Ngân hàng mở rộng mạng lưới để bán lẻ hay bán… mớ?
Việc mở rộng chi nhánh, phòng giao dịch của nhiều ngân hàng còn nhằm vào mục tiêu bán lại cho nước ngoài
Kể từ sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 888/2005/QĐ-NHNN quy định ngặt nghèo về việc mở chi nhánh hoặc phòng giao dịch, rất nhiều ngân hàng khối quốc doanh đã tiến hành cơ cấu lại hệ thống hoạt động.
Những ngân hàng này "thăng hạng" và dẹp bỏ bớt những chi nhánh cấp 2 xuống phòng giao dịch hoặc "nâng đời" chúng thành những chi nhánh cấp 1. Trên thực tế, các ngân hàng thiên về phát triển chi nhánh cấp 1 hơn là "hạ" các chi nhánh cấp 2 xuống phòng giao dịch, bởi chi nhánh cấp 1 nhiều quyền lực hơn, được phép hoạt động đầy đủ nghiệp vụ gần như một ngân hàng.
Cổ phần đua với quốc doanh
Ông Nguyễn Đại Lai, Phó vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển (Ngân hàng Nhà nước) ví von: "Gần đây, rất nhiều ngân hàng thương mại, kể cả khối nhà nước ra sức "thăng quân hàm" từ cấp 2 lên cấp 1, mở rộng chi nhánh về các địa phương".
Nếu so sánh quy mô mạng lưới từng ngân hàng hiện nay, không có ngân hàng thương mại cổ phần nào sánh được với các ngân hàng thuộc khối quốc doanh mà đầu tiên là Agribank. Ông Đỗ Tất Ngọc, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Agribank cho biết, ngân hàng này hiện có 500 phòng giao dịch và 1.500 chi nhánh trên toàn quốc. Tiếp đó là BIDV với 104 chi nhánh cấp I và sở giao dịch khắp nước, còn phòng giao dịch thì phải liệt kê không dưới 12 trang giấy A4!
Một ngân hàng lớn nữa là Incombank, có tổng tài sản chiếm hơn 25% thị phần trong toàn bộ hệ thống ngân hàng, với mạng lưới 2 sở giao dịch, 130 chi nhánh và trên 700 điểm giao dịch.
Không để các ngân hàng quốc doanh "một mình, một chợ", hàng chục ngân hàng thương mại cổ phần cũng bước vào cuộc đua mở rộng quy mô theo phân khúc thị trường của mình. Trong khối ngân hàng cổ phần, đứng đầu phải kể đến Sacombank với 52 chi nhánh và 109 phòng giao dịch và kế đến là Techcombank.
Đại diện ngân hàng này cho biết: "Techcombank hiện có 109 điểm giao dịch trải rộng trên 16 tỉnh thành cả nước. Trong 6 tháng đầu 2007, chúng tôi đã mở mới hơn 20 điểm giao dịch". Cùng với đó, Techcombank còn tranh thủ mở rộng hệ thống ngân hàng điện tử để khách hàng chỉ cần kích chuột vào Internet là đã có thể sử dụng được dịch vụ Fast i-pay, Fast Mobipay...
Cùng với Sacombank và Techcombank, rất nhiều cái tên khác như ACB với 84 chi nhánh và phòng giao dịch; Eximbank 36 điểm giao dịch và sẽ mở thêm 23 điểm giao dịch trong quý 3 và đầu quý 4/2007. Còn mới đây nhất, VIB vừa chào đón thành viên thứ 75 trong đại gia đình của mình.
Một số ngân hàng khác cũng tăng cường mở rộng mạng lưới như Đông Á hiện có 80 chi nhánh và phòng giao dịch và Ngân hàng Quân đội đặt mục tiêu 80 điểm giao dịch trong 2007.
Cùng với việc mở rộng mạng lưới, rất nhiều ngân hàng đã bành trướng hoạt động sang lĩnh vực đầu tư thông qua "bắt tay" hợp tác chiến lược, tài trợ cho vay đối với các dự án lớn hay góp cổ phần vào tập đoàn này, tổng công ty kia. Giải thích lý do tăng số lượng chi nhánh cấp 1 cũng như các phòng giao dịch, các ngân hàng đều cho rằng, họ đang nhắm tới khu vực khách hàng đa dạng hơn trong thị trường bán lẻ.
