11:28 18/10/2016

Nợ công có thể gặp rủi ro gì?

Nguyên Vũ

Quan điểm của Chính phủ là không sử dụng nợ công để cấp phát ngân sách nhà nước cho quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước

Tổng nhu cầu vay cho ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 2.191 nghìn tỷ đồng.
Tổng nhu cầu vay cho ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 2.191 nghìn tỷ đồng.
Tổng nhu cầu vay cho ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 2.191 nghìn tỷ đồng, bình quân khoảng 438 nghìn tỷ/năm.

Thông tin này được Chính phủ cho biết trong một báo cáo về nợ công, được trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hôm 17/10.

Chính phủ tính toán, năm 2020 sẽ có mức huy động cao nhất là 573 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhu cầu vay mới của Chính phủ để trả một phần nợ gốc trong nước đến hạn khoảng 184 nghìn tỷ đồng.

Trường hợp phát sinh các rủi ro ảnh hưởng đến hoạt động thu, chi ngân sách, qua đó không đảm bảo bố trí nguồn chi trả nợ như dự kiến (khoảng 1.325 nghìn tỷ đồng trong 5 năm) thì nhu cầu vay mới của Chính phủ để thanh toán nợ gốc đến hạn có thể cao hơn.

Chính phủ đánh giá, khả năng huy động vốn trong giai đoạn tới vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Về nghĩa vụ trả nợ, Chính phủ dự kiến trong cả 5 năm là khoảng 1.660 nghìn tỷ đồng.

Các rủi ro trong phát sinh thực hiện cũng được Chính phủ báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Như, trường hợp tăng trưởng kinh tế hoặc giá trị GDP danh nghĩa thấp hơn dự kiến, các chỉ tiêu nợ so với GDP sẽ vượt giới hạn.

Cụ thể, nếu tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2016 - 2020 chỉ đạt mức 5,9% - 6% trong khi không điều chỉnh quy mô vay nợ công hàng năm thì tỷ lệ nợ công trên GDP có thể lên tới 70% GDP.

Rủi ro tiếp theo được Chính phủ lường tính là trường hợp bội chi ngân sách thực tế cao hơn sơ với dự kiến, các chỉ tiêu nợ so với GDP và chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách hàng năm sẽ vượt giới hạn cho phép.

Bên cạnh đó, giải ngân nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi vượt mức trần dự kiến trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 thì sẽ làm tăng bội chi ngân sách, nợ công và nợ Chính phủ.

Rủi ro còn có thể ở chỗ phát sinh các nghĩa vụ nợ tiềm ẩn có thể chuyển thành nợ công trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng.

Ngoài ra, trường hợp phát sinh các rủi ro thị trường như lãi suất, tỷ giá cũng sẽ có tác động làm thay đổi các chỉ tiêu dư nợ, nghĩa vụ trả nợ khi quy sang đồng Việt Nam.

Dự báo nhiều rủi ro như vậy, song Chính phủ vẫn xác định kiểm soát nợ trong giới hạn trần cho phép. Một trong các giải pháp là từng bước kiểm soát tốc độ gia tăng dư nợ công thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ trượt giá để đảm an toàn, bền vững nợ và an ninh tài chính quốc gia trong trung - dài hạn.

Giải pháp tiếp theo được Chính phủ báo cáo là xác định rõ mức bội chi ngân sách nhà nước và lộ trình cắt giảm bội chi trong trung dài hạn (bao gồm cả giá trị tuyệt đối và tỷ lệ so với GDP). Theo đó, khống chế bội chi ngân sách bình quân 5 năm ở mức 3,9% GDP.

Cắt giảm mạnh bảo lãnh Chính phủ theo hướng tạm dừng toàn bộ việc cấp mới bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay trong và ngoài nước cũng nằm trong các giải pháp được Chính phủ thực hiện trong 5 năm tới.

Với định hướng tiếp tục tái cơ cấu nợ công, quan điểm của Chính phủ là kiên quyết không thực hiện chuyển đổi cơ chế tài chính từ cho vay lại sang ngân sách nhà nước đầu tư trực tiếp đối với các dự án đầu tư sử dụng vốn vay kém hiệu quả.

Đồng thời, không sử dụng nợ công để cấp phát ngân sách nhà nước cho quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước, cấp vốn điều lệ cho tổ chức tín dụng hay đóng góp cổ phần tại các tổ chức tài chính quốc tế.

Theo Chính phủ, về lâu dài cần thành lập cơ quan quản lý nợ (DMO) nhằm mục tiêu hướng tới tập trung toàn bộ các chức năng nợ công vào một bộ phận duy nhất, giảm sự phân tán và tăng cường sự phối hợp trong quản lý nợ công theo mô hình cơ quan quản lý nợ tiên tiến, chuyên nghiệp trên thế giới.