06:59 22/10/2024

Mưa lớn, nhiều nơi miền Trung ngập cục bộ

Nguyễn Thuấn - Thiên Anh

Mưa lớn kéo dài trong 2 ngày qua đã khiến cho một số khu vực trũng thấp tại các tỉnh miền Trung ngập trong nước. Theo dự báo mưa lớn còn tiếp tục trong những ngày tới, vì vậy lực lượng chức năng các địa phương đã triển khai các phương án ứng phó...

Xe chở keo tràm của người dân bị lật khi đi qua ngầm Rào Đá, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình). Ảnh Lan Chi
Xe chở keo tràm của người dân bị lật khi đi qua ngầm Rào Đá, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình). Ảnh Lan Chi

Tại tỉnh Quảng Bình, theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Quảng Bình, từ sáng 21 đến chiều tối 22/10, địa phương có mưa, có nơi mưa vừa đến mưa to với tổng lượng mưa phổ biến từ 60 - 140 mm, có nơi trên 170 mm. Dự báo do tác động của mưa lớn có khả năng gây ra lũ quét, sạt lở đất ở các huyện miền núi Tuyên Hóa, Minh Hóa; ngập úng tại các vùng trũng, thấp, ven sông, các khu đô thị. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) cho biết, đến 15 giờ ngày 21/10, do ảnh hưởng của mưa lớn, nhiều tuyến đường giao thông vào các bản ở 2 xã Trường Sơn và Trường Xuân bị chia cắt cục bộ.

Đường vào bản Trung Sơn, xã Trường Sơn bị ngập sâu, chia cắt cục bộ. Ảnh Lan Chi
Đường vào bản Trung Sơn, xã Trường Sơn bị ngập sâu, chia cắt cục bộ. Ảnh Lan Chi

Cụ thể, xã Trường Sơn có 4 bản, gồm: Dốc Mây, Trung Sơn, Ploang, Rìn Rìn; xã Trường Xuân có 3 bản, gồm: Khe Dây, Hang Chuồn-Nà Lâm, Khe Ngang.

Hiện tại, nhiều tuyến đường đi vào các bản ở Trường Sơn và Trường Xuân vẫn ngập sâu. Các địa phương đã đặt biển cảnh báo người dân và phương tiện không qua lại tại các điểm bị ngập lụt. Tuy nhiên, tại xã Trường Xuân, một xe chở keo tràm của người dân ở thôn Kim Sen đã bị lật khi cố đi qua ngầm Rào Đá.

Lực lượng chức năng đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục bám sát địa bàn, nắm tình hình để báo cáo, xử lý tình huống khi có các sự cố xảy ra; huy động lực lượng chốt chặn, kiên quyết không cho người dân qua lại tại các ngầm tràn ngập sâu.

Tại Thừa Thiên Huế từ tối ngày 20 đến chiều 21/10  mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to khiến một số nơi bị ngập lụt cục bộ. Nhiều địa phương thuộc tỉnh này sẵn sàng phương án di dời dân ra khỏi vùng sạt lở.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thừa Thiên Huế, trong nhiều giờ qua, trên địa bàn tỉnh có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như khu vực xã Giang Hải 141,6 mm, cảng Tư Hiền 143,2 mm, Đồn Biên phòng cảng Chân Mây (huyện Phú Lộc) 143,4 mm, phường Thuận An (thành phố Huế) 226,6 mm...