Ông Nguyễn Đức Hiếu, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Visecurities cũng có nhận xét tương tự: "Thị trường tín dụng hiện chủ yếu tập trung vào người giàu, có tài sản thế chấp từ 500 triệu trở lên. Còn khu vực khách hàng dưới mức trên vẫn còn bỏ ngỏ khá nhiều. Vì thế, việc mở rộng mạng lưới là nhằm khai thác tối đa thị trường bán lẻ".
Mở rộng để bán lẻ hay bán... mớ?
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đại Lai lại cho rằng, việc "thăng quân hàm" từ cấp 2 lên cấp 1 rồi mở rộng chi nhánh, phòng giao dịch của nhiều ngân hàng còn nhằm vào một mục tiêu bán lại cho nước ngoài khi lộ trình mở cửa ngân hàng đang diễn ra mạnh mẽ.
Ông Lai nói: "Không một ngân hàng nước ngoài nào khi vào đầu tư ở Việt Nam lại không muốn thừa hưởng hệ thống chi nhánh các ngân hàng sẵn có thông qua mua cổ phần hay liên doanh liên kết với các ngân hàng thương mại cổ phần trong nước, hơn là lập mới". Vì sao lại như vậy?
Thứ nhất, khi có sẵn mạng lưới của một ngân hàng, nếu kết hợp thêm năng lực quản lý, công nghệ kinh doanh hiện đại, chắc chắn sẽ thành công hơn thành lập mới.
Thứ hai, mặc dù pháp luật không cấm thành lập mới ngân hàng nhưng nhà đầu tư nước ngoài thừa hiểu, đến kinh doanh ở một vùng đất mới, sẽ phải trải qua không ít thách thức do lạ lẫm về phong tục tập quán, thói quen tiêu dùng cũng như hạn chế về sự hiểu biết thị trường các vùng miền.
Thứ ba, tại những nước phát triển, người tiêu dùng chỉ cần nhấp chuột vào máy tính nối mạng Internet là đã có thể sử dụng dịch vụ, trong khi đặc thù kinh doanh ngân hàng ở Việt Nam là phải giao dịch trực tiếp và luôn phải cần đến mạng lưới.
Ngoài ra, phát triển rộng mạng lưới còn làm tăng tổng tích tài sản của một ngân hàng thông qua giá trị đầu tư, thương hiệu và cả thị phần ngân hàng đó đang nắm giữ tại một địa bàn nào đó. Và vì thế, cổ phiếu cũng có giá hơn khi giao dịch trên thị trường.
Có vẻ như không khí làm ăn của các ngân hàng đang rất thịnh vượng và đó là điều đáng mừng cho thị trường tiền tệ khi biết lo xa để cạnh tranh. Tuy nhiên, đã có ngân hàng cổ phần mới chuyển đổi mô hình "từ tỉnh lên phố" không giấu giếm ý đồ sẵn sàng bán đứt phần vốn chi phối của mình cho đối tác nước ngoài mà câu chuyện sau là một ví dụ.
Vốn là ông chủ một doanh nghiệp kinh doanh ở lĩnh vực khác, ông này dốc một phần vốn vào mua một ngân hàng nông thôn, sau đó chuyển đổi thành ngân hàng đô thị. Nhờ khả năng nắm bắt xu hướng thị trường chứng khoán tuyệt vời, ông ta mở một chiến dịch "đánh bóng" và khi mỗi cổ phiếu đang từ mười mấy nghìn đồng vọt lên 74 nghìn đồng vào thời điểm quý I/2007, ông này "bốc" một phần cổ phiếu của mình bán ra và thu về một khoản lãi chiếm 2/3 tổng giá trị phần vốn mà ông ta đang nắm giữ. Nhờ phi vụ này mà trong cơ cấu phần vốn của mình, ông này chỉ "đá trên sân nhà" 1/3, còn 2/3, "đá trên sân khách"!
