15:27 28/06/2023

NIC triển khai chương trình “Cơ hội mới” cho người thất nghiệp, thiếu việc làm

Anh Nhi

Thông qua các khóa đào tạo kỹ năng số, người lao động, đặc biệt là đối tượng công nhân thất nghiệp hoặc muốn chuyển đổi nghề nghiệp hậu đại dịch Covid-19, sẽ được cung cấp những kiến thức phù hợp, đáp ứng nhu cầu công việc cùng cơ hội việc làm sau khi hoàn thành khóa đào tạo...

Phiên thảo luận "Cơ hội mới" cho công nhân với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước.
Phiên thảo luận "Cơ hội mới" cho công nhân với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước.

Nhằm tạo cơ hội cho người công nhân tiếp cận các cơ hội mới trong bối cảnh công nghệ số phát triển, ngày 28/6, Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Diễn đàn “Việc làm Số cho công nhân” và công bố Chương trình “Cơ hội mới” nằm trong khuôn khổ hoạt động “Nguồn nhân lực cho Đổi mới sáng tạo Hệ sinh thái khởi nghiệp” (USAID WISE).

Theo ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), diễn đàn được tổ chức với mục đích hỗ trợ nguồn nhân lực số Việt Nam phát triển, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Thông qua các khóa đào tạo kỹ năng số, người lao động, đặc biệt là đối tượng công nhân thất nghiệp hoặc muốn chuyển đổi nghề nghiệp hậu đại dịch Covid-19, sẽ được cung cấp những kiến thức phù hợp, đáp ứng nhu cầu công việc cùng cơ hội việc làm sau khi hoàn thành khóa đào tạo.

Việc đào tạo các kỹ năng số, bao gồm các kỹ năng, khả năng, kiến thức và thói quen làm việc... kết hợp với chương trình "Cơ hội mới", theo ông Vũ Quốc Huy, được kỳ vọng sẽ đáp ứng được nhu cầu công việc, giúp công nhân tiếp cận và sử dụng công nghệ số thành thạo. Từ đó, người công nhân có thêm những cơ hội nhận được những công việc phù hợp và thăng tiến trong sự nghiệp. Đây là một trong những yếu tố quan trọng đối với người lao động trong bối cảnh các hình thái công việc và tính chất công việc không ngừng thay đổi.

Chia sẻ về chương trình “Cơ hội mới”, ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc NIC cho biết, chương trình “Cơ hội mới” ra đời trong bối cảnh quý 1/2023 có hơn 880.000 người thiếu việc làm và số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là hơn 1 triệu người.

Nhiều doanh nghiệp như dệt may, da giày, điện - điện tử cắt giảm lao động do tình hình kinh tế có nhiều biến động. Cùng với đó, một lượng công nhân bị thay đổi bởi máy móc, phải chuyển đổi nghề nghiệp.

Vì vậy, chương trình tập trung hỗ trợ công nhân bị thất nghiệp do ảnh hưởng Covid-19, công nhân có nhiều khả năng bị thất nghiệp; tạo cơ hội cho họ tham gia các khoá đào tạo ngắn hạn để nâng cao tay nghề, có thể thay đổi công việc tốt hơn cho nền kinh tế số.

Theo đó, chương trình “Cơ hội mới” đặt mục tiêu có 300 công nhân tham gia đào tạo (20% là nữ giới). Sau đào tạo, có 50% người tham gia có việc làm tốt hơn.

Bà Nguyễn Thị Nga, chuyên gia việc làm của Ngân hàng thế giới (WB), cho biết thị trường lao động Việt Nam đang thay đổi với một sự chuyển dịch mạnh mẽ từ lao động tự do sang làm công ăn lương. Hiện đang có 7/10 nhóm nghề nghiệp phát triển nhanh nhất theo tỷ lệ tăng trưởng việc làm là chuyên gia, kỹ thuật viên và chuyên gia liên kết trong lĩnh vực công nghệ thông tin, y tế, khoa học và kỹ thuật, kinh doanh và quản trị. Trên bình diện đó, nhu cầu về kiến thức kỹ thuật số đang lan rộng ở Việt Nam với khoảng 2/3 công việc yêu cầu hiểu biết về kỹ thuật số.

Trong khi đó, nhiều kỹ năng công nghệ tại Việt Nam đang thấp hơn mức trung bình toàn cầu, như kỹ năng kinh doanh tổng quát (quảng cáo, kiến trúc, điện tử). Trong khi các công việc yêu cầu sử dụng máy tính ở mức độ cao tăng nhanh. Các công việc đang phát triển mạnh cũng có xu hướng yêu cầu sử dụng máy tính cao hơn.

Do vậy, bà Nga cho rằng Việt Nam cần tăng cường đầu tư có mục tiêu để thúc đẩy nguồn cung và chất lượng lao động tiềm năng trong các ngành nghề đang phát triển hàng đầu. 

Bà Nga khuyến nghị các cấp quản lý cần cải thiện khả năng tiếp cận công khai thông tin về các ngành nghề đang phát triển cho sinh viên, người tìm việc, giảng viên và cố vấn nghề nghiệp để hướng người lao động đến nơi có việc làm. Cơ sở dữ liệu cần được xây dựng, từ cập nhật danh sách các ngành nghề đang phát triển và theo dõi xu hướng thị trường hàng năm, sử dụng dữ liệu LFS (tập tin kích thước lớn), khảo sát doanh nghiệp và vị trí tuyển dụng từ các cổng thông tin việc làm, để đảm bảo điều chỉnh kịp thời các chiến lược hình thành kỹ năng và dịch vụ hỗ trợ việc làm.

 

 

Toàn cảnh Lễ ký kết hợp tác.
Toàn cảnh Lễ ký kết hợp tác.

Trong khuôn khổ sự kiện cũng diễn ra lễ ký kết hợp tác hoạt động thí điểm “Chuyển đổi số cho công nhân Việt Nam” giữa Chương trình Hỗ trợ Tăng trưởng Kinh tế ở châu Á của USAID (US-SEGA) và Tổ chức giáo dục trực tuyến FPTFUNiX.

Hoạt động thí điểm trên hứa hẹn giúp thu hẹp khoảng cách kỹ năng, kiến thức cho người công nhân, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bằng cách học hỏi và phát triển những kỹ năng mới, người lao động nói chung và công nhân nói riêng có thể định vị bản thân để tận dụng những cơ hội mới đang có trên thị trường việc làm.