13:40 08/12/2022

Ngành thời trang thay đổi lớn để tuân thủ các quy định mới từ Liên minh châu Âu

Băng Hảo

Lĩnh vực thời trang đang chuẩn bị thực hiện những thay đổi lớn sau khi Ủy ban châu Âu (EC) công bố một kế hoạch yêu cầu quần áo phải “có tuổi thọ cao, có thể tái chế và phần lớn phải được làm từ sợi tái chế” vào năm 2030…

Ảnh: State of The Planet
Ảnh: State of The Planet

Giống như nhiều lĩnh vực khác, ngành công nghiệp thời trang đang chịu sự giám sát ngày càng tăng từ người tiêu dùng và các cơ quan quản lý về nguồn gốc của vải và rác thải mà ngành này tạo ra. Kayla Marci, nhà phân tích thị trường tại Edited, công ty chuyên cung cấp dữ liệu và phân tích về ngành bán lẻ, nói: “Áp lực ngày càng tăng trong việc phải giảm dấu ấn carbon đối với ngành thời trang đã dẫn đến các loại sợi thay thế, thân thiện với môi trường đang được các thương hiệu lớn đón nhận nhanh chóng”.

Marci cho biết nhà bán lẻ quần áo trên khắp châu Âu và Anh năm nay đã tung ra các sản phẩm mới được quảng cáo là làm từ các chất liệu thân thiện với môi trường với số lượng tăng 21% so với năm trước và cao hơn gấp ba lần so với con số của năm 2019. Theo Canopy, một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ các doanh nghiệp để đưa các nguyên liệu thân thiện với môi trường hơn ra thị trường và bảo tồn rừng, các loại sợi tái chế giúp giảm nhu cầu chặt cây và giảm phát thải khí nhà kính.

Mới đây, 33 công ty bao gồm chủ sở hữu của các thương hiệu thời trang và hàng xa xỉ nổi tiếng như H&M, Zara, Gucci cam kết mua 550.000 tấn sợi carbon thấp được sản xuất từ áo quần cũ tái chế và phế phẩm nông nghiệp. Những loại sợi được xem là bền vững này sẽ được sử dụng để sản xuất áo quần mới và bao bì đóng gói.

Theo WSJ, mặc dù vậy, kế hoạch mua 550.000 tấn sợi carbon thấp của các thương hiệu thời trang nói trên chỉ chiếm một phần nhỏ trong khoảng 7,5 triệu tấn sợi sợi cellulose nhân tạo được sản xuất hàng năm, phần lớn dựa vào bột gỗ, theo Canopy. Người tiêu dùng thường nhìn thấy những loại sợi đó trên nhãn quần áo dưới những cái tên như rayon, viscose và lyocell.

Các hãng thời trang cho biết việc cam kết mua sợi carbon thấp sẽ giúp thúc đẩy hoạt động sản xuất sợi cellulose làm từ phế phẩm nông nghiệp và sợi từ quần tái chế, với nguồn cung hiện tại rất hạn chế và giá đắt hơn do chúng chưa được sản xuất rộng rãi. Canopy nói rằng cam kết này sẽ hỗ trợ đầu tư xây dựng thêm 10 - 20 nhà máy bột giấy để sản xuất sợi carbon thấp. Giám đốc điều hành Canopy Nicole Rycroft đánh giá các khoản đầu tư như vậy đóng vai trò rất quan trọng để ngành công nghiệp sợi carbon thấp còn non trẻ đạt được hiệu quả kinh tế quy mô, giúp giảm chi phí.

Áp lực ngày càng tăng trong việc phải giảm dấu ấn carbon đối với ngành thời trang đã dẫn đến các loại chất liệu thay thế.
Áp lực ngày càng tăng trong việc phải giảm dấu ấn carbon đối với ngành thời trang đã dẫn đến các loại chất liệu thay thế.

Cecilia Strömblad Brännsten, người đứng đầu bộ phận sử dụng tài nguyên và tác động tuần hoàn của H&M, từ chối cho biết công ty bà sẽ chi bao nhiêu hoặc đóng góp bao nhiêu trong số 550.000 tấn sợi carbon mà các thương hiệu cam kết mua. Bà cho biết, đến năm 2025, công ty đặt mục tiêu chỉ mua sợi cellulose nhân tạo được chứng nhận bởi Hội đồng quản lý rừng (FSC), một tổ chức phi lợi nhuận, có trụ sở ở Đức, hoặc thay thế loại sợi này bằng các loại sợi có nguồn gốc từ áo quần tái chế và phế phẩm thải nông nghiệp.