Nhiều tuyến đường tại thành phố Huế ngập sâu trong nước. Ảnh Văn Dinh
Nhiều tuyến đường tại thành phố Huế ngập sâu trong nước. Ảnh Văn Dinh

Mưa lớn ở địa bàn Phú Lộc dẫn đến nguy cơ cao sạt lở đất đồi núi ở các xã Lộc Tiến, Lộc Trì, Lộc Điền, Lộc Bình. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Phú Lộc phối hợp chính quyền địa phương lên phương án di dời 72 hộ, với 226 nhân khẩu ở các thôn Phú Gia và Thổ Sơn (xã Lộc Tiến), thôn Trung Phước Tượng và Trung An (xã Lộc Trì), thôn Bạch Thạch (xã Lộc Điền), dân cư sinh sống dọc tuyến Quốc lộ 49B qua xã Lộc Bình…

Mưa lớn tại huyện Phú Lộc khiến nhiều tuyến đường ngập sâu trong nước  
Mưa lớn tại huyện Phú Lộc khiến nhiều tuyến đường ngập sâu trong nước  

Các huyện A Lưới, Phong Điền, Nam Đông cũng phát thông tin cảnh báo và cập nhật các vị trí có nguy cơ cao sạt lở, trôi trượt đất đá vùng đồi núi. Trong đó, đáng chú ý là địa bàn xã Phong Xuân (huyện Phong Điền), khu vực Bốt Đỏ (xã Phú Vinh, huyện A Lưới), tổ dân phố 1, 2 (thị trấn Khe Tre), các khu dân cư thuộc các xã Hương Hữu, xã Hương Phú, Hương Lộc, Thượng Nhật (huyện Nam Đông).

Tại bãi tắm giáp phường Thuận An, huyện Phú Vang, sạt lở dài 300m biển ăn sâu vào 30-40m; đoạn từ Tân An đến Xuân An, sạt lở dài 1,4 km, ăn sâu vào đất liền 20-30m; đoạn giáp xã Phú Hải, sạt lở dài 180m, ăn vào đất liền 20-30m.

 Bờ biển Phú Thuận tiếp tục bị xâm thực nghiêm trọng. Ảnh Hà Nguyên
 Bờ biển Phú Thuận tiếp tục bị xâm thực nghiêm trọng. Ảnh Hà Nguyên

Riêng khu vực bờ biển từ Tân An đến Xuân An là vùng sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 860 hộ dân với 4.087 nhân khẩu, gây nguy cơ mất chỗ ở, ảnh hưởng đến sản xuất. Theo đại điện địa phương cho biết, từ nhiều năm nay, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, Phú Thuận đã được đầu tư xây dựng hơn 2,47km kè biển (kè bờ) và 0,55km kè ngầm với tổng kinh phí khoảng 400 tỷ đồng, còn 1,9km chưa được đầu tư và đang tiếp tục sạt lở trong mùa mưa bão.

Theo Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, từ nay đến ngày 24/10, tại tỉnh này có mưa, mưa vừa, rải rác mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 100-250 mm, có nơi trên 350 mm, mưa với cường độ lớn nhất tập trung trong ngày 21 - 23/10.

Tại Nghệ An, một số địa phương do mưa lớn kéo dài từ đêm qua đến sáng nay ngày 21/10 khiến hàng trăm ha hoa màu của nông dân xã Diễn Thịnh (Diễn Châu) ngập băng trong nước. Trong đó, thiệt hại nặng nề nhất là diện tích lạc Đông với 255ha đang vào giai đoạn dưỡng củ; 109ha ngô đang kỳ thu hoạch và khoảng 25ha rau màu các loại.

Rau màu của nông dân Diễn Thịnh ngập băng trong nước. Ảnh: T.P
Rau màu của nông dân Diễn Thịnh ngập băng trong nước. Ảnh: T.P

Tại xã Lăng Thành (Yên Thành), mưa lớn cũng khiến cầu tràn Sương Lẻ và Dốc Cầu nối Lăng Thành với đường lên Tân Kỳ bị ngập sâu.

Chính quyền xã đã cắm biển cảnh báo, nghiêm cấm người dân qua lại; đồng thời, thông báo trên nhóm mạng xã hội, zalo và hệ thống truyền thanh của xóm, xã tình hình cầu tràn ngập sâu để người dân biết, lựa chọn lưu thông qua các đường dân sinh khác để đảm bảo an toàn.