19:15 07/04/2023

Nợ xấu trái phiếu 8,15% ảnh hưởng thế nào tới chất lượng tài sản ngân hàng?

An Phong

Theo thống kê từ FiinGroup, tỷ lệ nợ xấu trái phiếu hiện nay chiếm 8,15% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp lưu hành toàn thị trường. Kỳ vọng các chính sách hỗ trợ liên quan đến pháp lý bất động sản, tín dụng bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp sẽ được triển khai một cách có hiệu quả nhằm giảm những tác động đến hoạt động kinh tế...

Nguồn: FiinRatings.
Nguồn: FiinRatings.

Theo thống kê từ FiinGroup, tỷ lệ nợ xấu trái phiếu hiện nay chiếm 8,15% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp lưu hành toàn thị trường và 12% giá trị trái phiếu doanh nghiệp phi tài chính tính đến thời điềm 17/3/2023. Số liệu này được tính toán từ 69 tổ chức phát hành, trong đó có 65 trường hợp chậm trả và 4 trường hợp đã thực hiện tái cơ cấu.

Tổng giá trị trái phiếu chậm trả đạt 94,4 nghìn tỷ đồng trong đó ngành bất động sản dẫn đầu khi chiếm 83,6% giá trị với 43 tổ chức phát hành chậm trả. Ngành bất động sản cũng có tỷ lệ nợ xấu ở mức cao: 20,17% tính theo giá trị trái phiếu chậm trả trên tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp lưu hành 396 nghìn tỷ đồng của ngành.

Ngành năng lượng mặc dù có tỷ lệ nợ xấu trái phiếu ở mức cao nhất, lên tới 63,1% nhưng ở quy mô rất nhỏ và có tính tập trung vào một số ít doanh nghiệp, chiếm 0.3% tổng giá trị trái phiếu lưu hành.

Đánh giá tác động của nợ xấu trái phiếu lên ngân hàng, theo FiinGroup có ba ảnh hưởng chính. 

Thứ nhất, tác động đến chất lượng danh mục đầu tư trái phiếu của ngân hàng. 28 ngân hàng niêm yết hiện đang sở hữu khoảng 225,07 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp phi ngân hàng, chiếm 1,87% tổng tài sản sinh lời và 2,68% tổng dư nợ tín dụng tại thời điểm cuối năm 2022. Như vậy, mặc dù xét trên tỷ lệ này thì quy mô và mức độ sẽ không quá lớn đến cả hệ thống trong bối cảnh bộ đệm vốn của nhiều ngân hàng ở mức rất cao.

Thứ hai, mặc dù số dư sở hữu trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng trên bình diện chung là không lớn. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng đến từng ngân hàng có thể đáng kể tùy theo quy mô và chất lượng của danh mục trái phiếu cũng như áp lực mua lại trước hạn từ nhà đầu tư khi các doanh nghiệp là tổ chức phát hành không có khả năng đáp ứng.

Thứ ba, tác động chéo sang chất lượng tín dụng cho vay. Với tín dụng kinh doanh bất động sản, bên cạnh trái phiếu thì số dư vay tín dụng ngân hàng của 43 doanh nghiệp bất động sản chậm trả chiếm khoảng 5,32% tổng dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản (807 nghìn tỷ VND vào cuối năm 2022).

Do đó, đây là yếu tố rủi ro hiện hữu cho chất lượng tín dụng bất động sản cho chủ đầu tư. Mức độ rủi ro có thể tăng lên tùy theo 3 yếu tố chính: (i) tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản; (ii) khả năng huy động vốn mới; và (iii) quan trọng nhất là khả năng thực hiện tái cơ cấu nợ không chỉ với trái chủ mà với cả tổ chức tín dụng dựa trên Nghị định 08 và các chính sách liên quan.

Với tín dụng cho người mua nhà, rủi ro sẽ tăng lên nếu như tiến độ bàn giao tài sản cho khách hàng tiếp tục chậm trễ do các nguyên nhân từ phía chủ đầu tư. Ngoài ra, khả năng tín dụng của người mua nhà thấp đi trong bối cảnh lãi suất vẫn neo cao.

Nợ xấu trái phiếu 8,15% ảnh hưởng thế nào tới chất lượng tài sản ngân hàng?  - Ảnh 1

Trong tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp lưu hành 788,9 nghìn tỷ đang lưu hành với 757 tổ chức phát hành là doanh nghiệp phi ngân hàng thì FiinGroup cho rằng vấn đề cần quan tâm và rủi ro chính là 396,3 nghìn tỷ đồng đến từ 302 doanh nghiệp bất động sản.

Tỷ lệ nợ xấu trái phiếu sẽ tiếp tục đà tăng trong thời gian tới trước khi những thay đổi chính sách có hiệu quả trực tiếp và trước khi môi trường kinh doanh được dần cải thiện rõ rệt. Lý do là áp lực nợ đáo hạn 107,5 nghìn tỷ sẽ đáo hạn trong năm 2023 này trong khi triển vọng kinh doanh của ngành bất động sản đang gặp những trở ngại lớn và chưa có dấu hiệu khởi sắc trở lại. 

Cũng theo FiinGroup, Việt Nam đang phải đối mặt với tỷ lệ nợ xấu trái phiếu lớn hơn so với Trung Quốc. Mức độ tín dụng Bất động sản trong nền kinh tế (bao gồm cả cho vay nhà phát triển Bất động sản và cho vay người mua nhà) khá lớn, tương đương 26,57% tổng dư nợ hệ thống và 44% GDP của Trung Quốc trong khi đó ở Việt Nam, khoảng 19,54% tổng dư nợ và 24% GDP vào cuối 2021.

"Mặc dù môi trường kinh doanh là khác nhau giữa hai thị trường nhưng những tác động từ vấn đề của thị trường bất động sản và vấn đề tín dụng và trái phiếu bất động sản đến tăng trưởng kinh tế Trung Quốc là rất rõ như chúng tôi đã chỉ ra trong một số báo cáo trước đây.

Do đó, chúng tôi kỳ vọng các chính sách can thiệp và hỗ trợ liên quan đến pháp lý bất động sản, tín dụng bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp sẽ được thị trường triển khai một cách có hiệu quả nhằm giảm những tác động đến hoạt động kinh tế thực tại Việt Nam", báo cáo nhấn mạnh.