Những quyền lợi của người bệnh khi tham gia bảo hiểm y tế bổ sung
Dự kiến phạm vi được hưởng bảo hiểm y tế bổ sung sẽ không trùng lắp với bảo hiểm y tế bắt buộc. Người tham gia sẽ có thêm hỗ trợ trong khám chữa bệnh, đặc biệt với những bệnh hiểm nghèo, bệnh cần điều trị dài ngày...
Bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc do Nhà nước thực hiện, áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, để chăm sóc sức khỏe cho người tham gia bảo hiểm y tế, không vì mục đích lợi nhuận.
Hiện nay, Bộ Y tế đang hoàn thiện dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), trong đó có quy định về bảo hiểm y tế bổ sung, để bảo đảm thống nhất với Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023, và đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành có liên quan như Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022.
Bộ Y tế cho biết hiện nay, tại Việt Nam có 2 hình thức bảo hiểm y tế. Đó là, bảo hiểm y tế bắt buộc do Nhà nước thực hiện theo Luật Bảo hiểm y tế, mang tính xã hội không vì mục đích lợi nhuận, và được Nhà nước tổ chức thực hiện theo Luật.
Bảo hiểm sức khỏe của các công ty bảo hiểm (thường được gọi là bảo hiểm y tế thương mại) mang tính kinh doanh, hoạt động có lợi nhuận theo Luật Kinh doanh bảo hiểm.
Hình thức bảo hiểm này được thiết kế phù hợp với mọi mong muốn của người ký hợp đồng bảo hiểm, theo từng điều kiện và nhu cầu của người đó, mang tính tự nguyện và không mang tính bắt buộc như bảo hiểm y tế xã hội.
Trong dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), Bộ Y tế có đề xuất liên quan đến 2 hình thức bảo hiểm y tế này.
Theo Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), dự thảo luật nêu rõ quy định chính sách bảo hiểm y tế bổ sung mang tính tự nguyện do doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm thực hiện theo quy định. Trong đó, việc tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc là điều kiện để tham gia bảo hiểm y tế bổ sung, nhằm mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc.
Dự kiến người tham gia bảo hiểm y tế bổ sung được tích hợp thông tin trên thẻ bảo hiểm y tế bắt buộc khi đi khám chữa bệnh. Phạm vi được hưởng bảo hiểm y tế bổ sung không trùng với phạm vi và mức hưởng của bảo hiểm y tế bắt buộc.
Người bệnh được trả thêm các chi phí đồng chi trả, các chi phí ngoài phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế, các chi phí theo yêu cầu và các chi phí gia tăng khác. Đồng thời, được tiếp cận dịch vụ y tế tốt hơn, được lựa chọn cơ sở cung cấp dịch vụ theo yêu cầu.
Chẳng hạn, bảo hiểm y tế bổ sung sẽ chi trả cho các dịch vụ như khám sức khỏe định kỳ, chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người già, khám - chẩn đoán, sàng lọc, phát hiện sớm một số bệnh…
Tổ chức cung cấp bảo hiểm y tế bổ sung sẽ được cơ sở khám chữa bệnh cung cấp dữ liệu về tình trạng của bệnh nhân, chi phí sử dụng dịch vụ y tế liên quan phục vụ việc chi trả quyền lợi cho người tham gia.
Theo bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế), gói bảo hiểm y tế bổ sung này là bảo hiểm y tế tự nguyện, vì thế người dân có nhu cầu, đủ điều kiện trên cơ sở đã tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc đều được tham gia.
Về mức phí cho bảo hiểm y tế bổ sung, dự kiến sẽ do phía đơn vị kinh doanh bảo hiểm quy định. Tuy nhiên, Nhà nước sẽ quy định nguyên tắc xây dựng mức phí để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh.
Các doanh nghiệp tham gia cung cấp gói bảo hiểm này không được lựa chọn đối tượng, không được có quy định loại trừ người dân, không chỉ chọn người khỏe ký hợp đồng mà là tất cả người có điều kiện, có nhu cầu.
Nhằm đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người tham gia, doanh nghiệp sử dụng kết quả giám định của cơ quan Bảo hiểm xã hội để xác định chi phí phù hợp, đúng quy định. Các cơ quan chức năng cũng sẽ đề xuất cơ chế pháp lý rõ ràng để giám sát việc thực hiện bảo hiểm y tế bổ sung.
Theo bà Trang, việc đa dạng hóa các gói bảo hiểm y tế phù hợp với mức đóng, nhằm chi trả cho một số dịch vụ chưa được bảo hiểm y tế chi trả, đồng thời hạn chế chi từ tiền túi của những người dân do tăng tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế.
Bộ Y tế cũng cho biết hiện nay tỷ lệ chi từ tiền túi cho y tế của người dân vẫn tương đối cao trong cơ cấu tài chính y tế ở Việt Nam (khoảng 43%). Mục tiêu giảm tỷ lệ chi tiền túi đặt ra là còn khoảng 23% vào năm 2025.
Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.