Khi thị trường chứng khoán tụt dốc, ông ta vẫn tiếp tục "đánh bóng", nhưng lần này không hẳn vì cổ phiếu mà là để bán lại cho nước ngoài. Hiện tại, ngân hàng này đã tiếp xúc với khá nhiều đối tác nhưng chưa... được giá!
Những ngân hàng này "thăng hạng" và dẹp bỏ bớt những chi nhánh cấp 2 xuống phòng giao dịch hoặc "nâng đời" chúng thành những chi nhánh cấp 1. Trên thực tế, các ngân hàng thiên về phát triển chi nhánh cấp 1 hơn là "hạ" các chi nhánh cấp 2 xuống phòng giao dịch, bởi chi nhánh cấp 1 nhiều quyền lực hơn, được phép hoạt động đầy đủ nghiệp vụ gần như một ngân hàng.
Cổ phần đua với quốc doanh
Ông Nguyễn Đại Lai, Phó vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển (Ngân hàng Nhà nước) ví von: "Gần đây, rất nhiều ngân hàng thương mại, kể cả khối nhà nước ra sức "thăng quân hàm" từ cấp 2 lên cấp 1, mở rộng chi nhánh về các địa phương".
Nếu so sánh quy mô mạng lưới từng ngân hàng hiện nay, không có ngân hàng thương mại cổ phần nào sánh được với các ngân hàng thuộc khối quốc doanh mà đầu tiên là Agribank. Ông Đỗ Tất Ngọc, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Agribank cho biết, ngân hàng này hiện có 500 phòng giao dịch và 1.500 chi nhánh trên toàn quốc. Tiếp đó là BIDV với 104 chi nhánh cấp I và sở giao dịch khắp nước, còn phòng giao dịch thì phải liệt kê không dưới 12 trang giấy A4!
Một ngân hàng lớn nữa là Incombank, có tổng tài sản chiếm hơn 25% thị phần trong toàn bộ hệ thống ngân hàng, với mạng lưới 2 sở giao dịch, 130 chi nhánh và trên 700 điểm giao dịch.
Không để các ngân hàng quốc doanh "một mình, một chợ", hàng chục ngân hàng thương mại cổ phần cũng bước vào cuộc đua mở rộng quy mô theo phân khúc thị trường của mình. Trong khối ngân hàng cổ phần, đứng đầu phải kể đến Sacombank với 52 chi nhánh và 109 phòng giao dịch và kế đến là Techcombank.
Đại diện ngân hàng này cho biết: "Techcombank hiện có 109 điểm giao dịch trải rộng trên 16 tỉnh thành cả nước. Trong 6 tháng đầu 2007, chúng tôi đã mở mới hơn 20 điểm giao dịch". Cùng với đó, Techcombank còn tranh thủ mở rộng hệ thống ngân hàng điện tử để khách hàng chỉ cần kích chuột vào Internet là đã có thể sử dụng được dịch vụ Fast i-pay, Fast Mobipay...
Cùng với Sacombank và Techcombank, rất nhiều cái tên khác như ACB với 84 chi nhánh và phòng giao dịch; Eximbank 36 điểm giao dịch và sẽ mở thêm 23 điểm giao dịch trong quý 3 và đầu quý 4/2007. Còn mới đây nhất, VIB vừa chào đón thành viên thứ 75 trong đại gia đình của mình.
Một số ngân hàng khác cũng tăng cường mở rộng mạng lưới như Đông Á hiện có 80 chi nhánh và phòng giao dịch và Ngân hàng Quân đội đặt mục tiêu 80 điểm giao dịch trong 2007.
Cùng với việc mở rộng mạng lưới, rất nhiều ngân hàng đã bành trướng hoạt động sang lĩnh vực đầu tư thông qua "bắt tay" hợp tác chiến lược, tài trợ cho vay đối với các dự án lớn hay góp cổ phần vào tập đoàn này, tổng công ty kia. Giải thích lý do tăng số lượng chi nhánh cấp 1 cũng như các phòng giao dịch, các ngân hàng đều cho rằng, họ đang nhắm tới khu vực khách hàng đa dạng hơn trong thị trường bán lẻ.
Ông Nguyễn Đức Hiếu, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Visecurities cũng có nhận xét tương tự: "Thị trường tín dụng hiện chủ yếu tập trung vào người giàu, có tài sản thế chấp từ 500 triệu trở lên. Còn khu vực khách hàng dưới mức trên vẫn còn bỏ ngỏ khá nhiều. Vì thế, việc mở rộng mạng lưới là nhằm khai thác tối đa thị trường bán lẻ".
Mở rộng để bán lẻ hay bán... mớ?
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đại Lai lại cho rằng, việc "thăng quân hàm" từ cấp 2 lên cấp 1 rồi mở rộng chi nhánh, phòng giao dịch của nhiều ngân hàng còn nhằm vào một mục tiêu bán lại cho nước ngoài khi lộ trình mở cửa ngân hàng đang diễn ra mạnh mẽ.
Ông Lai nói: "Không một ngân hàng nước ngoài nào khi vào đầu tư ở Việt Nam lại không muốn thừa hưởng hệ thống chi nhánh các ngân hàng sẵn có thông qua mua cổ phần hay liên doanh liên kết với các ngân hàng thương mại cổ phần trong nước, hơn là lập mới". Vì sao lại như vậy?
Thứ nhất, khi có sẵn mạng lưới của một ngân hàng, nếu kết hợp thêm năng lực quản lý, công nghệ kinh doanh hiện đại, chắc chắn sẽ thành công hơn thành lập mới.
Thứ hai, mặc dù pháp luật không cấm thành lập mới ngân hàng nhưng nhà đầu tư nước ngoài thừa hiểu, đến kinh doanh ở một vùng đất mới, sẽ phải trải qua không ít thách thức do lạ lẫm về phong tục tập quán, thói quen tiêu dùng cũng như hạn chế về sự hiểu biết thị trường các vùng miền.
Thứ ba, tại những nước phát triển, người tiêu dùng chỉ cần nhấp chuột vào máy tính nối mạng Internet là đã có thể sử dụng dịch vụ, trong khi đặc thù kinh doanh ngân hàng ở Việt Nam là phải giao dịch trực tiếp và luôn phải cần đến mạng lưới.
Ngoài ra, phát triển rộng mạng lưới còn làm tăng tổng tích tài sản của một ngân hàng thông qua giá trị đầu tư, thương hiệu và cả thị phần ngân hàng đó đang nắm giữ tại một địa bàn nào đó. Và vì thế, cổ phiếu cũng có giá hơn khi giao dịch trên thị trường.
Có vẻ như không khí làm ăn của các ngân hàng đang rất thịnh vượng và đó là điều đáng mừng cho thị trường tiền tệ khi biết lo xa để cạnh tranh. Tuy nhiên, đã có ngân hàng cổ phần mới chuyển đổi mô hình "từ tỉnh lên phố" không giấu giếm ý đồ sẵn sàng bán đứt phần vốn chi phối của mình cho đối tác nước ngoài mà câu chuyện sau là một ví dụ.
Vốn là ông chủ một doanh nghiệp kinh doanh ở lĩnh vực khác, ông này dốc một phần vốn vào mua một ngân hàng nông thôn, sau đó chuyển đổi thành ngân hàng đô thị. Nhờ khả năng nắm bắt xu hướng thị trường chứng khoán tuyệt vời, ông ta mở một chiến dịch "đánh bóng" và khi mỗi cổ phiếu đang từ mười mấy nghìn đồng vọt lên 74 nghìn đồng vào thời điểm quý I/2007, ông này "bốc" một phần cổ phiếu của mình bán ra và thu về một khoản lãi chiếm 2/3 tổng giá trị phần vốn mà ông ta đang nắm giữ. Nhờ phi vụ này mà trong cơ cấu phần vốn của mình, ông này chỉ "đá trên sân nhà" 1/3, còn 2/3, "đá trên sân khách"!
Khi thị trường chứng khoán tụt dốc, ông ta vẫn tiếp tục "đánh bóng", nhưng lần này không hẳn vì cổ phiếu mà là để bán lại cho nước ngoài. Hiện tại, ngân hàng này đã tiếp xúc với khá nhiều đối tác nhưng chưa... được giá!