Đồng thời, tổ chức phi lợi nhuận đấu tranh cho quyền động vật PETA mới đây đã đề ra giải thưởng trị giá 1 triệu USD cho cá nhân hoặc doanh nghiệp nhỏ đầu tiên phát triển thành công một loại chất liệu mới để thay thế cho len (vốn được làm ra chủ yếu từ lông cừu hay một số loài động vật khác, như dê, lạc đà…). Những người tham gia cuộc thi của PETA có thể gửi mẫu và kế hoạch sản xuất cho nhóm bảo vệ quyền động vật từ ngày 28/7/2023.

Các vật liệu được gửi phải dựa trên tính chất sinh học hoặc được chế tạo bằng công nghệ sinh học, có thể phân hủy sinh học và/hoặc có thể tái chế, ít bị vón cục và đổ sợi sau khi dệt kim, đồng thời có khả năng sản xuất ở nhiều trọng lượng. PETA cho biết, giống như len truyền thống, vật liệu này cũng phải thấm hút, trung hòa mùi hôi và giữ nhiệt độ cơ thể. Sau khi một chất liệu được phê duyệt, người tạo ra chất liệu đó cũng sẽ cần chứng minh sức hấp dẫn thương mại của chất liệu đó. Chất liệu cũng phải có khả năng sản xuất chất ở quy mô lớn và người dự thi phải thuyết phục ít nhất một trong 10 nhà bán lẻ quần áo hàng đầu thế giới để họ đồng ý bán mặt hàng đó vào cuối năm sau.

Giống như vòng đời của bất kỳ sinh vật nào, thời trang cũng có thể sử dụng rồi tái tạo để tối đa tuổi thọ.
Giống như vòng đời của bất kỳ sinh vật nào, thời trang cũng có thể sử dụng rồi tái tạo để tối đa tuổi thọ.

Hiện cuộc cách mạng đang len lỏi vào từng công đoạn của chuỗi sản xuất. Evrnu, một công ty đã hồi sinh hàng chục triệu tấn chất thải dệt may mỗi năm, là một ví dụ tiêu biểu. Công nghệ đột phá của Evrnu biến những phế phẩm may mặc thành sợi nguyên sinh có chất lượng ngang bằng hoặc cao hơn cả nguyên bản ban đầu, chúng thậm chí vẫn có thể được tiếp tục tái chế nhiều lần. Công ty này đã bắt tay với Stella McCartney, Adidas, Levi’s, Target và hướng đến mục tiêu tái sinh thành công tất cả các mặt hàng dệt may vào năm 2030. Điều này sẽ thực sự thay đổi cuộc chơi vì hiện tại 85% quần áo của chúng ta vẫn được xử lý ở các bãi chôn lấp hoặc lò đốt.

Cuộc thi thiết kế thời trang bền vững lớn nhất thế giới với giải thưởng trị giá 10.000 USD – Redress Design Award của Hồng Kông cũng đang được tiến hành. Một phần quan trọng của sự kiện năm nay sẽ là giáo dục các NTK mới nổi về vòng tuần hoàn của thời trang và cách lồng ghép nó vào thiết kế. Giống như vòng đời của bất kỳ sinh vật nào, thời trang cũng có thể dựa vào sơ đồ đó để phát triển theo hướng khởi sinh, sử dụng rồi tái tạo để tối đa tuổi thọ và giá trị hiện hành. Kết thúc vòng tuần hoàn này sẽ là một quy trình xử lý thân thiện với môi trường để tiếp tục tạo ra các vật chất “ươm mầm” cho những sự sống khác.

Và hơn bất kỳ lời cảnh báo hay tuyên truyền nào, bản chất độc đáo, khéo léo của sáng tạo thiết kế sẽ khơi nguồn cảm hứng cho một tương lai thời trang tươi sáng, tử tế và trọn vẹn hơn. Liên Hợp Quốc định nghĩa tính bền vững là “khả năng đáp ứng các nhu cầu của hiện tại mà không ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên của các thế hệ tương lai”. Vẫn còn một chặng đường dài phía trước – nhưng từ những nghiên cứu khoa học, các dịch vụ cho thuê trang phục và sự xuất hiện của chất liệu tái chế, không có gì ngăn cản được tốc độ đổi mới đang làm rung chuyển ngành công nghiệp thời trang tỷ đô.