xuất hiện nghi ngại có tình trạng “thỏa thuận ngầm” với nhau về giá vốn giữa một số ngân hàng và bên gửi tiền, cũng như giữa ngân hàng và bên vay vốn.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nói: “Thị trường bao giờ cũng hành xử theo đúng quy luật, nếu để thị trường hoạt động bình thường thì lãi suất luôn phản ánh đúng mức giá vốn, nếu bóp méo chỗ này, sẽ phình chỗ khác, làm giảm chỗ nọ, chúng sẽ tự điều chỉnh tăng chỗ kia”.

Ông Nghĩa cho rằng, giữa thị trường và ý chí chủ quan của con người luôn là cuộc rượt đuổi không có điểm dừng. Vì vậy, nếu xuất hiện một chính sách lãi suất và tỷ giá không hợp lý thì thậm chí, “chợ đen” sẽ diễn ra ngay trong lòng hệ thống ngân hàng, chứ không chỉ ở ngoài đường phố, dẫn đến xuất hiện hai loại tỷ giá chính thức - tỷ giá ngầm thỏa thuận với nhau và đối với lãi suất cũng tương tự.

Điều này cũng xảy ra ngay cả đối với thị trường liên ngân hàng. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước quy định lãi suất đối với loại giao dịch này không được quá 12%/năm, nhưng thực tế là bao nhiêu thì người trong cuộc biết rất rõ, trong khi hợp đồng ký với nhau vẫn 12%/năm!

Cũng từ thực tế này, một chuyên gia tài chính lo âu: “Đó chính là tiền đề xuất hiện rủi ro đạo đức, làm tha hóa phẩm chất của một số cán bộ ngân hàng. Nếu kéo dài, hậu quả rất khó lường và vô hình trung, việc tự mình lôi kéo “chợ đen” vào ngân hàng là khó tránh khỏi”.

Điều này cũng lý giải vì sao ở Mỹ, với hệ thống giám sát rủi ro rất hiện đại, nghiêm minh và hệ thống thông tin công khai, minh bạch, nhưng tất cả đều bất lực trước rủi ro đạo đức. Bởi chẳng có hệ thống giám sát nào “quản” thứ rủi ro này. Tổng thống Mỹ Barack Obama khi nhìn lại cuộc khủng hoảng tài chính đã thừa nhận: “Toàn bộ hệ thống giám sát từ giám sát nội bộ của ngân hàng thương mại đến hệ thống giám sát của chính quyền đều bất lực trước rủi ro đạo đức”.

Vị chuyên gia tài chính nói trên cho rằng, đối với sự phức tạp của một phần thị trường tiền tệ hiện nay, cần lường trước và sẵn sàng đón nhận những diễn biến không mong đợi như nói trên để sớm giải quyết dứt điểm “hai chế độ tỷ giá, hai chế độ lãi suất” trong cùng hệ thống ngân hàng. Được như vậy, ngành ngân hàng không những giảm thiểu được rủi ro đạo đức, mà cơ quan quản lý cũng không đánh mất vai trò của chính mình.