Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
Chất lượng nguồn lực đang có vấn đề bởi khoảng gần 4/5 lực lượng lao động chưa qua đào tạo
Đến năm 2030, giáo dục nghề nghiệp Việt Nam tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4 và đến năm 2045 tiếp cận trình độ các nước G20. Đây là một trong những nội dung Chỉ thị số 24/CT-TTg (28/5/2020) của Thủ tướng Chính phủ đặt ra cho các bộ, ngành, địa phương trong việc phát triển nhân lực có kỹ năng nghề nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Mới đây, tại chương trình giao lưu trực tuyến do Báo Nhân Dân phối hợp Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức, ông Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, Việt Nam hiện đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng với khoảng 56 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên.
Nguồn lao động này được đánh giá là thông minh, chịu khó, thích ứng nhanh với công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, chất lượng nguồn lực lại đang có vấn đề bởi khoảng gần 4/5 lực lượng lao động chưa qua đào tạo.
CHẤT LƯỢNG CHƯA ĐÁP ỨNG YÊU CẦU
Những năm gần đây, dù chất lượng lao động được đánh giá có tiến bộ song thực chất vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Điều đó khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh vì trình độ tay nghề, kỹ năng và ý thức người lao động còn kém...
So sánh số liệu điều tra dân số thời điểm 1/4/2014 và 1/4/2019 đã cho thấy, tỷ lệ người dân có chuyên môn kỹ thuật tăng thêm 2% nhưng về cơ cấu lại bất hợp lý hơn.
Cụ thể, năm 2014, tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có trình độ chuyên môn kỹ thuật là 17,2%, trong đó trình độ sơ cấp: 1,9%, trung cấp: 5,8%, cao đẳng: 2,6%, đại học trở lên: 6,9%. Sau đó 5 năm, tỷ lệ người dân có trình độ chuyên môn kỹ thuật là 19,2%, trong đó sơ cấp: 3,1%, trung cấp: 3,5%, cao đẳng: 3,3% và đại học trở lên: 9,3%.
Nếu như năm 2014, 1 người trình độ đại học trở lên có 1,5 người trình độ dưới đại học, thì đến năm 2019, 1 người đại học có 1,1 người dưới đại học. Sau gần 5 năm chuyển giao Giáo dục nghề nghiệp về Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý, tỷ lệ người có trình độ đại học trở lên tăng 2,4%, trong khi người có trình độ dưới đại học giảm 0,4%. Điều đáng lo ngại là nước ta vẫn còn trên 80% người dân (15 tuổi trở lên) không có chuyên môn kỹ thuật, trong khi các nước như Nhật Bản, Mỹ tỷ lệ này dưới 20%.
Một tình trạng khá phổ biến trên thị trường lao động nước ta là người lao động làm việc không phù hợp với ngành nghề cũng như với trình độ chuyên môn và tay nghề được đào tạo.
Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, 81,1% lao động có trình độ cao đẳng, 60,4% số lao động có trình độ trung cấp, 23,8% số lao động có trình độ đại học trở lên làm các công việc có yêu cầu trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng thấp hơn so với trình độ chuyên môn kỹ thuật được đào tạo (theo bằng cấp/chứng chỉ).
Mặt khác, có khoảng 35,1% lao động làm các công việc đòi hỏi trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng cao hơn so với bằng cấp của họ. Một vấn đề cấp thiết hiện nay mà chúng ta còn thiếu là việc dự báo nguồn nhân lực và gắn với nó là quy hoạch đào tạo, giáo dục nghề nghiệp.
NÂNG CAO TRÌNH ĐỘ, CHUẨN HÓA TAY NGHỀ
Nhằm nâng cao trình độ, chuẩn hóa tay nghề, kỹ năng của đội ngũ lao động, Chỉ thị 24/CP-TTg đã nêu rõ nhiệm vụ ở tầm quốc gia và địa phương.
Với cơ quan quản lý ở tầm quốc gia, Chỉ thị 24 xác định rõ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có trách nhiệm thay mặt Chính phủ quản lý nhà nước về lao động việc làm và giáo dục nghề nghiệp cần xây dựng một loạt quy định về thể chế, khung pháp lý, các quy định chuẩn kỹ năng nghề, triển khai các chương trình chuyên gia quốc tế trong nghề nghiệp. Bao gồm: đào tạo, cơ sở vật chất, trang thiết bị, giáo viên để đánh giá kỹ năng nghề của người lao động theo chuẩn; dự báo nguồn nhân lực...
Đối với các địa phương, Chỉ thị 24 quy định có hai nhiệm vụ quan trọng: Thứ nhất, tập trung đầu tư nâng cao năng lực của các cơ sở giáo dục nghề. Thứ hai là khuyến khích doanh nghiệp tạo những cơ chế, chính sách sử dụng lực lượng lao động được đào tạo, cung cấp ra thị trường thông qua đào tạo.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Trương Anh Dũng, phát triển giáo dục nghề nghiệp, kỹ năng nghề không chỉ đơn thuần là giáo dục để trang bị kiến thức, kỹ năng thái độ nghề nghiệp cho người học mà sau đó là vấn đề kinh tế, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của mỗi quốc gia.
Có thể tóm gọn nội dung Chỉ thị 24 thành 3 nhóm vấn đề then chốt đó là: phấn đấu đến năm 2030, giáo dục nghề nghiệp Việt Nam tiếp cận trình độ ASEAN-4, đến năm 2045 tiếp cận trình độ các nước G20; triển khai nhiều chương trình, đề án, hoạt động gắn với đổi mới giáo dục nghề nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Chính vì vậy, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang gấp rút hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm hướng dẫn các trường, địa phương triển khai hiệu quả Chỉ thị 24.
Đồng thời, Tổng cục giáo dục nghề nghiệp cũng đang xây dựng thông tư quy định các ngành nghề bắt buộc phải sử dụng lao động có chứng chỉ bằng cấp qua hệ thống giáo dục nghề nghiệp, hoặc chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
Ông Dũng cho biết, trong 5 năm qua, Tổng cục giáo dục nghề nghiệp đã xây dựng được gần 300 bộ tiêu chuẩn về định mức kinh tế kỹ thuật và về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho cơ sở đào tạo. Các bộ tiêu chuẩn này có sự tham gia của doanh nghiệp nhằm làm rõ thêm vị trí việc làm, tiêu chuẩn đào tạo và nhu cầu doanh nghiệp.
Xây dựng hệ thống quản lý đánh giá kỹ năng nghề, rà soát lại, bổ sung các danh mục ngành nghề mà hiện nay còn thiếu so với thị trường lao động. Đồng thời triển khai thí điểm mô hình hội đồng quản lý kỹ năng nghề với sự tham gia của hiệp hội doanh nghiệp để họ xác định yêu cầu về tiêu chuẩn đào tạo, về vị trí việc làm, kỹ năng nghề nghiệp mà người lao động cần có, từ đó thiết kế và phát triển chương trình để chuyển đổi đào tạo.
Về phân bổ ngân sách nhà nước cho giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn này, theo ông Dũng, cần ưu tiên phân bổ ngân sách cho giáo dục nghề nghiệp để tiếp tục đầu tư nâng cao các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, đổi mới cơ chế phân bổ chi thường xuyên sang hình thức đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ theo số lượng và chất lượng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách.
Theo thống kê, nguồn ngân sách nhà nước dành cho lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp chiếm khoảng 8% trong tổng chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề, nhưng chưa thể đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề phục vụ trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ.